Để dân ca xứ Nghệ được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ bảy - 03/06/2017 13:50
(Hatinhnews) - Không biết từ bao giờ, dân ca hò ví dặm đã được xem là một điểm nhấn đặc sắc của văn hóa xứ Nghệ. Nhằm bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang xúc tiến phối hợp lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là di sản phi vật thể nhân loại. Tuy nhiên, từ điểm xuất phát đến đích còn là một quãng đường dài với rất nhiều khó khăn thách thức.

Núi Hồng sông Lam, quê hương của dân ca hò, ví giặm
Những nỗ lực bảo tồn di sản quý

Dân ca xứ Nghệ (hò, ví, giặm) là một di sản tinh thần vô giá, kết tinh trí tuệ, tình yêu và tài hoa của bao thế hệ của cộng đồng dân cư, của các dân tộc anh em trên quê hương Nghệ An – Hà Tĩnh. Có thể xem đó là một thứ rượu đặc biệt, được chưng cất nên từ nụ cười và những giọt nước mắt, từ những say đắm mãnh liệt cũng như nỗi buồn đau khắc khoải, từ mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, là tấm gương phản chiếu một cách trung thực nhất, sâu sắc nhất đời sống vật chất và tinh thần, những nét riêng trong truyền thống, bản sắc, tính cách của cuộc sống và con người xứ Nghệ.

Dân ca xứ Nghệ đã trở thành một nhu cầu, một bộ phận không thể tách rời của đời sống dân cư Nghệ Tĩnh. Với những nét đặc sắc về nội dung trữ tình và làn điệu, dân ca Nghệ Tĩnh là một di sản tiêu biểu của vùng văn hóa Nghệ - Tĩnh.

Một buổi sinh hoạt của CLB hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn)


Trong nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, vào tháng 3 năm 2011, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ”. Tại Hội thảo, hai tỉnh đã đặt vấn đề phối hợp khởi động lộ trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca, hò, ví, dặm xứ Nghệ là văn hóa di sản nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Từ trước đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Sau khi tổ chức Hội thảo, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có sự phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong thời gian tới, hai tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa dân ca Nghệ Tĩnh trở thành di sản nhân loại”.

Từ năm 2000, Nghệ An đã thành lập Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với hạt nhân là Nhà hát dân ca. Hiện nay ở Nghệ An có 52 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt. Tháng 9/2011, Nghệ An đã tổ chức Liên hoan các CLB đàn và hát dân ca lần thứ nhất, với sự tham gia của 20 CLB.

Trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2012, Nghệ An sẽ tiến hành Liên hoan Dân ca ví giặm lần đầu tiên trên phạm vi toàn tỉnh, được coi như là một hoạt động xúc tiến đưa dân ca xứ Nghệ thành di sản văn hóa nhân loại. Nghệ An cũng đã nhiều năm đưa dân ca vào trường học và thu được một số kết quả.

Những khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, con đường để đạt mục tiêu còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, cả về khách quan lẫn chủ quan. Trong điều kiện hiện tại, khi mà cuộc sống hiện đại đang lấn át mạnh mẽ các giá trị truyền thống, di sản dân ca xứ Nghệ ngày càng vắng bóng trong đời sống cộng đồng, thì việc bảo tồn, phát huy di sản này ngày càng trở nên khó khăn.

Nghệ sỹ ưu tú Hồng Lựu, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn, phát huy di sản dân ca Xứ Nghệ chia sẻ: “Môi trường diễn xướng nguyên bản của dân ca xứ Nghệ không còn, và làm thế nào để phục hồi môi trường diễn xướng đang là một câu hỏi khó. Ngày xưa hát phường vải thì có phường vải, hò chèo thuyền thì có chèo thuyền…còn ngày nay chỉ có thể mô phỏng, sân khấu hóa”.


Biểu diễn dân ca ví giặm tại Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ.

Các nghệ nhân lưu giữ các làn điệu gốc hầu hết đã qua đời, số còn lại cũng đã già yếu. Âm nhạc hiện đại và lối sống công nghiệp đang làm dân ca Nghệ Tĩnh mất dần công chúng. Các bà mẹ hầu như không còn ru con bằng dân ca, các đám cưới cũng đã vắng bóng các làn điệu dân ca…Kiến thức về dân ca của học sinh và thế hệ trẻ cũng rất mờ nhạt. Ngay cả nhiều cán bộ trong ngành văn hóa cũng không có kiến thức bài bản về dân ca Nghệ Tĩnh. Các CLB dân ca được thành lập chưa nhiều, và hoạt động chưa thực sự hiệu quả, kinh phí còn rất khó khăn. Nghệ An – Hà Tĩnh đều chưa khai thác được vốn dân ca vào việc phục vụ và thu hút khách du lịch.

Lộ trình dân ca xứ Nghệ trở thành di sản phi vật thể nhân loại đang còn dài. Một di sản chỉ được UNESCO công nhận khi nó thực sự sống trong đời sống cộng đồng, và đây mới là thử thách thực sự đối với di sản dân ca hò ví dặm xứ Nghệ. Những yếu tố về không gian, nhân vật, điều kiện diễn xướng của dân ca xứ Nghệ hầu hết đã bị mai một, và cần làm gì, làm như thế nào để phục hồi đang là một câu hỏi không dễ trả lời.

Vì vậy, việc cần làm trước mắt là xác định rõ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà nước và toàn xã hội trong việc giữ gìn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, đồng thời, cần có những giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý giá này của quê hương.

Theo Tamnhin.net


Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây