Phụ huynh bức xúc vì học sinh muốn đến trường phải tự bỏ tiền mua bàn ghế?

Thứ sáu - 26/08/2022 22:03
Muốn đến trường, vào học lớp 1, lớp 2, học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Tĩnh sẽ phải “cõng” các khoản mua bàn ghế, bảng… Dù là những khoản thu vô lý nhưng đã diễn ra trong nhiều năm học qua.
Đó là tình trạng đang diễn ra tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Vào trường phải “nhập gia tuỳ tục”

Trung tuần tháng 8/2022, Trường Tiểu học Kỳ Trinh tổ chức họp lớp đối với lớp 1 để phổ biến những quy định, kế hoạch đón các em bước vào năm học mới. Thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm ở ba lớp 1 thông báo tới phụ huynh việc con em họ phải đóng các khoản như: Bàn, ghế, bảng... để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng việc dạy và học.

Cụ thể, đối với lớp 1C, sẽ đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tổng cộng mỗi em phải đóng 973.000 đồng. Tương tự, hai lớp 1 khác mỗi em cũng đóng khoảng 1 triệu đồng/em.

“Các lớp chủ động đóng nộp để các em sang tuần có bàn ghế học. Còn quan điểm, chỉ đạo của nhà trường, ta 'nhập gia tuỳ tục', tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác… Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm”, đó là một nội dung ngắn của giáo viên chủ nhiệm phổ biến trong một nhóm lớp 1.
 
D2022082610 1
Trường Tiểu học Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh.

Việc nhà trường yêu cầu các em học sinh “cõng” những khoản phí đầu năm học khiến nhiều phụ huynh phản đối, không đồng tình. Bởi người dân cho rằng khoản thu này vô lý, trái với quy định.

“Thiếu cơ sở vật chất đầu năm học thì có thể vận động thêm từ học sinh, nhưng phải theo tinh thần tự nguyện, ai có bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu. Nhưng trường lại thu cào bằng. Với nhiều gia đình nông dân, số tiền này quá sức với họ. Ví dụ một gia đình hộ nghèo mà có 2 em đi học thì lấy tiền đâu mà đóng”, anh C.V.D - phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 1, chia sẻ.

Không đóng thì phải chuyển trường?

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, năm học 2022 - 2023, tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh có ba lớp 1 với hơn 100 em học sinh. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ mua 45 bộ bàn ghế, ba bảng để học sinh lớp 1 vào học; đối với lớp 2, cũng mua 26 bộ bàn ghế, toàn bộ vận động đóng góp từ học sinh.

Một phụ huynh có con học lớp 2 chia sẻ: “Năm ngoái cũng đóng tiền mua bàn ghế, năm nay lớp con tôi phải đóng 400.000 đồng/em. Đáng lẽ, con em học trường công, những cơ sở vật chất thiết yếu này phải có trước, không thể áp đặt gánh nặng này lên các học sinh được. Tôi không đồng ý nhưng vẫn phải nộp vì sợ con không có bàn ghế để học”.

Qua trao đổi với một số phụ huynh, đa phần phụ huynh không đồng tình việc đóng góp khoản mua bàn ghế, nhưng vẫn phải nộp vì sát năm học mới, lo sợ con em không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc học.
 
D2022082610 2
Trường học vừa được xây mới, nhưng thiếu cơ sở vật chất nên các em học sinh lớp 1, lớp 2 phải đóng tiền mua bàn ghế.

Theo phụ huynh C.V.D, anh đã làm việc với lãnh đạo trường để trao đổi về việc đóng góp tiền mua bàn ghế. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc này, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh, cho rằng: “Việc học sinh đóng góp tiền mua bàn ghế, bảng không phải là tài sản của nhà trường. Đây là thoả thuận giữa phụ huynh mua bàn cho con học. Phụ huynh thoả thuận thì cho con vào học, nếu phụ huynh không thoả thuận thì buộc lớp đó phải dừng lại, không học. Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tuỳ”. Cuộc trò chuyện của lãnh đạo trường phổ biến với phụ huynh gây nhiều bức xúc.

Trường khẳng định vận động tự nguyện

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Trung Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh, cho biết, theo kế hoạch năm 2022 - 2023, trường vận động theo hai hình thức đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trong lớp học và ngoài lớp học. Hiện tại, trường mới chỉ vận động mua sắm cơ sở vật chất như bàn ghế, bảng trong lớp học đối với nhóm lớp 1, lớp 2.

Ông Hiếu cho rằng, việc vận động khoản đóng góp bàn ghế, bảng thì đây là tài sản học sinh, sẽ đi theo các cháu từ lớp 1 đến lớp 5. Vì thế với số tiền này không quá cao đối với mức thu nhập của người dân địa phương.

“Đầu năm huy động phụ huynh lớp 1, lớp 2 mua bàn ghế, bảng, nếu không có hai hạng mục này thì không thể giảng dạy được vì đây là tài sản thiết yếu. Đến lớp 5 thì có thể tặng lại cho nhà trường hoặc phụ huynh có thể mang về sử dụng”, ông Hiếu phân tích.
 
D2022082610 3
Một số bàn ghế tại lớp học đã được mua sau khi vận động phụ huynh đóng góp.

Ông Hiếu cũng thừa nhận, những năm học gần đây, hầu như lớp 1 năm nào cũng phải mua bảng, mua bàn ghế. Còn đối với năm này do lớp 2 thiếu bàn nên phải đóng thêm để mua bổ sung.

Đại diện lãnh đạo trường khẳng định vận động đóng góp trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Khi được hỏi nếu như phụ huynh không đồng ý đóng tiền mua bàn ghế, mua bảng thì học sinh lấy đồ dùng học tập đâu để học, ông Hiếu cho rằng, tiền lệ nhiều năm chưa bao giờ xảy ra trường hợp như thế. Đầu năm học đều phải đóng để đáp ứng cho học sinh dạy và học.

“Nếu một, hai em không đồng ý thì nhà trường sẽ có cách để các em có bàn ghế học, nhưng nhiều em không đồng ý thì sẽ khác. Việc thu này đã được địa phương đồng ý trường mới vận động thu. Ngoài khoản đóng góp bàn ghế, bảng thì dự kiến sẽ vận động toàn trường mỗi em 300.000 - 350.000 đồng/em”, ông Hiếu nói.

Về các kế hoạch, thủ tục giấy tờ trình cơ quan các cấp về các khoản thu trong đầu năm học, ông Hiếu cho biết đã làm đầy đủ, tuy nhiên không cung cấp được vì hiệu trưởng giữ.

Khi Phóng viên liên hệ để hỏi thêm về một số thủ tục, quy trình vận động khoản thu đầu năm học thì bà Nguyễn Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh, cho biết: “Đầu năm nhà trường thu vài bộ bàn, bộ ghế, đã được phường cho phép rồi mà phụ huynh làm phiền như thế này không được. Quy trình vận động đã có đầy đủ, kế hoạch vận động toàn trường chỉ huy động từ khoảng 200.000 - 250.000 đồng/em. Còn đối với học sinh lớp 1 vào học đóng tiền mua bàn ghế, bảng thì do phường chỉ đạo”.

Hoài Nam
Theo Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây