Tiếng trống học ban đêm
Mấy năm nay, ai có dịp đến xã Kỳ Sơn không thể không ấn tượng với những hồi trống giòn giã vào lúc 7h tối rền vang khắp một miền rừng núi. Cũng chính lúc đó, hầu hết học sinh trong toàn xã đều tự giác lên bàn học tập. Những người thực hiện và bà con nhân dân nơi đây gọi đây là “tiếng trống học ban đêm”.
Chúng tôi đã tìm đến những người được cho là tâm huyết nhất, là “khởi ý” cho những hồi trống nhắc nhở học sinh học tập và được nghe câu chuyện thú vị về việc tổ chức thực hiện mô hình độc đáo này của xã Kỳ Sơn.
Ông Bùi Quang Trung (thôn Mỹ Lợi, xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh) là người đã 3 năm đánh trống. |
Thầy Lê Quang Trung, Hiệu trưởng trường THCS xã Kỳ Sơn cho biết: mô hình “xã hội học tập” này vốn có từ thời điểm 2007 – 2008. Lúc đó, các lãnh đạo xã Kỳ Sơn và một số thầy cô các trường trên địa bàn hình thành ý tưởng sẽ tổ chức đánh trống vào buổi tối với mục đích nhắc nhở các em học sinh trên địa bàn xã đến giờ học tập. Đây là ý tưởng hình thành và đã được tổ chức bởi những người hết mực quan tâm, tâm huyết tới việc học tập, tới truyền thống hiếu học của con em xã nhà.
Việc đánh trống được tổ chức trong một thời gian dài, tuy nhiên, đến khoảng năm 2012 vì nhiều lý do nên không duy trì được và phong trào tạm thời lắng xuống. Tới năm 2014, nhờ sự đóng góp ý kiến của một số cán bộ lâu năm, chúng tôi nhận thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa, vì vậy mọi người cùng nhau xây dựng lại mô hình “tiếng trống học tập” này. Và bắt đầu từ năm 2014, tiếng trống lại vang lên vào mỗi tối và được duy trì đều đặn cho đến nay.
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư xã Kỳ Sơn khi được hỏi về tiếng trống thì rất vui và tự hào cho biết: ý tưởng đánh trống cho các cháu vào học buổi tối đã được sự phối hợp giữa hai trường THCS và Tiểu học trên địa bàn, bắt đầu từ năm 2007 – 2008. Nhưng sau đó trường Tiểu học thực hiện chuyển đổi mô hình học nên khoảng từ năm 2012 có tạm dừng. Vào năm 2014, thầy Lê Quang Trung, hiệu trưởng trường THCS có đến hỏi tôi về mô hình này. Nhận thấy được vai trò và ý nghĩa lớn nên với sự tâm huyết của mình, thầy Trung đặt vấn đề thực hiện trở lại việc đánh trống. Và vì vậy, từ 2014 tới nay, tầm 7h tối là “tiếng trống học ban đêm” lại vang lên.
Thầy Nguyễn Trung Trực, hiệu phó trường THCS Kỳ Sơn, một người thầy mẫu mực và đầy trách nhiệm đã gắn bó với ngôi trường này suốt 17 năm cho biết: mô hình đánh trống đã có từ lâu, cũng đã trải qua bao thăng trầm, bước ngoặt và bây giờ đã đi vào hoạt động ổn định.
Ngay từ đầu năm học, lãnh đạo các nhà trường, đại diện lãnh đạo xã và các hội trưởng hội phụ huynh, các vị trưởng thôn cùng họp lại để bàn bạc kế hoạch, thành lập “tổ đánh trống” để cùng nhau tổ chức thực hiện.
Thầy Lê Quang Trung, Hiệu trưởng trường THCS xã Kỳ Sơn là thầy giáo trẻ, năng động và có nhiều sáng tạo. |
Xã Kỳ Sơn có 9 thôn, trung bình mỗi thôn có một chiếc trống, riêng thôn Mỹ Thuận rộng thì có hai chiếc. Trống thường được để ở hội trường hoặc gia đình của người phụ trách đánh trống. Mùa hè thì đúng 7h30, mùa đông thì đúng 7h là tiếng trống lại giòn giã rền vang khắp cả 9 thôn của một xã vùng núi. Việc đánh trống được giao cho các cụ già trong làng. Thường các cụ đánh trống với tinh thần tự nguyện là chính.
“Mặc dù, hầu hết những người tham gia đánh trống đều là tự nguyện, tâm huyết với việc học của con cháu thì họ làm. Tuy nhiên, nhà trường và lãnh đạo xã cũng rất quan tâm, tìm cách hỗ trợ một số kinh phí dù ít nhưng để động viên tinh thần là chính.
Như năm 2015, họp HĐND xã, lãnh đạo nhà trường và hội phụ huynh đã cùng nhất trí thu 70. 000 đồng mỗi phụ huynh để mua trống mới, đồng thời hỗ trợ 200 ngàn/ tháng cho mỗi người tham đánh trống. Nhiều cụ già sau khi nhận tiền hỗ trợ đã để dành đóng góp mua phần thưởng cho các cháu đạt thành tích học tập tốt”, thầy Trực tự hào cho biết.
Hình thành ý thức tự giác học tập của học sinh
Thầy Lê Quang Trung chia sẻ, thời gian đầu thực hiện mọi người phải bắc loa đi tuyên truyền khắp xã để tất cả người dân đều biết trước.
Sau đó, hằng tuần, trừ ngày chủ nhật còn tối nào cũng vậy, đúng 7h là những hồi trống rền vang báo hiệu đã đến giờ vào bàn học tập buổi tối của các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn.
Sau khi nghe trống đánh, các gia đình sẽ bảo ban các em việc học. Điều đặc biệt là, trong thời gian đó, nếu gia đình nào còn tổ chức hát hò, mở nhạc to thì sẽ được bà con trong thôn nhắc nhở không được gây ồn ào để các cháu có thể tập trung học. Mỗi người dân tự ý thức việc làm của mình để không gây ảnh hưởng tới các cháu. Ngoài ra, em nào sau khi tiếng trống vang mà còn ra ngoài chơi thì cũng sẽ bị gia đình, bà con nhắc nhở.
“Với mô hình này, việc tổ chức học tập của học sinh trong xã đều có sự tham gia, đóng góp, hỗ trợ vận động của phụ huynh và mọi người dân. Cứ cuối tháng sẽ có họp xóm, khi đó, trường sẽ có báo cáo tình hình học tập của các cháu về với xóm, đồng thời cũng nhận được phản hồi từ xóm về tình hình ý thức tự giác học tập của học sinh. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với hội phụ huynh cũng thường xuyên cử giáo viên, thành lập các tổ kiểm tra đến các thôn vào buổi tối để kiểm tra việc học tập của các em. Điều này đã được bà con rất ghi nhận và ủng hộ”, thầy Trung tự hào chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Duân (thôn Sơn Bình 3, Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “tôi năm nay đã 70 tuổi và tự nguyện tham gia đánh trống cho các cháu vào học. Cứ tầm 7h tối là tất cả người phụ trách lại đánh để nhắc nhở các cháu vào học. Mình lớn tuổi rồi, được đóng góp một chút công sức vào việc động viên, nhắc nhở các cháu học tập là tôi cảm thấy vui và hạnh phúc rồi”.
Còn ông Võ Sỹ Đông (thôn Sơn Trung 2) năm nay cũng xấp xỉ 70 tuổi vui vẻ tâm sự: “ Chúng tôi đánh một hồi 6 tiếng, cứ tới giờ là tiếng trống của cả 9 thôn lại vang lên. Trống được đặt ở hội trường thôn, ngày nắng thì đỡ chút, còn những ngày mưa rét thì khi ra đánh trống cũng hơi…vất vả (cười). Tuy nhiên, điều đó không phải là vấn đề lớn, miễn các cháu có ý thức chăm chỉ học hành thì vất vả vậy chứ vất vả hơn tôi cũng không nề hà”.
Trường THCS xã Kỳ Sơn, điểm sáng của huyện Kỳ Anh. |
Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư xã Kỳ Sơn cũng chia sẻ thêm: “Đây là tiếng trống báo hiệu, nhắc nhở nâng cao ý thức học tập của các em, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm của phụ huynh đối với việc học của con cái. Những ai mới đầu đến Kỳ Sơn chắc chắn sẽ thấy rất lạ khi cứ mỗi tối là lại nghe tiếng trống, tuy nhiên âm thanh này đã quá quen thuộc với người dân xã Kỳ Sơn”.
Ông cũng cho biết, với sự đầu tư của xã, sự tâm huyết của các thầy cô giáo và vai trò của tiếng trống nhắc nhở học sinh học tập, ý thức tự giác của học sinh cao hơn, chất lượng giáo dục của xã Kỳ Sơn cũng được nâng cao, nhất là trong mấy năm trở lại đây.
“Ngoài trường Tiểu học thì xưa nay luôn nằm trong tốp đầu của huyện, trường THCS của xã mấy năm nay cũng phát triển vượt bậc, riếng năm nay thi HSG lớp 9 cũng đã vào tốp đầu”, ông Long cho biết.
Về kết quả học tập của học sinh, thầy Lê Quang Trung chia sẻ cụ thể hơn: trường THCS Kỳ Sơn trong kỳ thi HSG lớp 9 vừa rồi có 5 em đi thi giải toán trên máy tính Casino thì có 4 em đạt HSG huyện, có 1 em được nằm trong đội tuyển thi HSG tỉnh vào cuối tháng 12/2015. Còn trong kỳ thi HSG huyện 8 môn văn hóa, trường có 29 em đi thi thì có 22 em đạt HSG cấp huyện, trong đó có 21 em dự thi vòng 2 đội dự tuyển HSG tỉnh, và sau cùng có 8 em được chọn vào đội tuyển học sinh dự thi HSG tỉnh. Theo đó, số lượng HSG huyện của xã Kỳ Sơn đứng tốp đầu toàn huyện Kỳ Anh.
Thầy Đinh Sỹ Quân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh cho biết: "Mô hình tiếng trống học ban đêm ở xã Kỳ Sơn vốn có từ lâu. Cái hay của mô hình này là giúp nhắc nhở các em học sinh đã đến giờ vào học, đồng thời cũng nhắc nhở phụ huynh bảo ban việc học tập của các cháu.
Chất lượng giáo dục của xã Kỳ Sơn luôn nằm tốp đầu của huyện, có thể nói đây là một đất học của vùng trên Kỳ Anh. Để có được chất lượng giáo dục cao như vậy là do hội tụ của nhiều yếu tố. Đó là nhờ nhận thức về giáo dục của người dân cao, nhờ ý thức của học sinh, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là nhờ vào đội ngũ cán bộ quản lý của các nhà trường, đây có thể nói là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Kỳ Sơn là một xã vùng trên nhưng có 2 trường đạt chuẩn, cảnh quan trường rất đẹp và hấp dẫn. Các cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên các trường THCS và Tiểu học Kỳ Sơn rất năng động và tâm huyết, nhất là hai thầy hiệu trưởng, đó đều là những người quản lý xuất sắc của giáo dục Kỳ Anh. Với những yếu tố đó, cùng với vai trò thực tiễn của mô hình tiếng trống học ban đêm nên chất lượng giáo dục của xã Kỳ Sơn luôn đi đầu cũng là điều dễ hiểu".
Cảm nhận về mô hình này của xã, anh Nguyễn Song Hào, Bí thư đoàn xã Kỳ Sơn hào hứng cho biết: “tiếng trống vào mỗi tối đã quen thuộc với người dân. Thậm chí tôi thấy, nếu thiếu tiếng trống này bà con cảm thấy cứ thiếu thiếu. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân xã nhà. Giữa một địa phương miền núi, không chỉ có ý nghĩa nhắc nhở học sinh học tập, mà tiếng trống cất lên càng trở thành một thứ âm thanh thiêng liêng hơn bao giờ hết”.
Có về và chứng kiến hoạt động của mô hình này mới thấy hết được vai trò và sự quan tâm của mọi thành viên trong cộng đồng trong việc giáo dục học sinh có ý nghĩa như thế nào. Có sự kết hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội, các em sẽ thực sự thấy mình được quan tâm và sẽ phát triển ý thức tự giác rèn luyện mình trong học tập cũng như trong cuộc sống.