Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH và Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra công tác ứng phó với dịch bệnh tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lao đao
Báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy, 74% doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Trung tuần tháng 3/2020, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện lãnh đạo các tập đoàn lớn, hầu hết đều cho biết đang rất khó khăn. Đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%.
Tương tự với hàng không. Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) từng ước tính, hàng không Việt Nam có thể thiệt hại 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Còn theo đại diện Công ty CP Hàng không Vietjet, doanh thu của hãng đã giảm một nửa trong quý I.
Nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, mở thêm đường bay mới tới Ấn Độ..., song kế hoạch cũng tạm dời vì dịch bệnh lây lan. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến…
Hỗ trợ 150.000 tỷ đồng từ việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện Đề án tổng thể với 6 nội dung chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thảo luận trong Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm nay.
Theo đó, ngoài nhiều nội dung nhằm chăm lo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như người lao động ổn định sản xuất, đời sống và tạo điều kiện để phát triển thị trường lao động, đề án còn giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn, ngừng việc hoặc giãn hoặc mất việc, đặc biệt giải quyết đối với chính sách người lao động.
Bên cạnh đó, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động để triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo nguyên tắc những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và doanh nghiệp bị 50% thiệt hại do ảnh hưởng của dịch.
Bộ cũng đang trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có thể nâng cao mức hỗ trợ và tập trung mở rộng hơn đối tượng bao gồm tất cả những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thì đều được tạm dừng đóng BHXH.
Điều đó có nghĩa là tất cả những doanh nghiệp cứ có tầm 10% người lao động bị ảnh hưởng thì đều được tạm dừng đóng BHXH, chứ không phải khống chế tỷ lệ 50% như trước. Đối với những doanh nghiệp mức sản xuất kinh doanh giảm thu 50% có thể áp dụng ngay việc tạm dừng đóng BHXH.
“Riêng việc hỗ trợ thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp sẽ tương đương với số tiền 150.000 tỷ đồng. Chúng tôi tin rằng với 150.000 tỷ đồng này và cách thức tác động như vậy chúng ta sẽ tạo ra sự ổn định rất lớn cho xã hội, đó là điều quan trọng nhất.
Thứ hai là sẽ tạo điều kiện người lao động có khả năng thích ứng trong giai đoạn đầu, nhất là chuyển đổi công việc, giải quyết vấn đề tạm ngưng việc lúc ban đầu. Thứ ba là hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn để tái tạo lại sản xuất kinh doanh” – ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Với quy mô trong đề xuất này, có thể hỗ trợ được từ 1,5-3 triệu người lao động và từ 100.000-200.000 doanh nghiệp. Với quy mô như vậy, số tiền tương ứng từ 25.000 - 49.000 tỷ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm để hỗ trợ cho người lao động trong thời gian mất việc không ảnh hưởng gì đến tình hình việc làm hiện tại, bởi công ăn việc làm là một phạm trù hoàn toàn khác. Còn việc hỗ trợ của bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn trong lúc thời gian mất việc tạm ngừng việc và để chúng ta có khả năng tái tạo việc làm mới, để ngưng việc một thời gian sau đó khi phục hồi sản xuất tiếp tục quay trở lại sản xuất.
BHXH Việt Nam vừa ban hành Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát, hướng dẫn, tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ.
Trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra…
Thông tin từ Sở LĐ-TB& XH TP Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với 30 quận, huyện khảo sát tình hình lao động việc làm bị ảnh hưởng với covid-19. Nếu doanh nghiệp nào có trên 200 người mất việc làm trở lên, Sở sẽ phối hợp tư vấn việc làm và đồng thời thực hiện bảo hiểm thất nghiệp ngay lập tức. |
Hồng Minh
Theo baophapluat.vn
Link gốc: https://baophapluat.vn/trong-nuoc/ung-pho-voi-dich-covid19-gan-3-trieu-lao-dong-va-200-nghin-doanh-nghiep-se-duoc-ho-tro-502255.html