Từ năm 2015 đến nay, thay vì phải thường xuyên ra Hà Nội để điều trị căn bệnh ung thư tuyến vú, bà Nguyễn Thị Chiên (60 tuổi) ở xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã được điều trị ngay tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (UB&YHHN), Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Nguyễn Thị Chiên cho biết: “Với hoàn cảnh đơn thân, không có người chăm sóc, việc được điều trị ngay tại tuyến tỉnh thực sự là “cứu cánh” đối với tôi. Từ khi điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, tôi giảm được nỗi lo về chi phí khi không phải ra Hà Nội để điều trị như trước. Các y, bác sỹ ở đây rất tận tình chu đáo, máy móc và các kỹ thuật cũng hiện đại không khác gì bệnh viện tuyến trên, khiến tôi rất yên tâm”.
Theo Bác sĩ, Trưởng khoa UB&YHHN (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) Võ Văn Phương: Đội ngũ y, bác sĩ Khoa UB&YHHN đã được Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai đào tạo cơ bản, chuyên sâu và được trang bị các máy móc chuyên ngành hiện đại như máy CT 64 dãy 128 lát, máy Spect 2 đầu thu… hỗ trợ có hiệu quả công tác khám, chẩn đoán, điều trị. Bên cạnh đó, nhiều kỹ thuật điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị liệu, sinh thiết cắt lạnh tức thì… cũng phát triển, đáp ứng được cơ bản nhu cầu điều trị mà trước đây người bệnh phải chuyển lên tuyến Trung ương mới thực hiện được.
Theo Đề án BV vệ tinh, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai ở 6 lĩnh vực: Ngoại Chấn thương, Ung bướu, Phụ sản, Nội tiết, Tim mạch và Nhi khoa. Đến nay, đã có hơn 70 kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao thành công, trong đó có nhiều kỹ thuật mới, ngang tầm BV Trung ương được thực hiện thường quy tại BV như: phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật ung thư, hóa trị liệu điều trị ung thư…
Theo Bác sĩ Trần Thị Dung, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm tham gia Đề án BV vệ tinh, năng lực khám và điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến chỉ còn khoảng 5%.
Một trong những dấu mốc quan trọng của ngành y tế Hà Tĩnh cuối năm 2017, đầu năm 2018, địa phương này có thêm các đơn vị “cấp 2” trở thành “Bệnh viện vệ tinh” của BV Bạch Mai, và BV E (Hà Nội). Đó là các BV đa khoa huyện: Hương Sơn, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh, (Hà Tĩnh). Điều đặc biệt, các đơn vị này là đơn vị y tế đầu tiên cấp huyện và là một trong hai BV thuộc khối ngoài công lập trong cả nước trở thành BV vệ tinh.
Cần tháo gỡ khó khăn để nhân rộng mô hình BV vệ tinh
Trong những năm qua, hoạt động BV vệ tinh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, cấp ủy chính quyền địa phương; sự hỗ trợ tích cực từ BV hạt nhân và sự chủ động của ngành y tế Hà Tĩnh cùng các BV được tham gia vệ tinh. Việc triển khai BV vệ tinh là động lực quan trọng thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh phát triển.
Trưởng phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Tĩnh) Trần Đại Chiến cho rằng, bên cạnh số lượng các BV trên địa bàn được tiếp nhận là đơn vị vệ tinh của các BV hạt nhân tuyến Trung ương còn ít thì nguồn lực đảm bảo cho việc triển khai hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập, nhất là đội ngũ bác sĩ, cơ sở vật chất, kinh phí còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, hiện nay các BV tuyến huyện đa phần còn thiếu bác sĩ ở các khoa phòng, đặc biệt là bác sĩ ở các khoa chuyên sâu. Để cử cán bộ đi học tập, chuyển giao các gói kỹ thuật, đơn vị phải bố trí cán bộ trực liên tục, làm thêm giờ để đảm bảo hoạt động.
Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất phục vụ cho BV vệ tinh ở một số địa phương còn thiếu và nghèo nàn nên chưa thể tiếp nhận và triển khai một số phương pháp, kỹ thuật điều trị chuyên sâu. Ngoài ra, theo chia sẻ của các y, bác sỹ tham gia đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo đề án BV vệ tinh, với đặc thù kỹ thuật chuyên sâu của một số ngành, lĩnh vực nên việc tiếp thu và lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng đòi hỏi cần phải có thời gian,công sức và cần có sự bổ cứu thường xuyên giữa lý thuyết và thực hành.
Trong khi đó, sau khi công bố quyết định công nhận BV vệ tinh cho ba BV tuyến huyện ở Hà Tĩnh, đến nay đề án BV vệ tinh tại các bệnh viện này vẫn chưa được thông qua, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 tại các địa phương này.
Bài và ảnh: Trần Pho