Chỉ một tuần, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tiếp nhận liên tiếp 5 bệnh nhân từ 8 tới 14 tuổi bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ.
Trong số này, có 2 bệnh nhân bị bỏng vùng đầu, mặt, cổ; 3 ca còn lại có vết thương phức tạp ở bàn tay. Gia đình cho biết các em mua thuốc pháo rồi học tự chế trên mạng, có trường hợp nhặt được pháo rồi đốt thử.
Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, các bác sĩ nhận định các trường hợp vết thương bàn tay là tổn thương phức tạp, nếu không được xử trí kịp thời, khả năng cao phải cắt cụt cả bàn tay của bệnh nhi.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương bàn tay, cắt lọc tổ chức dập nát, nối vi phẫu, xuyên đinh cố định xương bàn ngón tay bảo tồn các ngón bị tổn thương. Hiện tại sau phẫu thuật, các bệnh nhân ổn định.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận hơn 10 trường hợp là học sinh cấp 2, 3, bị tai nạn do pháo nổ, chỉ trong 2 tuần. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị bỏng hai mắt; dập nát các ngón tay, bàn tay; chấn thương phần mềm trên mặt, cơ thể…
Tương tự như các bệnh nhi ở Hải Phòng, không ít bệnh nhân vào viện vì pháo ở Thái Nguyên do xin thuốc pháo của bạn hoặc mua trên mạng về tự chế.
Có trường hợp cho thuốc pháo vào ống nhựa, quả pháo nổ ngay trên tay không kịp vứt đi khiến bệnh nhân bị dập nát bàn tay, đa vết thương phần mềm. Một trẻ cho pháo vào máy xay sinh tố để nghiền và chế. Khi đang chạy, do nhiệt độ tăng nên thuốc pháo phát nổ, các mảnh vỡ của máy xay sinh tố bắn lên mắt, mặt, cơ thể.
Bác sĩ Dung hỏi thăm nam sinh V.Đ.D, một trường hợp gặp tai nạn do tự chế pháo. Ảnh: BV
Tiến sĩ Hoàng Văn Dung, Trưởng Khoa Chấn thương - Chỉnh hình của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho hay các trường hợp nhập viện đều bị nặng, có các thương tích ở bàn tay, dập nát tay, đa tổn thương. Cá biệt, có trường hợp bị bỏng cả hai mắt, nguy cơ hồi phục khó tiên lượng...
"Những tổn thương do pháo nổ là một dạng tổn thương do hỏa khí, tổn thương phức tạp, nguy cơ nhiễm khuẩn cao, mất bàn tay. Những mảnh vỡ găm vào mắt gây mù lòa. Sau phẫu thuật, dù bệnh nhân phục hồi vẫn để lại di chứng", bác sĩ Dung cho biết.
Với các trường hợp bỏng vùng mặt do pháo nổ, các tổn thương phần mềm vùng mặt không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn nguy cơ bỏng đường hô hấp gây nhiều biến chứng nặng. Theo BSCKII Đặng Quốc Hùng, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, thực tế có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.
Gần Tết, lễ, tình trạng bệnh nhân nhập viện vì pháo nổ gia tăng, đặc biệt người bị tai nạn thường là học sinh - những em đang ở độ tuổi tò mò, thích khám phá nhưng chưa đủ hiểu biết. Bác sĩ khuyến cáo học sinh, người dân tuyệt đối không được tự chế, sử dụng pháo, phòng nguy cơ xảy ra những tai nạn thương tâm.
Võ Thu
Theo vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/nhieu-hoc-sinh-cap-cuu-bong-dau-nat-tay-truoc-tet-vi-nghich-phao-2096079.html