Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến chuyển đổi số.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả chuyển đổi số năm 2021, thì chỉ số về “Nhận thức số” của Hà Tĩnh chỉ đạt thứ 57 trên 63 tỉnh thành, thành phố trực thuộc trung ương, trong khi chỉ số về “Thể chế số” đạt 23/63. Các chỉ số về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cũng đều đứng ở nhóm cuối của 63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết và Đề án về Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định rõ quan điểm về chuyển đổi số là quá trình thường xuyên, lâu dài và trách nhiệm của chính quyền các cấp, cũng như mọi thành phần kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn tỉnh; là giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, Chuyển đổi số là quá trình giải rất nhiều bài toán từ dễ đến khó và rất khó nhưng tất cả đều chưa có tiền lệ nên yếu tố về con người và nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh đề nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ Hà Tĩnh đồng hành, hỗ trợ địa phương nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn; hướng dẫn xây dựng, ban hành một số chính sách liên quan triển khai chuyển đổi số; Hỗ trợ xóa trắng vùng lõm mạng di động 4G và mạng cáp quang đối với 100% địa bàn dân cư của tỉnh; sớm triển khai mạng di động 5G tại Hà Tĩnh…
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chuyển đổi số, trước hết tỉnh Hà Tĩnh cần lựa chọn những câu chuyện về chuyển đổi số thành công của một vài đơn vị, doanh nghiệp làm cảm hứng lan tỏa tinh thần, động lực chuyển đổi số trên địa bàn. Đồng thời, địa phương cần sớm triển khai 30 biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật; sớm triển khai Cổng dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của Hà Tĩnh, nền tảng bản đồ số.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần sớm triển khai các dự án thí điểm thanh toán không sử dụng tiền mặt nhằm năng cao nhận thức về chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số của địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ triển khai thí điểm các giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, bệnh viện trên địa bàn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp miễn phí chữ ký số cho giáo viên và phụ huynh trên địa bàn tỉnh để nâng cao kỹ năng sử dụng số, xem đây là chương trình hành động giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Trước mắt, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đồng hành, hỗ trợ, tư vấn Hà Tĩnh xây dựng và ban hành kiến trúc ICT phát triển Đô thị thông minh; xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu nhằm thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trước đó, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, giới thiệu với đội ngũ lãnh đạo cốt cán các địa phương, đơn vị ở Hà Tĩnh về chiến lược chuyển đổi số quốc gia và một số nội dung, định hướng liên quan đến chuyển đổi số ở Hà Tĩnh.
Theo Ngô Tuấn Nhân dân
Link gốc: https://nhandan.vn/ha-tinh-can-quyet-liet-cai-thien-cac-chi-so-ket-qua-chuyen-doi-so-post727922.html