'Bất công với lương giáo viên'

Thứ năm - 02/12/2021 14:59
Từ tháng 9 đến giờ, chưa hôm nào tôi được ngủ trước 12h đêm, nhưng rất buồn khi người ta vẫn đem so sánh lương giáo viên với công nhân.

Theo một nghiên cứu về lương trung bình nghề này so với GDP bình quân, Luxembourg trả lương giáo viên cao nhất (trung bình 101.000 USD mỗi năm, tức khoảng 2,3 tỷ đồng). Trong khi ở châu Á, Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm những quốc gia có lương giáo viên cao (54.740 USD mỗi năm). Tiếp sau là Ấn Độ và Thái Lan (12.000 USD mỗi năm). Còn Việt Nam đứng cuối về thu nhập của giáo viên trung học phổ thông, tính theo GDP bình quân đầu người với trung bình gần 1.800 USD một năm.

Những con số trên cho thấy một thực trạng của giáo dục nước nhà, đó là chế độ đãi ngộ cho giáo viên quá thấp so với mặt bằng chung khu vực và thế giới. Thậm chí, nhiều giáo viên còn thừa nhận mức lương của mình còn thua cả thu nhập của công nhân, người lao động chân tay.

Nhiều độc giả VnExpress đồng cảm với những khó khăn, vất vả của giáo viên, trái ngược với mức lương bèo bọt mà họ nhận được:

Độc giả

Để tôi mô tả công việc của một giáo viên cho các bạn: Buổi sáng, giáo viên phải mở máy tính ngồi dạy học trực tuyến từ 7h15 đến 11h45. Nếu hôm nào họp nhóm xây dựng chuyên đề, có khi đến 12h30 mới kết thúc. Buổi chiều, giáo viên phải soạn giáo án bằng PowerPoint. Buổi tối, họ lại ôm máy tính soạn bài tiếp đến quá nửa đêm.

Từ khi khai giảng năm học mới đến giờ, giáo viên chúng tôi soạn bài bất kể ngày, đêm, để có được những bài giảng PowerPoint chất lượng nhất dạy cho các học sinh. Chúng tôi biết các con thiệt thòi nhiều khi không được đến trường học trực tiếp, rất nhiều em còn không có bố mẹ kèm cặp vì họ cũng phải gồng mình ở tuyến đầu chống dịch. Nhưng bản thân tôi từ tháng 9 đến nay, chưa hôm nào được ngủ trước 12h đêm.

Tất nhiên, nếu làm việc qua loa, đại khái thì rất đơn giản. Tôi chỉ tải bài giảng mẫu trên mạng về, chỉnh sửa lại một chút rồi mang đi dạy sẽ đỡ vất hơn rất nhiều. Nhưng tôi muốn làm việc đúng với cái tâm của mình, để học sinh của mình hiểu bài hơn, để các con hứng thú với bài học trực tuyến, nên công việc không hề đơn giản như nhiều người nghĩ.

Vì vậy, xin đừng so sánh nghề giáo với các công việc lao động chân tay khác, bởi vì chúng tôi không sản xuất theo dây chuyền những sản phẩm hàng loạt, không cảm xúc.

Bích Ngọc

Mẹ tôi cũng làm giáo viên. Tôi thấy hôm nào mẹ cũng phải thức đến 11h đêm để soạn bài, chấm bài. Ban ngày, mẹ phải giảng rát cả cổ, ít nhất là bốn tiếng đồng hồ liên tục. Mỗi lần có kỳ thi cử, để tránh tiêu cực, người ta phân giáo viên trường này đi coi thi trường khác, nếu trường ở xa thì mẹ phải ngủ luôn tại điểm coi thi. Ngày bé, mỗi lần mẹ đi coi thi xa, tôi lại được gửi sang ở với ông bà nội, đêm nào cũng nằm nhớ mẹ khóc thút thít.

Đó là còn chưa kể những áp lực từ phía phụ huynh. Nếu chẳng may có học sinh trong lớp mình chủ nhiệm đánh nhau sứt đầu mẻ trán thì phụ huynh cũng kéo lên trường bắt vạ giáo viên. Nếu không may nhận phải lớp có nhiều học sinh hỗn láo, người ta cũng lại đổ cho giáo viên không biết dạy.

Lao động trí óc rất mệt, bị vắt kiệt tâm sức. Tôi có thời gian làm thiết kế, thật sự thấy đáng sợ vì đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Ấy vậy mà giáo viên còn phải thiết kế bài giảng, cần rất nhiều sự sáng tạo hơn nữa. Nói chung, tôi thấy lương nhà giáo quá bèo bọt so với công sức và tâm huyết mà họ phải bỏ ra.

Trước những ý kiến so sánh "nghề giáo cũng bình thường như các công việc lao động khác, nên không thể đòi hỏi lương cao", nhiều độc giả phản bác:

Hoàng Thanh

Hãy phân tích kỹ công việc của giáo viên rồi trước khi so sánh. Công nhân làm việc 8-10 tiếng một ngày ở nhà máy, nhưng về nhà là hết việc. Trong khi đó, giáo viên sau giờ dạy trên lớp vẫn còn biết bao việc khác.

Có thể kể ra các công việc của giáo viên như: chuẩn bị giáo án cho giờ dạy tiếp theo; chấm điểm bài kiểm tra; nếu có học sinh không tiếp thu bài tốt hoặc có vấn đề trong học tập, họ phải sắp xếp thời gian nói chuyện với học sinh và gia đình các em để tim cách giải quyết; chuẩn bị bài giảng dự giờ; tổ chức dạy tăng cường cho học sinh giỏi đi thi; nếu làm chủ nhiệm thì mỗi tuần phải chuẩn bị giờ sinh hoạt lớp sao cho hiệu quả; phải thu thập ý kiến của các giáo viên bộ môn; đầu năm, giữa năm và cuối năm phải tổ chức họp phụ huynh, phụ trách tổ chức các chương trình phong trào...

Nói chung, để liệt kê ra hết các công việc lớn, nhỏ của một giáo viên thì rất nhiều. Đó đều là những công việc không chính danh. Nhà giáo về nhà không phải là hết việc như nhiều người tưởng tượng. Họ không chỉ làm việc nặng về thể xác mà còn áp lực về tinh thần nữa.

myhanhvnh

Không hiểu sao người ta lại có sự so sánh nghề giáo với các công việc khác theo kiểu cào bằng như vậy. Giáo viên mất bao nhiêu năm đèn sách, học hành, thậm chí không được ngủ đủ giấc để làm việc, học tập, chấm thi, soạn giáo án và chuẩn bị bài vở.

Tất nhiên, nghề nào cũng cao quý nếu làm việc lương thiện, nhưng vì sao giáo viên, bác sĩ luôn được các nước trên thế giới xem là cao quý nhất? Bởi đó là những nghề mà đối tượng tác động trực tiếp là con người, là tương lai, là chủ nhân của đất nước. Bản thân những người công nhân nên người, trở thành người có nhận thức, có đạo đức một phần chính là sản phẩm của nền giáo dục mà người trực tiếp giảng dạy, đào tạo họ chính là giáo viên.

Nhìn thẳng vào những bất cập trong chế độ đãi ngộ cho giáo viên ở Việt Nam, nhiều ý kiến nêu giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và lương giáo viên nói riêng:

Nguyễn Tuấn Anh

Việc lương của một người gieo mầm ước mơ, một người dẫn đường chỉ lối cho các thế hệ học sinh lại không bằng thu nhập của một công nhân, người bán vé số. Đó là một sự đau xót chứ không có gì đáng để giáo viên tự hào. Giáo dục Việt Nam tới đây sẽ như thế nào khi mà những người giỏi đều chẳng có ai muốn làm nghề giáo vì không đủ sống? Dù đam mê công việc đến thế nào nhưng họ cũng phải sống được mới đam mê.

Tất nhiên, vấn đề nào cũng có nhiều mặt, nhưng làm sao để có một lực lượng cán bộ viên chức nòng cốt, xây dựng hệ thống giáo dục và tiếp tục công cuộc "trồng người" cho thế hệ sau này, thì cần phải nghiên cứu và hành động kịp thời. Đừng để đến lúc nó thành vấn nạn rồi mới bắt đầu cứu vãn thì đã quá muộn!

Manh nguyen van

Trước hết, muốn giáo viên được hưởng mức lương cao thì ngành giáo dục phải đổi mới. Trước tiên, đầu vào ngành sư phạm phải cao, chứ không thể cứ 12-18 điểm đã đậu thì thử hỏi làm sao để tìm kiếm nhân tài và lấy lại vị thế của giáo viên? Khi không có đội ngũ sinh viên sư phạm chất lượng, thì khi ra trường lấy đâu ra giáo viên dạy giỏi? Mà giáo viên đã không dạy giỏi thì tất nhiên là mức lương cũng sẽ thấp.

Do đó, theo tôi, mấu chốt là phải nâng cao yêu cầu chọn lọc đầu vào sư phạm, giống như với ngành Y, từ đó mới có thể xây dựng được một nguồn nhân lực giỏi. Hiện nay, giáo viên có thể xuất phát từ trung câp, cao đẳng... nên không thể khiến xã hội nhìn nhận đúng đắn về năng lực và vai trò của nhà giáo.
Lê Phạm tổng hợp
Theo vnexpress.net​​​​​​​


Link gốc: https://vnexpress.net/bat-cong-voi-luong-giao-vien-4397392.html?fbclid=IwAR1M4lUroVM8-udvWU9W2jaU12cSrt2Of63Wkucuil2g5hazW_S8y2nxSv8

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây