Theo quy định, tất cả tàu cá trên 15m của Hà Tĩnh phải cập cảng cá Xuân Hội hoặc Cửa Sót để kiểm tra nhật ký khai thác, giám sát sản lượng đánh bắt và các hồ sơ, thiết bị liên quan.
Nhiều thách thức, trở ngại
Trước đây, Hà Tĩnh có tất cả 3.600 tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển, tuy nhiên sau 5 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và Luật Thuỷ sản 2017, hiện tại số lượng tàu cá ở Hà Tĩnh giảm xuống còn 2961 tàu, trong đó có 107 tàu đánh bắt vùng lộng còn lại là ven bờ.
Trong số 107 tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15m thì hiện có 5 tàu bị hư hỏng nằm bờ, không tham gia khai thác thuỷ sản. Số còn lại đã lắp đặt đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, cơ bản hoạt động 24/24h từ khi nhổ neo ra khơi cho đến khi cập bến.
Tuy nhiên, quá trình lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình cũng nảy sinh nhiều bất cập, thách thức công tác quản lý, điều hành chống khai thác IUU.
Mặc dù được tỉnh hỗ trợ 70% kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tương đương từ 21 triệu đến 28 triệu đồng/1 tàu) và hỗ trợ toàn bộ cước sử dụng (tương đương 4,5 triệu – 5 triệu đồng/1 tàu/năm), tuy nhiên việc chọn lựa nhà cung cấp lại do chủ tàu quyết định nên chất lượng không đồng đều.
Thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử, hoạt động giữa môi trường khắc nghiệt trên biển nên dễ bị hư hỏng.
Hiện tại trên toàn quốc có 7 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình, tuy nhiên mỗi loại có chức năng và chất lượng khác nhau. Trong số đó, có 2 sản phẩm của 2 nhà cung cấp khi nhìn vào thiết bị hành trình, ngư dân có thể biết mình có lỗi hay không có lỗi (vượt ranh giới hay chưa), còn lại thì không biết.
Một cán bộ Ban quản lý các cảng cá tại Hà Tĩnh thông tin, đối với những tàu có chiều dài trên 15m, mặc dù được lắp đầy đủ thiết bị giám sát hành trình nhưng nhiều tàu chỉ sử dụng được một thời gian là bị hỏng, phải gọi nhà cung cấp đến xác nhận bằng văn bản rồi tháo ra gửi đi Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh để sửa.
“Do ở địa phương không có trạm bảo hành nên có khi phải mất 1 đến 2 tháng mới sửa xong nên rất khó xử lý. Trong khoảng thời gian đó, nếu không cho ngư dân ra biển thì có lỗi với bà con, vì đây không phải lỗi của họ, mà cho đi thì trái với quy định của pháp luật”, vị cán bộ này nói.
Chỉ 2 trong số 7 nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình có hiển thị rõ ràng để ngư dân biết mình có vượt ranh giới hay không.
Cũng theo vị cán bộ này, theo quy định, tất cả tàu cá trên 15m của Hà Tĩnh phải cập cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân) hoặc Cửa Sót (Lộc Hà) để kiểm tra nhật ký khai thác, giám sát sản lượng đánh bắt và các hồ sơ, thiết bị liên quan. Tuy nhiên, hiện có trên 60 tàu cá của Cẩm Xuyên và Kỳ Anh không vào cảng Xuân Hội và Cửa Sót nên rất khó quản lý. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các tàu này dường như không phát huy được tác dụng, vì không có cơ quan đơn vị nào kiểm tra.
Từng bước tháo gỡ hiệu quả
Liên quan đến những thách thức, trở ngại nói trên, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết, đối với thiết bị giám sát hành trình hư hỏng phải đưa đi bảo hành, bảo dưỡng thì vẫn phải cho ngư dân ra biển đánh bắt. Tuy nhiên phải yêu cầu đơn vị cung cấp thiết bị cam kết về thời gian sửa chữa là bao nhiêu ngày, còn ngư dân thì cam kết không được khai thác hải sản bất hợp pháp.
Theo ông Thắng, đối với những phương tiện lắp loại thiết bị mà trong quá trình đánh bắt, chủ tàu không phát hiện được đã vượt ranh giới thì sẽ có lực lượng trực trên bờ thường xuyên theo dõi, giám sát và thông tin cho ngư dân thông qua máy liên lạc tầm xa. Khi nhận được thông báo thì họ sẽ quay trở lại ngay, còn nếu họ cố tình vi phạm thì sẽ căn cứ vào đó để xử lý.
Lực lượng chức năng hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị giám sát tàu cá.
Cũng theo ông Thắng, hiện tại một số tàu thuyền ở Kỳ Anh, Cẩm Xuyên do ở xa cảng Xuân Hội và Cửa Sót nên họ về Cửa Nhượng và Cửa khẩu Kỳ Hà. Trước mắt, Chi cục Thuỷ sản cũng như lực lượng chức năng yêu cầu họ cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không đánh bắt sai vùng theo quy định, không sử dụng các dụng cụ đánh bắt tận diệt.
“Tỉnh đã có kế hoạch và cấp nguồn để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các cảng cá ở Hà Tĩnh với tổng mức trên 400 tỷ đồng, trong đó, cảng Cửa Nhượng là 178 tỷ, sắp tới sẽ khởi công”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh cho biết.