Thời gian qua, hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đầu tư vào các dự án xây dựng, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống dân sinh, thay đổi diện mạo tại địa phương. Việc phát triển cơ sở hạ tầng luôn mang đến nhiều lợi ích cho người dân, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Trụ sở UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
Tuy nhiên, theo phản ánh, không ít dự án do UBND huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các Dự án xây dựng cơ bản huyện này làm bên mời thầu đã "lọt" "vào tay" các nhà thầu “quen mặt”, doanh nghiệp bản địa với những dấu hiệu bất thường. Điển hình trong số này có thể kể đến Công ty TNHH Như Nam, có địa chỉ tại TDP số 7, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Đặng Ngọc Bảo.
Hiện tượng này đang đặt ra nhiều nghi ngại về sự “ưu ái” doanh nghiệp quen trong đấu thầu và lựa chon nhà thầu. Bởi thực tế tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu tại đây cũng hết sức "nhỏ giọt", có dấu hiệu thất thoát lãng phí trong sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, tháng 3/2019, Ban Quản lý các Dự án xây dựng cơ bản huyện Đức Thọ tổ chức đấu thầu gói thầu 01.XL: Xây dựng công trình Đường liên xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ, giá gói thầu 10.543.162.000 đồng, giá trúng thầu 10.536.842.000 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng này là 6 tháng. Tiết kiệm khoảng 6,3 triệu đồng/gói thầu hơn 10,5 tỷ đồng, tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0.06%.
Thông báo trúng thầu gói Xây dựng công trình Đường giao thông xã Đức Thủy – Thái Yên
Tại gói thầu này, Công ty TNHH Như Nam là đơn vị trúng thầu theo Thông báo trúng thầu số 403/TB-UBND được Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ là ông Võ Công Hàm ký ngày 06 tháng 3 năm 2019.
Cũng trong ngày 06 tháng 3 năm 2019, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, ông Võ Công Hàm ký tiếp Thông báo trúng thầu số 404/TB-UBND về việc quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu 01.XL: Xây dựng công trình Đường giao thông xã Đức Yên, huyện Đức Thọ với giá gói thầu 11.327.340.000. Công ty TNHH Như Nam cũng trúng thầu với giá 11.322.603.000 đồng. Tiết kiệm khoảng 4,7 triệu đồng, với tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0.04%.
Chỉ sau khoảng 1 tháng lựa chọn nhà trúng thầu các dự án trên, tức ngày 12 tháng 4 năm 2019, ông Võ Công Hàm, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ tiếp tục ký thông báo về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 1034/TB-UBND cho gói thầu 01.XL: Xây dựng công trình Đường giao thông xã Đức Thủy – Thái Yên, huyện Đức Thọ, với giá của gói thầu là 12.497.053.000 đồng. Giá trúng thầu 12.490.513.000. Tiết kiệm cho ngân sách chỉ hơn 6,5 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm chỉ vọn vẹn 0.05%.
Cùng tham gia dự thầu tại gói thầu này còn có 02 nhà thầu khác là Công ty cổ phần XDCT Anh Đào và Công ty TNHH Hồng Phong. Tuy nhiên, cả 02 đơn vị này đều trượt thầu với lý do: Hồ sơ không hợp lệ hoặc không đáp ứng được năng lực và kinh nghiệm…
Tiếp đó, tháng 5/2019, tại Thông báo trúng thầu số 1614/TB-UBND ngày 29/5/2019, lãnh đạo huyện Đức Thọ ký Thông báo về việc cho Công ty TNHH Như Nam trúng gói thầu 01.XL: Xây dựng nền, mặt đường và các công trình trên tuyến Đường giao thông xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ. Giá gói thầu được chủ đầu tư đưa ra là 10.683.297.000 đồng, trong khi giá trúng thầu 10.675.302.000 đồng. Tiết kiệm cũng chỉ hơn 7,9 triệu đồng, chiếm tỉ lệ 0.07% so với giá mời thầu.
Sự việc Công ty TNHH Như Nam liên tục trúng thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp trên địa bàn huyện Đức Thọ chưa dừng lại ở đó, khi trong 2 ngày 12,13/6/2019 liên tiếp trúng 2 gói thầu, cụ thể:
Ngày 12/6/2019, UBND huyện Đức Thọ có thông báo trúng thầu số 1727/TB-UBND-DA phê duyệt cho Công ty TNHH Như Nam trúng Gói thầu số 01.XL: Xây dựng công trình Đường giao thông xã Đức Lâm nối đường đi trung tâm xã Đức Lập và Quốc lộ 8A, huyện Đức Thọ. Giá gói thầu 11.023.635.000 đồng, giá trúng thầu 11.017.895.000 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng này là 10 tháng. Tiết kiệm chỉ vỏn vẹn 5,7 triệu đồng, tỉ lệ tiết kiệm 0.05%/gói thầu hơn 11 tỷ đồng.
Một công trình tại xã Đức Lâm do Công ty TNHH Như Nam đang thi công
Tại thông báo số 1740/TB-UBND ngày 13/6/2019, lãnh đạo huyện Đức Thọ cũng ký cho Công ty TNHH Như Nam trúng gói thầu 01.XL: Xây dựng công trình Đường và kênh tiêu úng xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ. Giá gói thầu 12.044.807.000 đồng, giá trúng thầu 12.037.789.000 đồng, Thời gian thực hiện hợp đồng này là 10 tháng. Chênh lệch 7 triệu đồng/gói thầu hơn 12 tỷ đồng. Tỉ lệ tiết kiệm cũng chỉ vỏn vẹn 0.05%.
Và mới đây, tại thông báo trúng thầu số 4531/TB-UBND-DA ngày 23/12/2019, lãnh đạo huyện Đức Thọ cũng ký cho Công ty TNHH Như Nam trúng gói thầu 01.XL: Xây dựng đoạn 1 dài 1.434m và đoạn 2 dài 684m công trình Kè chống sạt lở bờ hữu sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Đồng - Đức Lạc, huyện Đức Thọ. Giá gói thầu được chủ đầu tư đưa ra là 48.512.423.000 đồng, trong khi giá trúng thầu 48.367.791.000 đồng. Tỷ lệ tiết kiệm 0.29%, đây được xem là gói thầu có tỉ lệ cao nhất trong các gói thầu nêu trên.
Trên đây chỉ là một trong những minh chứng để thấy rằng việc tiết kiệm cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu tại UBND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là hết sức "nhỏ giọt", thậm chí là "siêu thấp"...
Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý các dự án xây dựng cơ bản huyện Đức Thọ cho biết: “Các gói thầu đều được đăng công khai rộng rãi, còn việc trúng thầu sát giá thì người ta nhà thầu) có quyền bỏ thầu không vượt quá giá trần là được”.
Liên quan đến vấn đề trên, các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc một địa phương, một chủ đầu tư liên tiếp có những gói thầu sát giá, tiết kiệm thấp là điều bất thường và đây chính là dấu hiệu cho các cơ quan như thanh tra, kiểm toán… kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu, chống thất thoát, lãng phí.
Đấu thầu là hoạt động tìm ra nhà thầu đủ năng lực, trong đó cạnh tranh về giá cũng là một tiêu chí để xem xét, đánh giá lựa chọn nhà thầu. Luật đấu thầu quy định rõ, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu. Việc các doanh nghiệp bản địa giành thắng lợi trong các cuộc đấu thầu, theo các chuyên gia thì không có gì bất thường. Thậm chí việc này còn có lợi cho chủ đầu tư trong việc tiết kiệm nguồn vốn bởi doanh nghiệp “bản địa” có lợi thế về nhân công, am hiểu địa bàn… nên bỏ giá thầu cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp từ nơi khác.
Tuy vậy, việc một doanh nghiệp “bản địa” liên tiếp trúng thầu nhiều dự án, tỷ lệ tiết kiệm thấp lại khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về năng lực thực tế của doanh nghiệp cũng như tính khách quan, minh bạch của chủ đầu tư trong quá trình mời thầu và chấm thầu. Thiết nghĩ huyện Đức Thọ và cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát, kiểm tra lại những gói thầu này để có câu trả lời thỏa đáng về tính minh bạch của công tác đấu thầu trên địa bàn.
Báo Đời sống và Tiêu dùng tiếp tục thông tin về vụ việc!