Nói về các kỳ thi quốc gia, ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh vẫn luôn chuẩn bị tâm thế cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
"Dù kỳ thi THPT quốc gia được chuẩn bị tốt nhất và với phương thức thi như năm nay, tiêu cực trong phòng thi sẽ được hạn chế đi rất nhiều, song với một khối lượng công việc rất lớn khó ai dám chắc toàn vẹn trong tất cả các khâu".
Ông Đinh Xuân Khoa. Ảnh: Thanh Hùng |
Với kinh nghiệm tổ chức, chủ trì các cụm thi đại học trong suốt 15 năm, ông Khoa vẫn nhớ như in sự khủng hoảng của trường trước sự cố in nhầm đề thi của thí sinh ngày nào. Khi đó, một đề thi của một thí sinh có một trang bị nhầm với một mã đề khác.
Đó là đề thi một thí sinh dự thi môn tiếng Pháp vốn có khá nhiều trang. Nếu phát hiện sớm thì có thể kéo dài thời gian thi cho thí sinh này thêm 30 phút. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm bài thi, thí sinh không có ý kiến gì.
Sau đó, khi phát hiện nhầm đề thi, phụ huynh của thí sinh này đã yêu cầu trường tổ chức thi lại nếu cần thiết. Nhà trường lúc đó đã phải cam kết rằng sau khi có kết quả sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT để được chỉ đạo, xem xét có tổ chức thi lại cho em và nhà trường chịu hoàn toàn kinh phí.
“Khi đó, phụ huynh cùng công an và rất đông nhà báo đi tới trường làm việc. Tôi vẫn nhớ khi đó thầy hiệu trưởng mời khách vào phòng nhưng tay thì run lên bần bật. Phải nói là khi khủng hoảng, sức ép của dư luận là rất lớn” – ông Khoa chia sẻ.
May mắn, sau đó điểm thi của thí sinh này vẫn đủ đỗ vào trường, nên gia đình em cũng không có ý định làm lớn sự việc. Ông Khoa cho rằng, đây là sự cố hoàn toàn có thể xảy ra như những tai nạn trong cuộc sống, dù không ai mong muốn.
“Vì vậy khi làm thi, tất cả mọi người đều rất áp lực”.
Ông Khoa cũng cho rằng giờ đây, việc đưa các phòng thi, cụm thi về tận từng huyện xa xôi để các em được học ở đâu thì thi ở đó là thuận lợi hơn cho thí sinh, nhưng đổi lại các thầy cô sẽ gánh thêm rất nhiều rủi ro và khó khăn.
Giám thị đang phát giấy thi cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Lê Văn. |
Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng thì kể lại một “tai nạn thi cử” rất hy hữu mà ông là người trực tiếp xử lý.
Đó là câu chuyện của một cô giáo 50 tuổi vốn được đánh giá là rất nghiêm túc, chuẩn mực. Tuy nhiên, hôm đó, khi đang thực hiện công tác giám thị, có một thí sinh nộp bài sớm rồi ra về.
Sau đó, do mải quan sát phòng thi, trong một giây phút tâm trí xao nhãng, cô giáo này đã đặt bài thi của thí sinh này vào chồng giấy nháp.
Đến cuối giờ thi, trước khi thu bài, cô giáo cẩn thận xé chồng giấy nháp rồi cho vào sọt rác mà không hề biết mình đã xé bài thi của thí sinh.
“Đến khi thu bài xong, mang lên thư ký nộp bài thi thì mới thấy thiếu trong khi chữ ký vẫn có chữ ký nộp bài của thí sinh. Cô giáo quay lại phòng thi tìm thì mới phát hiện bài thi của thí sinh đã bị xé nằm trong thùng rác” – ông Hùng kể.
Nếu như nhìn bề ngoài của hiện tượng "giám thị này xé bài thi của thí sinh" thì thấy hành động của cô giáo thật khó chấp nhận.
“Về phần cô giáo cũng rất đáng trách, nhưng trước một kỳ thi căng thẳng và quá nhiều việc, không thể chỉ qua một hiện tượng như vậy mà đánh giá cô giáo ấy là người xấu” – ông Hùng bình luận.
Người giám thị đó đã phải chịu kỷ luật theo quy chế, nhưng sức ép tâm lý khá nặng nề.
Từ đó, ông Hùng cho rằng, xã hội nên có cái nhìn cảm thông với những giáo viên coi thi, bởi trong lúc làm thi "có những tình huống mà chúng ta không thể tưởng tượng được".
Bà Nguyễn Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng chia sẻ về cuộc gặp với một cô giáo phạm lỗi trong quá trình làm giám thị, mà mình là người trực tiếp xử lý.
Sự việc cô giáo phạm lỗi khi được giao nhiệm vụ làm giám thị trong một kỳ thi vừa diễn ra mới đây tại tỉnh Nghệ An.
“Chúng tôi thống kê có tới hơn 50 bài trên các báo khác nhau đưa tin”.
Trong vòng xoáy của của cơn bão, bà Chi nhận được bức thư từ chính gia đình của cô giáo trẻ này. “Họ đều là những giáo viên lâu năm và đáng kính tại địa phương”.
Trong bức thư, lời đầu tiên, bố mẹ của cô giáo là xin lỗi đến các thầy cô, phụ huynh, học sinh và những người liên quan vì con của họ đã làm một việc như thế.
Sau khi giao sự việc được giao cho thanh tra của ngành xử lý nghiêm túc, cô giáo đã có những lúc "không thể nào chịu nổi áp lực từ phía dư luận, gia đình và đồng nghiệp” – bà Chi kể.
“Tôi đã nói với cô ấy rằng con người ở đời ai cũng có những sai lầm. Ngay bản thân tôi cũng không thể khẳng định ngày mai mình có mắc sai lầm hay không. Nhưng điều quan trọng là nhận ra được sai lầm đó. Tôi thấy em đã nhận ra được sai lầm của mình và có sự cầu thị tích cực”.
Thanh Hùng - Lê Văn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn