Xử lý nghiêm hiệu trưởng nếu lạm thu, tự khắc dẹp được việc đóng góp vô tội vạ

Thứ sáu - 09/09/2022 22:14
Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến kinh tế của nhiều gia đình học sinh trên cả nước nhưng chỉ vừa mới tựu trường, một số trường học lại nóng lên chuyện vận động đóng góp từ các bậc cha mẹ học sinh.
 
Nhiều trường học bây giờ rất giỏi “chuyển vai” từ nhà trường sang ban đại diện cha mẹ học sinh để thoái thác trách nhiệm của mình khi xảy ra lạm thu.

Trong khi, ban đại diện cha mẹ học sinh không phải ai cũng biết trường học của con em mình thiếu gì, cần gì để vận động phụ huynh?

Đã đến lúc các địa phương cần xử lý nghiêm minh những thành viên ban giám hiệu nhà trường - nơi đã để xảy ra tình trạng lạm thu, kể cả chủ trương của nhà trường hay thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh, hoặc giáo viên chủ nhiệm để thực hiện.
 
D202209100103
Cần xử lý nghiêm ban giám hiệu trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Lạm thu tiền trường diễn ra ở nhiều nơi

Ngày 29/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4185/BGDĐT-VP gửi giám đốc sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 8 hoạt động yêu cầu các địa phương thực hiện, trong đó có việc công khai các khoản thu, chi và công khai tài chính.

Thực ra, những hướng dẫn như thế này vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra vào đầu mỗi năm học, thời điểm phụ huynh phải nộp nhiều loại tiền trường bắt buộc và tự nguyện cho con em mình.

Không chỉ Bộ Giáo dục mà một số địa phương cũng có những hướng dẫn cho các trường học như Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị yêu cầu các trường phổ thông không được giao Hội phụ huynh vận động, tiếp nhận và sử dụng các khoản tài trợ cho giáo dục;

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính năm học 2022-2023; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấm các trường bắt buộc học sinh may hoặc mua đồng phục mới…

Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn âm thầm diễn ra và nhiều khoản thu vượt xa suy nghĩ của phụ huynh và dư luận xã hội.

Chẳng hạn như việc lạm thu xảy ra ở Trường Tiểu học Kỳ Trinh (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) khi trường thu tiền bàn ghế, tiền bảng viết, tiền quỹ lớp và rèm cửa của học sinh lớp 1 lên đến 973.000 đồng/ học sinh. [1]

Trường Trung học phổ thông Lê Chân (Hải Phòng) đã huy động từ phụ huynh để xây trạm biến áp tại trường…

Nhưng, dư luận chỉ biết được khi mà phụ huynh- những người trong cuộc dám lên tiếng và báo chí vào cuộc mà thôi, còn đa phần phụ huynh sẽ đóng góp những khoản “tự nguyện”; “không bắt buộc” theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm lớp hoặc thư ngỏ từ ban đại diện cha mẹ học sinh được phát cho học sinh ở các nhà trường.

Bây giờ, trước sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, nhiều ban giám hiệu nhà trường chọn cách đưa ra chủ trương trước hội đồng sư phạm nhà trường và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm vận động từ phụ huynh.

Hoặc, họ chỉ phác thảo ý tưởng cho ban đại diện cha mẹ phụ huynh nhưng thường là hiệu trưởng không ban hành văn bản và ký tên, đóng dấu.

Nếu như mọi việc diễn ra êm đềm, đúng kế hoạch thì không sao nhưng nếu bị phanh phui, báo chí vào cuộc là họ sẵn sàng phủi tay - điều này dư luận đã chứng kiến rất nhiều trong thời gian qua.

Ban đại diện cha mẹ phụ huynh không được đứng ra vận động những khoản thu nào?

Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh có nhiệm vụ: “Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh;

Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Đặc biệt, cũng theo nội dung hướng dẫn của Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản sau:

“Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.

Nếu làm đúng theo hướng dẫn của Bộ thì gần như các khoản thu đứng tên Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay ở nhiều trường học đều sai nguyên tắc.

Bởi, gần như ti vi ở các lớp học hiện nay được trang bị để giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đều được phụ huynh đóng góp mua.

Các hạng mục xây dựng nhỏ trong trường học như sân lễ, tường rào, nhà xe, sân trường cũng chủ yếu là do phụ huynh “tự nguyện” đóng góp.

Tiền trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh thì các em đang phải trả phí mỗi ngày đến trường. Những trường không yêu cầu học sinh làm vệ sinh lớp học, sân trường thì thu tiền của phụ huynh…

Các khoản này có lẽ gần như nhiều trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông đều có hết.

Những khoản cần vận động lớn, hiệu trưởng làm tờ trình gửi cho cơ quan chủ quản (phòng, sở giáo dục) và địa phương (xã, phường) xin chủ trương. Sau đó, họ làm kế hoạch vận động phụ huynh trên tinh thần “tự nguyện”.

Những khoản nhỏ, ban giám hiệu thường thuyết phục ban đại diện cha mẹ học sinh gửi “thư ngỏ” (do nhà trường soạn, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký tên) đến phụ huynh. Hoặc, động viên giáo viên chủ nhiệm trong trường đứng ra vận động phụ huynh trong lớp, giáo viên nào vận động được nhiều, cuối năm học sẽ được… khen thưởng.

Chính vì vậy, chỉ trừ những học sinh nghèo, thật nghèo và phải có sổ nghèo mới không phải đóng góp các khoản xã hội hóa còn lại đa phần đều “tự nguyện” đóng góp các khoản tiền trường - nơi con em mình đang theo học.

Điệp khúc “tiền trường” đã diễn ra từ hàng chục năm qua và có lẽ trong bối cảnh hiện nay tình trạng này vẫn sẽ xảy ra ở nhiều trường học trên cả nước.

Chính vì một số địa phương chưa xử lý nghiêm minh nên khi việc lạm thu tiền trường bị phát giác, dư luận lên tiếng thì hiệu trưởng đứng ra xin lỗi hoặc rút kinh nghiệm xong…rồi thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/hieu-truong-tran-tinh-vu-hoc-sinh-lop-1-bi-ep-mua-ban-ghe-2054748.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG
 
Theo giaoduc.net.vn
 
Link gốc: https://giaoduc.net.vn/xu-ly-nghiem-hieu-truong-neu-lam-thu-tu-khac-dep-duoc-viec-dong-gop-vo-toi-va-post229309.gd
 Từ khóa: Dịch Covid-19

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây