Cô Vũ Kiều Ngọc Anh, sinh năm 1988, hiện là giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội. Mới đây, cô được Sở GDĐT Hà Nội trao bằng khen Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo lần thứ 5 cấp Tiểu học.
Cô Ngọc Anh được biết đến là giáo viên tâm huyết với nghề, có 3 bằng đại học, Thạc sĩ giáo dục Tiểu học. Trong mỗi giờ dạy, cô luôn đổi mới, sáng tạo giúp mỗi giờ học hứng thú, hiệu quả. Đặc biệt là phương pháp dạy học bằng bản đồ tư duy, thiết kế bài giảng Elearning, vận dụng trò chơi vào học tập, tạo "siêu thị phần thưởng"... Ngoài ra, cô còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào và đạt được nhiều giải cao.
Cô giáo Vũ Kiều Ngọc Anh. Ảnh: NVCC
PV báo
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Vũ Kiều Ngọc Anh nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Có lẽ ai gắn bó với công việc đều bắt nguồn từ chữ "duyên". Với chị, nghề giáo được nhen nhóm từ khi nào?
- Quả thật, khi còn nhỏ mình chưa từng nghĩ lớn lên sẽ làm cô giáo mặc dù khi bé mình rất yêu nghề này. Mỗi lần nghe thầy cô giảng bài là mình chú ý quan sát để khi trở về nhà mình lại lôi mấy đứa nhóc ít tuổi hơn để làm cô giáo dạy học. Sau này khi đã xác định được con đường sự nghiệp, mình luôn cố gắng để đạt được khát vọng đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho các học sinh.
Được biết, chị có tới 3 bằng đại học ở 3 ngành khác nhau, trong đó có ngành "hot" rất nhiều người mơ ước. Tại sao chị lại quyết định chọn làm giáo viên?
- Ước mơ thời niên thiếu của mình là trở thành ca sĩ. Khi đó mình học trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chuyên ngành Thanh nhạc để có thể thỏa sức với đam mê. Tại thời điểm tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa, lúc này Ngân hàng là một nghề "hot" và có thu nhập tốt nên mình quyết định học thêm văn bằng 2 Học viện Ngân hàng.
Sau một lần cùng nhóm bạn đi từ thiện tại một trường tiểu học ở tỉnh Hòa Bình, những ánh mắt vô cùng ngây thơ và đáng yêu của các em học sinh tiểu học đã mang lại cho mình những cảm xúc rất đặc biệt. Sau chuyến đi đó, Ngọc Anh đã nung nấu ý định trở thành một cô giáo tiểu học và quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Giáo dục Tiểu học. Mình tốt nghiệp với tấm bằng loại Giỏi.
Chị Ngọc Anh tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Ngân hàng và Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC
Đến bây giờ chị thấy lựa chọn của mình thế nào?
- Khi đó mình vẫn chưa kết thúc khóa học của Học viện Ngân hàng nhưng đã quyết tâm xin bố mẹ cho học thêm bằng Đại học Sư phạm Hà Nội.
Gia đình mình có nhiều khó khăn, để có tiền trang trải học phí mình đã đi làm thêm kiếm tiền. Càng khó khăn, vất vả bao nhiêu điều đó như là một động lực giúp mình cố gắng bấy nhiêu. Đến bây giờ mình thấy rằng "con đường" mà mình lựa chọn hoàn toàn đúng đắn.
Ngày đầu đứng trên bục giảng, đối với chị, chắc hẳn sẽ có kỷ niệm khó quên?
- Mình nhớ mãi những ngày đầu đứng trước hơn 50 ánh mắt của những cô cậu học trò nhỏ, mình run lắm. Nhưng sự chăm chú, ngây thơ, đáng yêu của các con khiến mọi cảm giác ấy tan biến.
Mình may mắn được thực tập tại ngôi trường Tiểu học La Thành. Cô hiệu trưởng đã dìu dắt và giúp đỡ mình rất nhiều trong việc thực tập, làm quen với hồ sơ giáo án. Chính cô là người truyền thêm cảm hứng yêu nghề cho mình khi trực tiếp xem tiết dạy và góp ý để mình cảm thấy tự tin hơn.
Có khi nào học sinh đưa chị rơi vào tình huống đau đầu?
- Mình nhớ có một học sinh có tâm lý rất đặc biệt. Mỗi khi mẹ đưa đến trường bạn luôn tỏ thái độ không hợp tác và chạy trốn khắp nơi. Khi tìm được thì bạn lại có hành động phản ứng là cào cấu cô và không chịu vào lớp. Quá trình giúp con thay đổi có lẽ là những tháng ngày không thể nào quên với mình.
Mình kiên trì động viên, trò chuyện để con cảm nhận được sự gần gũi và yêu thương. Mình tìm hiểu hoàn cảnh của con và biết được con đang ảnh hưởng tâm lý về sự chia ly của ba mẹ. Vào mỗi giờ ra chơi, mình luôn dành thời gian tâm sự với học trò, động viên các bạn trong lớp giúp đỡ bạn học tập và vui chơi.
Dần dần em đã có thay đổi, cuối năm đạt kết quả học tập tốt khiến cô giáo và gia đình cảm thấy bất ngờ, hạnh phúc. Khi chia tay cuối năm học, bạn học sinh và cả lớp đó đã khóc và gọi cô bằng "mẹ". Các con cứ ôm chặt lấy mình không muốn rời xa, lúc đó mình thực sự xúc động đến nghẹn ngào. Kỷ niệm ấy mình nhớ mãi trong khoảng thời gian bước chân vào nghề.
Hiện tại học sinh đều đang học online, có lẽ các cô cũng rất nhớ học trò của mình?
- Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho cô trò không thể đến trường, đến lớp và làm việc online là chủ yếu. Có những hôm dạy online nhìn thấy các con mà nước mắt cứ rơi vì nhớ. Những thử thách đến cũng là cơ hội để mỗi giáo viên cố gắng nỗ lực hơn trong việc tìm ra những giải pháp mới để nâng cao chất lượng học tập. Chỉ mong dịch nhanh qua đi để cô trò được trở lại trường học.
"Một giáo viên không chỉ cần có khả năng dạy học tốt, mà còn phải là tấm gương cho học sinh học hỏi", cô Ngọc Anh chia sẻ. Ảnh: NVCC
Giáo viên thường bị cho là áp lực và thu nhập thấp. Chị có bị áp lực không?
- Mình nghĩ khi đã chọn nghề và yêu nghề thực sự thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Có những áp lực nhiều khi cũng khiến mình mệt mỏi nhưng chính sự quan tâm ân cần của ban giám hiệu cùng anh chị em đồng nghiệp và sự ủng hộ của gia đình khiến mọi áp lực dần tan biến.
Chị sẽ khuyên điều gì với các bạn trẻ muốn trở thành giáo viên?
- Nghề giáo là một trong số những nghề cao quý trong xã hội. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có quan điểm giống nhau về nghề dạy học. Hiểu về nghề giáo để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn là một yêu cầu không chỉ với những người trong ngành mà còn với toàn xã hội. Đặc biệt với những người đang và sẽ có ý định lựa chọn con đường làm "kỹ sư tâm hồn" cho thế hệ trẻ thì công việc này càng trở nên quan trọng.
Trở thành một giáo viên không phải là một việc dễ dàng. Một giáo viên không chỉ cần có khả năng dạy học tốt, mà còn phải là tấm gương cho học sinh học hỏi, đặc biệt người giáo viên đó cần trở thành một người thầy, một người cô được các em học sinh yêu quý...".
Link gốc: https://danviet.vn/co-giao-co-3-bang-dai-hoc-bo-nganh-van-nguoi-mo-theo-nghe-go-dau-tre-20211117223900532.htm