Đôi bờ sông La.
Kỳ 1: Về thăm đất học, đất văn
Về Đức Thọ, Hà Tĩnh lần này chúng tôi có một trải nghiệm làm thỏa lòng ao ước bấy lâu, đó là xuôi thuyền ngược dòng sông La. Cũng phải nói thêm rằng, trước có lần “ráp nối” xin đi đò cào hến mà chuyện chẳng thành, ấy cũng là bởi cái nghề “ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm” có giờ giấc trái khoáy, cứ phải dong thuyền từ lúc giữa khuya, lối sinh hoạt ấy khiến người có tình cũng khó lòng theo được.
Nay thì dễ rồi, bởi giữa làng Hến và thôn Đền giờ đã có một chiếc du thuyền làm dịch vụ trên sông. Du thuyền sức chứa hơn 100 người có tên “An Pha” của hai ông Lê Hữu Thiêm và Đào An Pha hợp tác đầu tư đã đi vào hoạt động được mấy năm, cho thuê theo giờ, xuất phát từ bến làng Hến.
Ngồi thuyền xuôi ngược sông La từ ngã ba Phủ lên bến Tam Soa giờ đã trở thành hoạt động hấp dẫn du khách. Trên hành trình dài ngót 15km ấy, khách được chiêm ngưỡng sự giàu có của di sản văn hóa làng nghề của huyện Đức Thọ. Bờ bắc là xứ đạo Thọ Ninh với những tháp chuông nhà thờ vươn cao in trên nền trời, rồi qua “làng trăm nghề” ánh lửa đun hến bập bùng thâu đêm, bờ nam lại tạo ra cảm giác bình yên, diệu vợi với bãi lúa, nương dâu xanh ngăn ngắt, thấp thoáng xa xa bóng dáng đình làng, nhà thờ họ tộc đầm ấm trong khói lam, sương chiều, đó là đất học với những làng cổ nổi danh như Đồng Thái, Trung Lễ của các xã Tùng Ảnh, Lâm Trung Thủy...
Câu chuyện không đầu không cuối suốt hành trình tham quan sông La của thầy Dương Thế Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, giúp chúng tôi hiểu thêm về mấy làng ven sông này. Theo dân gian huyện Đức Thọ, có nhiều làng nức tiếng là đất học, lắm người đỗ đạt, lắm “nhà khoa bảng” là bởi uống nước sông La, chuyện ấy không hẳn là truyền thuyết. Muốn cho tỏ tường thì phải tìm đến cội nguồn gốc tích, ví như các dòng họ Phan, Hoàng (xã Tùng Ảnh), Lê, Trần (xã Lâm Trung Thủy) đều là người phía bắc di dân vào cách đây bốn, năm trăm năm. Thủy tổ của các họ này vốn là các nhà “chân Nho”, nếu không phải là trọng thần được phong đất, mở cõi thì cũng là văn quan, thân sĩ chán cảnh triều đình nhiễu nhương mà tìm về nương náu. Các nhà Nho khi đó rất quan tâm đến cái gọi là “nho, y, lý, số”, nghĩa là ngoài việc học chữ thánh hiền còn biết xem phong thủy, y thuật và bói toán. Các cụ cho rằng, đất vùng ven sông La này đã rất tốt về mặt “phong thủy” rồi nên đào giếng sẽ phá hoại “long mạch” của làng. Vậy là người các làng phải đào những con hói, dẫn nước từ sông vào để sinh hoạt. Không biết có phải đất làng giữ được “long mạch” hay không mà các làng Trung Lễ, Đông Thái trong mấy trăm năm có được hàng chục nhà khoa bảng. Mãi đến sau cách mạng, phong trào “đả thực, bài phong” lên cao, ở làng Đông Thái mới có cái giếng đầu tiên trong vùng. Trên giếng này người ta còn đề mấy chữ: Mùa thu Ất Dậu người dân có nước! Dân quanh vùng học theo đó cũng đào giếng, lấy nước…
Chuyện của thầy Vinh làm dấy lên một cuộc tranh luận nhỏ, có ý kiến cho rằng, nghe các cụ truyền lại việc cấm đào giếng là có, song không phải vì sợ hỏng “long mạch” mà vì thời đó sông La còn chảy ven làng, sau này bị đổi dòng sinh ra một hệ thống bàu, hồ, hói không được thông thủy với sông đâm ra người dân phải đào giếng. Ngoài ra còn có một lý do khác. Không phải nhìn dòng sông này hiền hòa, nước chảy lững lờ mà xem thường, trước khi có đập Ngàn Trươi năm nào người dân quanh vùng cũng phải chịu cảnh ngập lụt, triều cường, sóng dữ… Nhưng xét cho cùng việc lụt cũng có cái lợi của lụt, ấy là sông đem đến phù sa, đất màu và thủy sản. Cứ ngẫm từ con hến dưới lòng sông này để thấy, trước những năm 1990, làng Hến có hợp tác xã Minh Châu chỉ chuyên cào hến, vỏ hến dùng nung vôi, xây biết bao công trình quanh mấy huyện này, thậm chí còn đưa xuống Vinh. Giờ thì người ta không dùng vôi từ vỏ hến, vỏ ấy đổ đắp bờ sông, nhìn ra cũng thấy hến nhỏ, vỏ mỏng có nung cũng chẳng tốt bằng xưa.
Mọi người thoáng trầm tư, chuyện dòng sông đổi dòng có can hệ rất lớn đến “số phận” nhiều làng. Theo một thống kê của huyện Đức Thọ từ 20 năm trước, đã có rất nhiều làng nghề truyền thống không còn giữ được nghề. Ví như nghề dệt lụa ở Đông Thái, nghề làm đá ong ở làng Vạn Hộ, nghề làm nón ở làng Yên Hội, Cửu Yên… Rồi các làng không bám sông cũng mất các nghề: làm giấy, ép dầu, sơn thiếp, thuộc da, mía đường, miến, bột… Sự mai một này có nguyên nhân khách quan từ tiến bộ xã hội, song cũng có nguyên nhân chủ quan từ việc mất đi vùng nguyên liệu, vốn phải dựa vào sông. Thêm vào đó, tư duy lớp trẻ bây giờ rất khác thời cha ông. Nếu như xưa ở làng Trung Lễ, Đông Thái nổi danh làng khoa bảng, có nhiều vị “chân Nho” đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà lại về quê mở trường dạy học, thì giờ con cháu đỗ đạt rồi chỉ mong đi làm ăn xa. Vì đâu mà đất làng không giữ chân được người đỗ đạt?
Bia đá cổ và nhà thờ họ Lê làng Trung Lễ, nơi có nhiều nhà khoa bảng được thờ phụng.
Cụ Trần Văn Dụ, 81 tuổi, người làng Đông Thái, khi nghe đến đó, bèn hỏi lại một câu khiến ai nấy tỉnh người: “Thế người đỗ đạt thì về làng làm gì? Như con tôi đây cũng là tiến sĩ, giờ là giám đốc của một công ty chuyển đổi số. Những nghề như vậy ở quê ta liệu có làm nổi không? Tôi tính rồi những năm gần đây học sinh Đông Thái cơ bản đỗ vào các trường đại học lớn, chưa tốt nghiệp ra trường đã có công ty đến xin người. Việc đi hay về là lựa chọn của các cháu, chẳng gia đình nào có thể ngăn cản nổi. Điều duy nhất ta có thể làm là giữ chặt tình quê, làm cho quê hương ta trở thành một nơi đáng nhớ để dù có ở đâu xa chúng cũng mong muốn trở về. Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn… là thế”. Thực tế mấy năm qua cho thấy lực lượng con em địa phương lao động xa quê rất tích cực đóng góp xây dựng quê hương, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ở làng nọ, có chuyện thế này. Trưởng làng vốn là một thanh niên tuổi đời còn khá trẻ, rất trăn trở với việc xây dựng cho làng một con đường “sáng, xanh, sạch, đẹp” kiểu thành phố nhưng không biết lấy đâu ra tiền. Kêu gọi đóng góp trong dân làng thì mấy năm mà vẫn chưa đủ kinh phí, anh bèn nghĩ ra một kế. Chiều ba mươi Tết, nhân con em trong làng trở về thăm cha mẹ đã tề tựu đông đủ, anh phát loa mời tất cả ra đình làng dùng “bữa cơm thân mật”. Giữa bữa anh đứng dậy xin phát biểu ý kiến, nguyện vọng làng như thế như kia, khơi dậy tình làng nghĩa xóm, quê hương dòng tộc, kêu gọi chung tay góp sức. Trong không khí thân tình đó, bữa ăn chưa kết thúc, tài khoản của làng đã được đổ đầy, số tiền đó không chỉ thừa làm đường mà còn xây được thêm một ngôi “nhà trí tuệ”.
“Nhà trí tuệ” là mô hình được nhiều làng, xã ven bờ sông La coi là hạt giống gieo mầm hiếu học trên tâm hồn trẻ nhỏ. Trong đó có những gì? Là đủ loại tư liệu hiện vật giới thiệu lịch sử, truyền thống quê hương; một tủ đầy sách các loại từ chuyên môn, khảo cứu cho đến thơ ca, cổ tích; một góc vui chơi thiếu thi với cờ vua, cờ tướng, ô ăn quan, banh đũa; lại có cả một phòng câu lạc bộ ngoại ngữ cho mọi người học miễn phí; và dĩ nhiên còn có cả hệ thống máy tính kết nối mạng toàn cầu… Có thể nói, trẻ em đến đây chỉ chơi thôi cũng đã học được nhiều điều. Mà điều quan trọng nhất chính là vai trò và giá trị của mình trong cái cộng đồng này, làng quê này. Với sự chăm sóc như thế hỏi sao người Đức Thọ xa quê luôn nhớ về quê cha đất tổ, nơi ấp ủ những ấm êm đầu đời?
Có câu ví giặm rằng: Sông này nước ngọt dòng êm, không nguồn không cửa, càng thêm hiền tài. Nhiều người biết tới sông La trong bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho với mưa bom, bão đạn, có những người dân anh hùng. Nay chúng tôi biết thêm có một dòng La đằm thắm tình quê đôi bờ.
(Còn nữa)
Link gốc: https://nhandan.vn/chuyen-ven-dong-song-la-ky-1-post746195.html?fbclid=IwAR0vOAGJsWX2qm0e8we7NIrV1Z2Ny_kNflP5QxWS-jzXfYpjPmsX7odPISM