Formosa Hà Tĩnh lỗ hơn 11.500 tỷ đồng trong năm 2019

Thứ bảy - 26/12/2020 12:48
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ ngắn hạn của Formosa Hà Tĩnh đã vượt quá tài sản ngắn hạn là hơn 25,4 nghìn tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, chỉ có 9.400 doanh nghiệp báo lãi.

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Bộ Tài chính có nhiều nội dung đáng chú ý với những bức tranh trái ngược liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN FDI lớn.

ề số lượng DN báo lỗ trong năm 2019, theo tổng hợp của Bộ Tài chính, cả nước có 12.455 DN lỗ, chiếm tỷ lệ 55% DN có báo cáo, với trị giá lỗ là 131.445 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu của 55% DN FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.

Theo Bộ Tài chính, tổng tài sản của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) hiện nay khoảng 286.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 100.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2019 khoảng 25.380 tỷ đồng.

Trong năm 2019, doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỷ đồng, số lỗ trong năm hơn 11.500 tỷ đồng, số lỗ này gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Số tiền nộp ngân sách năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh là 51,6 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác là Formosa Hà Tĩnh năm 2019 chỉ nộp ngân sách nhà nước 51,6 tỷ đồng (công ty này đang trong thời hạn hưởng nhiều ưu đãi - PV).
 
20201226001

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nợ ngắn hạn của Formosa Hà Tĩnh đã vượt quá tài sản ngắn hạn là hơn 25,4 nghìn tỷ đồng, dẫn đến hệ số về khả năng thanh toán hiện thời ở mức thấp là 0,6 lần. "Điều này cho thấy công ty sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn", Bộ Tài chính lưu ý.

Ngoài ra, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn, cùng với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến khả năng thanh toán nhanh ở mức rất thấp với hệ số là 0,19 lần. "Các hệ số thanh toán đều ở mức rất thấp cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ", Bộ Tài chính cảnh báo.

Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, các nhóm ngành 2 năm liền có số DN FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.

Một công ty sản xuất thép khác cũng bị chỉ ra nhiều điểm hạn chế là Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lỗ lũy kế của công ty này là hơn 8.900 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này báo lỗ là 2.780 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.094 tỷ đồng của năm trước. Số nộp ngân sách năm 2019 là 41 tỷ đồng.

Như vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2018 và 2019, hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nhóm ngành "sản xuất sắt, thép và kim loại khác" là Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina có tình hình tài chính không lành mạnh, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh suy giảm, đóng góp vào ngân sách nhà nước “rất hạn chế”.

Đối với 2 doanh nghiệp này, Bộ Tài chính cho rằng: Mặc dù hai năm liền tình hình tài chính bị tác động do giá sắt, thép toàn cầu trong xu hướng giảm, tổng doanh thu của hai doanh nghiệp vẫn tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, còn nộp ngân sách lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng.

Theo đó, "đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi" (đất đai, thuế,...) dành cho những doanh nghiệp lớn này.

Về DN FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2019 có 14.822 DN FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% DN báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các DN FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng. Ngoài ra, số DN FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 DN, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.

Để thu hút các dự án FDI hoạt động hiệu quả cao, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng chính sách ưu đãi theo quy mô, theo địa bàn.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế phối hợp các sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, đồng bộ, thông suốt; thanh kiểm tra chống chuyển giá; quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Bảo Khánh (T/h)
Theo antt.nguoiduatin.vn
 
Link gốc: http://antt.nguoiduatin.vn/formosa-ha-tinh-lo-hon-11500-ty-dong-trong-nam-2019-305775.htm
 Từ khóa: Formosa Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây