Tại sao bác sĩ được làm thêm?
Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bên cạnh các nhóm vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm như công tác phòng chống dịch COVID-19, giá xét nghiệm, chiến dịch tiêm vaccine,… thì vấn đề chất lượng khám chữa bệnh hiện nay cũng được các đại biểu đề cập đến.
Lấy dẫn chứng ngành giáo dục yêu cầu cấm dạy thêm, học thêm để đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy và học trên lớp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi: "Việc bác sĩ hay nhiều bác sĩ liên kết xây dựng phòng khám riêng có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện công không?"
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau)
Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo tổng kết từ các giai đoạn trước, vấn đề hành nghề của bác sĩ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thu nhập, mức độ hành nghề và uy tín của bác sĩ.
Theo đó, việc bác sĩ được hành nghề, lập phòng khám - tức là làm việc ngoài giờ sẽ có thêm thu nhập, đặc biệt là nâng cao năng lực chuyên môn của bác sĩ.
Bộ trưởng Long cũng nhấn mạnh, không nên phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lực lượng trên. Do vậy sự trao đổi và chia sẻ sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Bộ Y tế cũng cho biết, đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, thời gian tái tạo sức lao động của bác sĩ. Đồng thời, cơ quan này cũng nghiêm cấm việc không hoàn thành công việc ở cơ sở y tế công lập để đưa ra làm ở cơ sở tư nhân.
“Các tỉnh, thành phố và Sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp này”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Có công bằng?
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề liên quan đến việc liên kết xây dựng phòng khám riêng có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện công không, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn đại biểu Cà Mau) đã tranh luận lại.
Theo đại biểu Hận, ông không có ý phân biệt cơ sở y tế công - tư. Bên cạnh đó, theo các lý do của Bộ trưởng đưa ra thì có hợp lý khi áp dụng với ngành giáo dục không?
"Vấn đề tôi muốn nói là khi bác sĩ có phòng khám riêng thì có tận tâm với công việc ở bệnh viện công, có lôi kéo bệnh nhân về phòng khám riêng, có ưu tiên các khâu điều trị ở phòng mạch riêng của mình hay không? Liệu như vậy có công bằng với bệnh nhân khác khi điều trị ở bệnh viện hay không?”, đại biểu Hận đặt câu hỏi.
Cấm giáo viên dạy thêm, sao bác sĩ được mở phòng khám riêng? - Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, cho đến thời điểm này, chúng ta chưa thấy việc giảm sút năng lực chuyên môn của người được cho phép mở phòng khám riêng khi làm việc trong cơ sở y tế công lập
Tiếp tục trả lời vấn đề đại biểu Hận tranh luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, cho đến thời điểm này, chúng ta chưa thấy việc giảm sút năng lực chuyên môn của người được cho phép mở phòng khám riêng khi làm việc trong cơ sở y tế công lập.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có chỉ đạo đối với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, quy định giờ cụ thể khi hành nghề.
"Chúng tôi mong muốn các địa phương cùng chia sẻ với ngành y tế, Bộ Y tế trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế công lập và tư nhân được tương xứng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nguồn VTV.VN
Link gốc: https://vtv.vn/xa-hoi/cam-giao-vien-day-them-sao-bac-si-duoc-mo-phong-kham-rieng-20211110135414885.htm?fbclid=IwAR1rcgwBwOaNnXRMMoKI4jHT-bv1DhLKTWKxcjx1KwTwyTPZDXW3dh8cdj4