Với sự phát triển vượt bậc của hệ thống công nghệ, đặc biệt là công nghệ năng lượng sạch, những yếu tố khắc nghiệt của khí hậu đã trở thành lợi thế lớn cho việc phát triển năng lượng tái tạo, biến Hà Tĩnh thành một Trung tâm năng lượng sạch hàng đầu khu vực và cả nước.
Hà Tĩnh có tiềm năng phát triển năng lượng sạch rất lớn, đặc biệt là khu vực phía Nam, bao gồm các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, với đủ loại hình khác nhau, từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió đến Tổ hợp điện khí LNG.
Nắm bắt được những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển mũi nhọn kinh tế này, đặc biệt là cơ chế hấp dẫn giá bán đối với các loại hình năng lượng tái tạo của Chính phủ, sau khi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã triển khai Chương trình hành động số 2188 ngày 14-4-2020.
UBND tỉnh Hà Tĩnh soạn thảo và thực hiện Kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Tỉnh, xác định đây là một trong những chiến lược phát triển mới, lâu dài của Tỉnh.
Với những quyết sách hợp lý, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, tinh thần đồng hành cùng DN, chỉ trong một thời gian ngắn, Tỉnh đã thu hút được hàng loạt DN vào tìm hiểu thị trường, khảo sát tiềm năng, lập DA đầu tư đối với các lĩnh vực năng lượng sạch đang có cơ hội phát triển trên địa bàn.
Năng lượng tái tạo đang được tỉnh Hà Tĩnh xác định là một trong những chiến lược phát triển mới, lâu dài của tỉnh.
Sau quá trình chuẩn bị đầu tư, hàng loạt DA có tính khả thi cao, bao gồm ba loại hình chính là Điện mặt trời, Điện gió (mặt đất và trên biển), Điện khí với tổng công suất trên 4.500 MW đã được UBND Tỉnh thẩm định tính khả thi, đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để triển khai việc chấp thuận đầu tư, thực hiện DA trên các địa bàn có tiềm năng.
Thành quả này là sự phát triển có tính bước ngoặt đối với nền kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp địa phương nói riêng khi nhìn lại giai đoạn trước năm 2020 chỉ mới có 4 DA Điện mặt trời, Điện gió với tổng công suất 229 MW được bổ sung quy hoạch và triển khai trên địa bàn.
Các DA tiêu biểu, có tính lan tỏa lớn trong phát triển tiềm năng này của Hà Tĩnh đến từ việc khai thác tiềm năng khu vực Nam Hà Tĩnh có thể kể đến DA điện gió Cẩm Xuyên do Công ty CP Năng lượng An Xuân đề xuất xây dựng tại các xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (khu vực trên biển) và 5 xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (khu vực trên đất liền), với tổng mức đầu tư 6.227,369 tỷ đồng.
Dự kiến tổng công suất lắp đặt 168MW; điện lượng điện phát lên lưới của toàn bộ DA là 526.195 MWh/năm, thời gian dự kiến vận hành vào năm 2023.
Cụm DA điện gió Kỳ Anh do Công ty CP Năng lượng Phước Trung cũng đã được Tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch với việc triển khai DA tại 4 xã thuộc huyện Kỳ Anh, với tổng mức đầu tư 4.915 tỷ đồng.
Dự án gồm 3 nhà máy, với tổng công suất lắp đặt 150MW, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 482 GWh/năm; thời gian vận hành vào quý 3/2021.
Đặc biệt, DA Điện gió lớn nhất được đầu tư cả trên đất liền lẫn trên biển tại các xã Kỳ Khang, Kỳ Phú huyện Kỳ Anh do Cty CP điện Miền Trung MK có tổng mức đầu tư lên tới hơn 16.200 tỷ đồng đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.
DN này đã tiến hành khảo sát nghiên cứu đầu tư trên diện tích đất 2800 ha, DA sẽ xây dựng 4 nhà máy với tổng công suất 403,2 MW và thời gian dự kiến vận hành từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023.
Nếu được triển khai thành công đây là sẽ là DA năng lượng tái tạo lớn nhất của tỉnh, góp phần đáng kể tăng thu ngân sách, bảo vệ môi trường, cung ứng nguồn lực cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, một hướng đi mới trong việc chủ động thay đổi công nghệ, phòng ngừa ô nhiễm, sử dụng nguồn năng lượng sạch trong phát triển công nghiệp điện đã được Tỉnh chủ động nắm bắt, triển khai.
Đó là việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 từ loại hình nhiệt điện điện đốt than công nghệ truyền thống sang tổ hợp điện khí LNG. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 92/TB-VPCP ngày 12-3-2020 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, hỗ trợ Tỉnh thực hiện chủ trương này.
Ngày 6-11-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh chính thức có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực DA Trung tâm điện lực Vũng Áng 3 có tổng công suất 2400 MW theo hướng nói trên, đồng thời nâng công suất các nhà máy thêm 600 MW cho phù hợp nhu cầu phát triển thị trường điện khu vực đến năm 2030.
Đây được xem là những giải pháp có tính thực tiễn, đột phá cao đặc biệt là khả năng chịu tải môi trường của khu vực KKT Vũng Áng, tiết kiệm được diện tích rất lớn sử dụng cho bãi thải xỉ sang các mục đích khác hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế đầu tư phát triển năng lượng của Thế giới hiện nay.
Như vậy, việc phát triển năng lượng sạch tại Hà Tĩnh đã được triển khai với các bước đi bài bản, chủ động, xuất phát từ tiềm năng thiên tạo của Khu vực, điều đó cho thấy tính khả thi của các ý tưởng này và sự vận dụng phù hợp trong quá trình đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Hy vọng,với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công Thương, Hà Tĩnh sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của thị trường điện năng đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia bằng chính nắng, gió và biển miền Trung vốn không kém phần khắc nghiệt trong một tương lai không xa...
Link gốc: https://phapluatxahoi.vn/ha-tinh-but-pha-phat-trien-nang-luong-sach-222354.html