Mô hình “ngôi nhà xanh - thu gom phế liệu gây quỹ” nhằm giữ gìn bảo vệ môi trường và giúp hội viên yếu thế, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống
Trong những năm qua, phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế” đã lan tỏa sâu rộng và thực hiện có hiệu quả trong cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ chị em phụ nữ, đặc biệt cần dành sự quan tâm sâu sắc đến các phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, giúp họ có nghị lực, niềm tin vượt khó vươn lên.
“Nuôi lươn không bùn” không phải là mô hình mới ở Hà Tĩnh, tuy nhiên, nhiều người nuôi đã thử nghiệm, hiệu quả mang lại rất thấp, khó thành công. Vì vậy, vào tháng 5/2022, Hội LHPN xã Thuận Lộc (thị xã Hồng Lĩnh) đã thành lập tổ hợp tác nuôi lươn không bùn Tâm An Phát gồm 10 thành viên do chị Nguyễn Thị Hà làm tổ trưởng.
Chị Hà cho biết, tổ hợp tác này ra đời nhằm mục đích liên kết các hộ nuôi, cùng hỗ trợ nhau về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình… Nhờ sự cần cù, chịu khó, trong thời gian qua, các hội viên đã từng bước thu nhận lại được nhiều thành quả, ổn định về kinh tế.
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh còn triển khai nhiều hoạt động, xây dựng các mô hình sinh kế, câu lạc bộ… nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ trên địa bàn thoát nghèo, an cư, lạc nghiệp.
Lễ ra mắt Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn Tâm An Phát của Hội LHPN xã Thuận Lộc. Ảnh: Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh
Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh còn triển khai nhiều hoạt động, xây dựng các mô hình sinh kế, câu lạc bộ… nhằm hỗ trợ chị em phụ nữ trên địa bàn thoát nghèo, an cư, lạc nghiệp.
Xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ - một trong những địa phương có diện tích trồng lạc lớn của tỉnh Hà Tĩnh. Nhận thấy sản phẩm bán theo dạng nguyên liệu thô đạt hiệu quả kinh tế thấp nên chị Võ Thị Hồng Soa đã nảy ra ý tưởng sản xuất dầu lạc. Để có vốn kiến thức và kinh nghiệm trong mô hình này, chị Soa đã tham gia lớp tập huấn khởi nghiệp của Hội LHPN các cấp, bắt đầu thử nghiệm thu mua, chế biến lạc nhân và dầu lạc.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh và huyện, hơn cả là tinh thần ham học hỏi, chị Hoa đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất, thành lập tổ hợp tác. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao mà mô hình này còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc Soa Thắng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm.
Một số sản phẩm OCOP của phụ nữ Hà Tĩnh
Theo cán bộ Hội LHPN huyện Đức Thọ, để tiếp tục lan tỏa các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, các cấp Hội trên địa bàn đã và đang tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vay, quỹ hỗ trợ… đồng hành cùng chị em học hỏi, mạnh dạn khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các lạc bộ, mô hình: “Tổ hợp tác dịch vụ gia đình”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Ngôi nhà xanh”... Theo đó, giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn đã có hơn 2.500 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; thành lập 43 hợp tác xã, 395 tổ hợp tác/tổ liên kết phát triển sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, điều hành; xây dựng được 100 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hà - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - khẳng định, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hình thức phù hợp hướng đến tập hợp, thu hút hội viên, nhất là hội viên, phụ nữ vùng tái định cư, vùng khó khăn đặc thù, vùng dân tộc, tôn giáo…
Thu Hà
Theo phunuvietnam.vn
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/ha-tinh-nhieu-mo-hinh-sinh-ke-giup-phu-nu-thoat-ngheo-20221201161247594.htm