Hà Tĩnh: Ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường đầu tư vào khu kinh tế

Thứ hai - 17/06/2024 15:19
Xác định mục tiêu thu hút các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường đầu tư vào khu kinh tế có chất lượng, doanh nghiệp có thực lực, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập tổ công tác, tổ giúp việc nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án.
D20240611711 1
Tập đoàn Formosa đầu tư dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng.
 
Đánh dấu bước đột phá của Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư phải kể đến dấu ấn của Tập đoàn Formosa khi đầu tư dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng. Dự án Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương Formosa đi vào hoạt động ổn định đã đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động trong nước với thu nhập ổn định.

Sau thành công thu hút đầu tư Tập đoàn Formosa, Hà Tĩnh đã chủ động tiếp cận nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư; tiếp tục ban hành, điều chỉnh chính sách thu hút mới, đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.
 
D20240611711 2
Hà Tĩnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm.

Ngoài dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, có thể điểm tên nhiều dự án đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW); Tổng kho xăng dầu dầu khí Vũng Áng (kho chứa 60.000m3); Tổng kho khí hóa lỏng Bắc Trung bộ (kho chứa 1.785 tấn); cảng Vũng Áng (bến số 1, bến số 2); Khu công nghiệp Vũng Áng 1; Khu công nghiệp Phú Vinh; các bến cảng Vũng Áng (bến số 3, bến số 4, bến số 5, 6) đang được tập trung xây dựng.

Những năm gần đây, Hà Tĩnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm gồm: Lĩnh vực công nghiệp sẽ tập trung vào các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, sản xuất điện, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics…

Điển hình như dự án Nhà máy sản xuất pin VINES Vũng Áng của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng VINES Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư 3.784 tỉ đồng đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy sản xuất pin hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu với mức độ tự động cao trên 80%. Toàn bộ hạ tầng của nhà máy gồm các phân xưởng đúc linh kiện, hàn tổ hợp và đóng gói được xây dựng nhằm đảm bảo công suất 100.000 pack pin/năm.

Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất và thương mại công nghệ pin lithium của Công ty TNHH Giải pháp năng lượng công nghệ cao V-G (liên danh giữa Tập đoàn VinGroup và Công ty Gotion- Mỹ) có tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2024 có công suất 30.000.000 cell pin sạc LFP mỗi năm. Khi nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động sẽ là “lực đẩy” để sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tăng trưởng.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 với tổng kinh phí 2,2 tỷ USD, theo hình thức BOT, do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 2 tổ máy với tổng công suất 1.330 MW khởi công vào tháng 12/2022 đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nhà máy do các nhà thầu: Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng và Công nghiệp nặng Doosan, Tập đoàn Samsung C&T, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương thi công và dự kiến vận hành thương mại tổ máy 1 vào tháng 7/2025 và tổ máy 2 vào tháng 11/2025.
 
D20240611711 3
Dây chuyền sản xuất thép của Formosa.
 
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 1.600 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2023. Với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP), dự án được kỳ vọng sẽ là “cực” thu hút đầu tư hiệu quả, tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp địa phương bắt nhịp, tham gia vào chuỗi giá trị, đồng thời cũng thúc đẩy thêm những khát vọng khởi nghiệp của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông công nghệ cao của Công ty TNHH Sản xuất cấu kiện công nghệ cao Viết Hải tại Khu kinh tế Vũng Áng hoàn thành, đi vào hoạt động trong năm 2023 là 1 dự án của doanh nghiệp tỉnh nhà, mặc dù quy mô dự án còn khiêm tốn (295 tỷ đồng). Tuy nhiên, Công ty đã luôn chủ động thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó, chú trọng đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ để cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Công ty đã thành lập bộ phận chuyên nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đưa ra chiến lược hợp lý, tạo ra các mặt hàng mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và xây dựng chỉ tiêu cụ thể đối với từng loại sản phẩm. Góp phần thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, vật liệu xây dựng đồng hành với tỉnh trong công tác kêu gọi thu hút các nhà đầu tư và đóng góp tích cực vào hoạt động thu ngân sách nhà nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, ổn định an sinh xã hội.

Thời gian gần đây, có rất nhiều dự án đang tìm hiểu đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng với tổng mức đầu tư 13.200 tỉ đồng trên diện tích 964ha hiện đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Nơi đây sẽ trở thành tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô bao gồm nhà máy sản xuất ôtô VinFast, chuỗi nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho công nghiệp ôtô và thiết bị nghe nhìn công nghệ cao.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thăng Long đã có hồ sơ đề xuất thực hiện dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gia Lách (mở rộng), hiện đang được lấy ý kiến thẩm định. Nhà đầu tư VFT Industry (CHLB Đức) đề xuất thực hiện dự án Nhà máy thép không gỉ xanh tại Khu kinh tế Vũng Áng. Các nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án Nhà máy điện LNG và Trung tâm kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng…

Bên cạnh việc mời gọi, thu hút đầu tư, Hà Tĩnh cũng đã thúc đẩy hình thành và phát triển dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics, ký kết hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn mở tuyến container Vũng Áng. Đây là bước hợp tác khởi đầu chiến lược để thiết lập ổn định và phát triển mở rộng, hình thành tuyến vận tải container khu vực và quốc tế, phát triển dịch vụ hậu cảng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Xây dựng, ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cho biết: “Việc tỉnh Hà Tĩnh chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, là kết quả với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành suốt thời gian vừa qua”.
 
Uyên Uyên
Theo Báo Xây dựng 

Link gốc: Hà Tĩnh: Ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường đầu tư vào khu kinh tế (baoxaydung.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây