Khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo và Cầu Treo có nguy cơ bị xóa sổ
Tại Quyết định 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được lựa chọn là 1 trong 8 KKT cửa khẩu trọng điểm, được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015, 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với điểm nhấn Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế trên hành lang kinh tế Đông Tây, là trung tâm kinh tế văn hóa và dịch vụ du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung bộ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, đồng bộ.
Sau gần 20 năm, không như kỳ vọng, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang bị các doanh nghiệp quay lưng, hạ tầng xuống cấp, thậm chí từng được xem là con đường độc đạo để giao thương hoạt động kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cầu Treo, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan nay cũng bị các doanh nghiệp vận tải quay lưng, lựa chọn Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) hoặc Nậm Cắn (Nghệ An) để lưu thông.
cau-treo1 (1).jpg -0
Hoạt động giao thương ở cửa khẩu quốc tế Cầu Treo vắng lặng.
Theo số liệu báo cáo của Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, trong 17 năm qua KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chỉ thu hút được 28 dự án đầu tư có sử dụng đất, gồm 27 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.073 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký 114,7 tỷ đồng. Trong đó 17 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 1 dự án đã hoàn thành một phần, đưa vào hoạt động và tiếp tục triển khai hạng mục tiếp theo; 6 dự án đang triển khai và 4 dự án chưa triển khai.
Cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra những tồn tại tại KKT Cầu Treo như công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỷ lệ lấp đầy các quy hoạch còn thấp. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước nhằm phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong KKT gặp nhiều khó khăn; một số dự án đầu tư chậm đưa vào sử dụng, chưa sử dụng hết diện tích được giao, thậm chí để hoang hóa trong thời gian dài.
Trong khi đó, theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thời điểm này, bình quân mỗi ngày Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có trên 300 lượt phương tiện thông quan, giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đơn vị đã mở 2.771 tờ khai thông quan hàng hóa với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 90 triệu USD (giảm 23,1%). Qua đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 84 tỷ đồng (đạt 15,3% chỉ tiêu được giao và giảm 47,23% so với cùng kỳ năm 2023).
Nhiều mặt hàng có số thuế đóng nộp cao như nước tăng lực Redbull, sắn lát, quặng sắt... hiện nay đã chuyển về qua Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình). Riêng mặt hàng chủ đạo nước tăng lực Redbull đã giảm 97% số tờ khai, kim ngạch nhập khẩu và số thuế đóng nộp ngân sách Nhà nước; quặng giảm 46% số tờ khai, giảm 80% kim ngạch nhập khẩu và giảm 73% số thuế đóng nộp ngân sách Nhà nước; sắn lát giảm 77% số tờ khai và giảm 87% kim ngạch nhập khẩu.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng đã chủ trì, phối hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 141.026 người/46.227 lượt phương tiện qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp bắt giữ 60 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, bắt giữ 63 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 1 bánh heroin, 61 viên hồng phiến, 155kg pháo nổ, 500 viên đạn tự chế, 3 điện thoại di động, 2 ôtô và nhiều hàng hóa khác.
Ông Nguyễn Tiến Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, thời gian vừa qua quốc lộ 8A ở cả phía Việt Nam và nước bạn Lào đang thi công, sửa chữa nên giao thông đi lại khó khăn. Nhiều trận mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và phương tiện. Đây là nguyên nhân chính tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Cầu Treo. Cùng với đó, phía nước bạn Lào đã ban hành một số chính sách như điều chỉnh giảm tải trọng xe chở hàng hóa; tăng thuế suất thuế xuất nhập khẩu từ 0% lên mức 10 - 30% đối với hàng nông sản, khoáng sản; thay đổi thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa... đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động giao thương sang Lào kéo theo hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cũng bị ảnh hưởng.
Trong nỗ lực kéo hàng hóa lưu thông trở lại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, bên cạnh việc nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu hơn, tạo cú hích phát triển cho KKT Cửa khẩu Cầu Treo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thống nhất xử lý dứt điểm một số dự án liên quan giữa Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Cửa khẩu Nậm Phao (nước CHDCND Lào) thì Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng đang nỗ lực tạo thuận lợi thông quan để thu hút doanh nghiệp về mở tờ khai.
Các đơn vị chức năng cũng đã có văn bản kiến nghị đơn vị thi công sửa chữa, nâng cấp quốc lộ 8A đẩy nhanh tiến độ thi công để thuận lợi lưu thông hàng hóa. Tuy vậy, theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, để cửa khẩu quốc tế Cầu Treo quay trở lại được thời kỳ nhộn nhịp như trước đây là điều rất khó, nếu như cơ quan chức năng không thay đổi tư duy vận hành cũng như cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Thiên Thảo Cand.com.vn
Link gốc:
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo “vắng như chùa Bà Đanh” - Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn)