Điều đáng nói là sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh, các đơn vị liên quan đều né tránh báo chí, thậm chí phóng viên đặt lịch làm việc theo quy định với lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh nhưng hết lần này đến lượt khác đơn vị này đưa ra lý do “để cho kiểm tra lại rồi xử lý” mà không có động thái phối hợp với báo chí để trả lời người dân một cách thấu tình đạt lý.
Một trong hai lô đất mà UBND Thạch Yên đã giao năm 1993 và phường Văn Yên đã đồng ý giao cho bà Huê năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa được sử dụng.
Chồng mất, đất bị chính quyền “phong toả” vô lý
Năm 1972, khi chưa tròn 20 tuổi bà Huê đã tham gia TNXP, đơn vị của bà đóng ở Ngã ba Thịnh Thình thuộc tỉnh lộ 21 (Thạch Hà), sau đó chuyển vào cầu Rác (Cẩm Xuyên) rồi đến cầu Thầu Dầu (Kỳ Anh). Công việc chủ yếu là phá đá, mở đường, san lấp hố bom, nối liền huyết mạch giao thông phục vụ kháng chiến. Trong những năm tham gia hoạt động, bà Huê giữ chức vụ Tiểu Đội trưởng Tiểu đội 8, Đơn vị C537, Tổng đội N53P18.
Xuất ngũ năm 1975, bà Huê đi học sơ cấp kế toán rồi về làm việc tại Hợp tác xã Thạch Yên (Thạch Hà). Đến năm 1980, bà lại tiếp tục đi học Trung cấp Kế toán Kinh tế Hà Tĩnh, ra trường về làm việc tại Phòng Công nghiệp huyện Thạch Hà. Năm 1987 chuyển về làm kế toán Cty Hải sản huyện Thạch Hà, năm 1989 thì về nghỉ sinh và đến năm 1993 thì Cty giải thể.
Năm 35 tuổi, ở cái tuổi “quá lứa lỡ thì” bà Huê thương hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ông Nguyễn Duy Thảo nên bà quyết định xây dựng gia đình với ông và chăm sóc đứa con trai của chồng. Không lâu sau đó bà sinh hạ được người con chung.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2001, chồng bà mất, để lại cho bà Huê 2 người con là Nguyễn Duy Công (sinh 1977) (con riêng của chồng - PV) và Nguyễn Duy Hải (sinh 1989). Gạt nước mắt đau thương, một mình bà Huê gượng gạo, bươn chải nuôi hai anh em ăn học.
Vốn không được thông minh, lanh lợi như những người khác nên cuộc sống của anh Công chịu nhiều thiệt thòi. Anh không theo học tiếp mà tham gia quân ngũ, đơn vị đóng tại Kon Tum. Xuất ngũ năm 1998, anh về sinh sống với gia đình, phụ giúp mẹ buôn bán nhỏ lẻ.
Vì không có công ăn việc làm ổn định nên anh phải làm thuê tại bến xe Hà Tĩnh, ai thuê gì làm nấy, ngày có việc ngày không, cuộc sống hết sức bấp bênh, tạm bợ.
Bà Lê Thị Hồng Huê, là một nữ TNXP, người có công với nước, bị thương tật hạng 4/4, đã ôm đơn gõ cửa khắp nơi để kêu cứu.
Năm 2007, chuyện không may ập đến, anh mắc bệnh động kinh, thỉnh thoảng lên cơn là bị ngã bất thường, toàn thân co giật, ốm đau thường xuyên, sức khỏe sa sút. Từ đó đến nay, bản thân anh Công không thể tự mình mưu sinh kiếm sống mà phải dựa vào sự chu cấp của người khác.
Người con trai của vợ chồng bà Huê là Nguyễn Duy Hải, hiện làm nhân viên siêu thị Vincom tại Kỳ Anh. Vợ Hải vừa học dược xong, chưa có công ăn việc làm, lại vừa sinh con nhỏ nên cuộc sống vô cùng khốn khó.
Suốt gần 30 năm đi gõ cửa khắp nơi để đòi đất của mình đã nộp tiền, mặc dù có quyết định cấp đất nhưng đến nay vẫn không được cấp GCNQSDĐ, bà Huê dường như đã mất hết niềm tin vào chính quyền, vào công lý.
Khi cầm toàn bộ hồ sơ và đơn trình bày đến văn phòng Báo điện tử Xây dựng bà đã không cầm được nước mắt: “Từ trước tới nay, ba mẹ con sống chung một nhà (của bà cố), anh em đoàn kết, hòa thuận. Vừa qua em Hải lấy vợ, điều kiện nhà cửa chật chội, nhiều thế hệ sống chung, trong nhà chỉ đặt được hai chiếc giường nên anh Công buộc phải ra thuê nhà trọ ở riêng”.
“Năm 1993, khi được UBND xã Thạch Yên giao đất, tôi vô cùng vui mừng vì nghĩ rằng rồi đây sẽ tằn tiện, chắt lót dựng một căn nhà để ở. Nào ngờ sự nghèo khó đeo bám, khiến tôi không thể làm nhà để rồi giờ đây mất đất. Trong khi những hộ được cấp đất cùng đợt thì họ đã xây nhà và sinh sống ổn định”, bà Huê nghẹn ngào nói thêm.
Chính quyền vô tâm, đẩy người thương binh già không có chổ an cư
Gần 1 tháng, sau khi Báo điện tử Xây dựng phản ánh, chính quyền vẫn “làm ngơ” trước mong muốn chính đáng của bà Huê. Hồ sơ của bà Huê thể hiện, 30 năm trước, bà Huê được UBND huyện Thạch Hà cấp cho một lô đất theo Quyết định số 03 ngày 21/3/1989.
Sau đó, 08 hộ gia đình được cấp đất (trong đó có bà Lê Thị Huê - PV) đã nộp số tiền lệ phí 1,2 triệu đồng, theo phiếu thu số 33 ngày 05/10/1990, do ông Phan Văn Bính - tTủ quỹ ủy ban xã Thạch Yên thu và ký nhận.
Ngày 15/6/1993, UBND xã Thạch Yên đã tiến hành giao đất thực địa cho ông Nguyễn Duy Thảo (chồng bà Huê) để làm vườn ở tại xứ Hoang Nhàn. Loại đất thủng đấu ao hồ, với tổng diện tích 144m2. Phía Đông giáp đất hoang hóa thủng đấu, dài 8m; phía Bắc giáp đường nội bộ, dân cư, dài 18m; phía Nam giáp dân cư, dài 18m; phía Tây giáp đường đi nội bộ, dài 8m.
Đây là vùng ao hồ sâu trũng nên khối lượng đất để san nền vô cùng lớn. Vì điều kiện khó khăn, bà Huê không thể đổ đất một lần mà tiến hành mỗi năm một ít. Đến năm 1994, khi gia đình bà Huê tiếp tục chở đất san nền thì bị UBND phường Tân Giang lập biên bản đình chỉ (lúc này xã Thạch Yên chuyển về phường Tân Giang, thị xã Hà Tĩnh quản lý - PV), với lý do là tách, nhập địa giới hành chính nên phải dừng lại để kiểm kê quỹ đất. Từ đó đến nay, đã 25 năm trôi qua, bà Huê ôm đơn gõ cửa nhiều nơi để kêu cứu nhưng chưa một lần được giải quyết.
Ông Phan Khắc Chiến, 80 tuổi, gần 60 năm tuổi Đảng và ông Lê Hồng Trương, 73 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Người Cao tuổi phường Văn Yên cùng chỉ vào vị trí thửa đất mà bà Huê được cấp 30 năm trước.
Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình bà Huê, nhiều người dân đã lên tiếng xác nhận sự việc. Ông Phan Khắc Chiến, 80 tuổi, gần 60 năm tuổi Đảng, sinh sống tại đây từ năm 1986, có nhà ở đối diện với khu đất của bà Huê cho biết: “Trước đây khu vực này là ao hồ, vợ chồng nhà bà Huê đến đóng cọc tre vây quanh rồi chở đất đắp nền. Bây giờ nếu cần thì cho đào cọc tre lên sẽ biết. Nguyên nhân sâu xa là do ông Chinh - Chủ tịch phường lấy đất bà Huê đem bán dẫn đến tranh chấp rồi đến nay chưa đòi được đất”.
Có cùng quan điểm với ông Chiến, bà Phan Thị Đảm, 68 tuổi, sinh sống tại đây năm 1982 cho biết: “Chúng tôi là người dân sống xung quanh đây, cùng nhập về phường Nam Hà rồi lại tách về phường Tân Giang. Sau một thời gian thì nghe nói ông Chinh - Chủ tịch phường bán đất của chị Huê cho người khác. Khi người mua đất đến đổ nền thì bị chị Huê và người dân ngăn cản nên thôi”.
Là người từng giữ chức Tổ trưởng tổ dân phố Tân Yên từ 1993 đến 2006, ông Lê Hồng Trương, 73 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Người Cao tuổi phường Văn Yên cũng xác nhận: “Thấy vợ chồng bà Huê đóng cọc tre, vây lá cót lại rồi đổ đất làm nền. Không biết do khó khăn hay sao mà đổ nền không được cao, vì thế khi nước rút thì lòi phên cót và cọc tre, còn nước lên thì bị ngập”.
Ông Lê Hữu Minh - Nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Yên từ năm 1980 đến 1991 xác nhận bằng văn bản về việc cấp đất cho bà Huê là có thật và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Ông Lê Hữu Minh - Nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Yên từ năm 1980 đến 1991cũng xác nhận việc cấp đất cho bà Huê là có thật và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Huê.
Nhiều người dân đến làm chứng cho việc thấy vợ chồng bà Huê đóng cọc, đổ đất làm nền.
Mặc dù có nhiều người dân làm chứng và một số cán bộ địa phương qua các thời kỳ xác nhận nhưng UBND TP Hà Tĩnh dường như vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh truyền thông, thờ ơ trước cuộc sống khốn cùng của người đàn bà thương binh goá bụa. Đó là thái độ vô trách nhiệm đối với người có công, đi ngược lại truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm có chỉ đạo để trả lại đất cho gia đình bà Huê. Mong muốn cuối đời của bà là được Nhà nước trả đất đã mua gần 30 năm trước để 2 đứa con của bà có chỗ an cư, ổn định cuộc sống.
Tác giả bài viết: Uyên Uyên - Trần Hoàn
Nguồn tin: Báo Xây dựng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn