Nhiều trường đại học Việt Nam đang và sẽ chịu sức ép tự chủ tài chính. Mỗi trường cần có một GPS (thiết bị định vị dẫn đường) riêng cho mình để thích ứng với yêu cầu mới.
Đảm bảo tài chính theo hướng tăng thu - kiểm soát chi
Những nguồn thu của các trường đại học về cơ bản là giống nhau. Điều khác biệt là tỷ lệ của từng nguồn như thế nào. Minh họa dưới đây (xem bảng) cho thấy các nguồn thu và thu từ đâu.
Với áp lực bị giảm nguồn thu từ ngân sách (trực tiếp lẫn gián tiếp), các trường phải cố gắng tăng các nguồn thu còn lại như sau:
Tăng nguồn thu từ học phí: việc tăng học phí đối với hệ chính quy tập trung là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, nhiều nước có hệ thống tín dụng sinh viên để giảm bớt gánh nặng cho sinh viên và gia đình. Hệ thống tín dụng sinh viên muốn hiệu quả thì cũng cần theo thị trường về lãi suất, chính phủ là người bảo lãnh và phát triển hệ thống đánh giá tín dụng cá nhân.
Nguồn thu từ học phí có thể tăng thêm từ các chương trình đào tạo liên kết với doanh nghiệp. Ví dụ như ở Pháp, sinh viên chính quy tập trung nếu tìm được doanh nghiệp tài trợ thì học theo hình thức vừa học vừa làm (ba ngày ở trường, hai ngày ở doanh nghiệp). Các chương trình đào tạo ngắn hạn, nâng cao chuyên môn cũng là nguồn thu đáng kể của nhiều trường.
Để khuyến khích việc học tập liên tục, chính phủ một số nước còn có chính sách trích lập quỹ đào tạo từ quỹ lương của người lao động và người sử dụng lao động. Hàng năm, người sử dụng lao động khuyến khích người lao động tham gia các khóa đào tạo như là một phúc lợi, vì nếu không sử dụng sẽ không được hoàn trả từ chính phủ. Chính vì vậy, nhiều trường chủ động liên hệ với doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, để tiếp cận nguồn quỹ này tạo thêm nguồn thu cho trường.
Các trường cần hướng đến mô hình quản trị “giống” doanh nghiệp, nghĩa là có các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả cụ thể. Tư duy “doanh nghiệp” sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận thị trường. |
Tăng nguồn thu từ các sản phẩm, dịch vụ, đầu tư: xu hướng các trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông qua các hợp đồng với chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế... để tăng nguồn thu rất cần được đẩy mạnh. Việc kết hợp với thị trường không chỉ tăng nguồn thu mà còn tăng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của trường. Nhiều trường, như ở Anh, nguồn thu từ các hợp đồng, dự án nghiên cứu là một nguồn thu chính (các dự án, hợp đồng có được phải để lại một tỷ lệ phần trăm doanh thu nhất định cho trường). Không những thế, hiệu quả của nguồn thu này là một trong những chỉ tiêu quan trọng để định lượng và đánh giá tài trợ từ ngân sách của chính phủ hay chính quyền địa phương.
Đối với một số trường có một lượng tài sản nhất định như bất động sản, quỹ tiền mặt, bằng sáng chế... thì việc đầu tư với tiêu chí an toàn cũng là một nguồn thu bổ sung, thay vì để lãng phí nguồn lực.
Quỹ đóng góp: Một số trường với lợi thế nhất định, đã xây dựng được một mạng lưới các cựu sinh viên và nhà hảo tâm. Đóng góp của mạng lưới này không chỉ ở những giá trị hữu hình như khoản tiền đóng góp, mà còn có những giá trị vô hình lớn hơn như uy tín, sự kết nối, sự ủng hộ.
Kiểm soát chi: Giảm áp lực tài chính không chỉ ở việc tăng nguồn thu mà còn ở tối ưu hóa các khoản chi. Một số trường thực hiện việc giảm bớt giảng viên cơ hữu, tăng giảng viên thỉnh giảng, tối ưu hóa số lượng sinh viên trong một lớp, cũng như tiết kiệm tối đa các chi phí liên quan đến cơ sở vật chất, tài liệu học tập (thư viện điện tử chẳng hạn). Việc phân bổ các khoản chi được tính toán dựa trên các đánh giá định lượng, theo một số chỉ tiêu quan trọng, vì vậy tối ưu hóa nguồn lực của đơn vị.
Một số gợi ý cho Việt Nam
Các trường đại học ở Việt Nam chắc không nằm ngoài xu thế bị áp lực về tài chính, khi mà gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh chủ trương tự chủ đại học. Nếu không chuẩn bị, hoặc chuẩn bị không tốt, có thể xảy ra các cú sốc trong thời gian tới. Một số điểm mà người viết thiết nghĩ cần lưu ý ở cả vĩ mô và vi mô như sau:
Hoạch định chính sách của Chính phủ: thời gian qua, Việt Nam phát triển các trường đại học quá nóng. Mọi người đều thấy có một sự dư thừa nguồn cung từ các trường đại học trong khi thị trường lại thiếu hụt lao động lành nghề. Vì vậy, cần tính toán lại quy hoạch lao động có trình độ đại học trở lên (cần sự phối hợp liên bộ), dựa trên các dữ liệu và mô phỏng xác thực. Phải giảm và sắp xếp lại các trường đại học dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo nghề (vocational education).
Việc phân bổ ngân sách cho các trường cần được tính toán dựa trên các kết quả đầu ra được lượng hóa (như Israel). Việc xếp hạng các trường đại học là cần thiết, và công khai minh bạch trong việc cạnh tranh tiếp cận các nguồn tài trợ giữa các trường. Tuy nhiên, bậc đại học và sau đại học là nơi đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo các thành phần ưu tú của xã hội cho nên đây được coi như một dịch vụ công, và luôn cần có ngân sách tài trợ. Các ngành như nghiên cứu cơ bản, sư phạm, quốc phòng an ninh... thì ngân sách phải là nguồn thu chính.
Các chính sách về thuế, tín dụng nghiên cứu, theo hướng khuyến khích doanh nghiệp, thị trường hợp tác chặt chẽ hơn với các trường cần được khuyến khích. Khuyến khích người học suốt đời, có những trường đại học chuyên dành cho những người lớn tuổi khi nhu cầu học của họ vẫn còn (đây là xu hướng mới trên thế giới, khi nhiều người đến tuổi về hưu vẫn muốn học thêm một lĩnh vực mà lúc trẻ không có điều kiện theo học).
Kế hoạch thích ứng của từng trường: Mỗi trường có những đặc điểm riêng của mình nên mục tiêu và lộ trình cũng sẽ khác nhau trong việc tăng nguồn thu và kiểm soát chi. Tuy vậy, về cơ bản, các trường cần nỗ lực thi đua với nhau (trước mắt là trong nước, về sau có thể sẽ cạnh tranh trong khu vực).
Trước hết, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu nhằm được xếp hạng hoặc chứng nhận bởi các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế uy tín. Việc lượng hóa được các kết quả đầu ra sẽ là căn cứ để nhận được các tài trợ từ ngân sách, các hợp đồng với thị trường và sự lựa chọn của sinh viên/phụ huynh.
Tiếp đến, các trường cần hướng đến mô hình quản trị “giống” doanh nghiệp, nghĩa là có các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả cụ thể. Tư duy “doanh nghiệp” sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận thị trường. Trong hội đồng trường cần có đại diện từ phía chính quyền, doanh nghiệp một cách thực chất. Các vị trí quan hệ doanh nghiệp, quan hệ công chúng, mạng lưới cựu sinh viên cần được xem là một trong những vị trí quan trọng trong trường. Nhiều trường đại học trên thế giới hiện nay, các trưởng khoa không chỉ là người giảng dạy, nghiên cứu giỏi mà là người quản lý giỏi, kiếm được nhiều hợp đồng tài trợ về cho khoa, cho trường. Bên cạnh đó, cần hài hòa mục tiêu hiệu quả ngắn hạn và sứ mệnh lâu dài của trường.
Cuối cùng, việc quản lý chi phí của trường cũng cần dựa trên việc đánh giá kết quả đầu ra, tối ưu hóa các chi phi trong điều kiện hiện có. Chẳng hạn, hợp đồng làm việc cần được đánh giá lại hàng năm hoặc ba năm (trừ một số trường hợp ngoại hạng), tăng hợp lý tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng là người có kinh nghiệm thực tế, rà soát chi hợp lý cho cơ sở vật chất, phương tiện tài liệu hỗ trợ nghiên cứu, học tập và giảng dạy.
Bốn sức ép về tài chính với giáo dục đại học Hiện nay, hệ thống đào tạo sau phổ thông nói chung (tertiary) và đại học nói riêng ở rất nhiều nước đang chịu nhiều sức ép về mặt tài chính. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn của quản lý tài chính (nguồn thu và phân bổ), có thể đề cập đến một số nguyên nhân chính như sau: Số lượng đăng ký và chi phí bình quân cho một sinh viên tăng: Thống kê của Unesco cho thấy, tỷ lệ đăng ký học sau phổ thông trên toàn thế giới tăng từ 10% năm 1970 lên 35% năm 2014, ở Việt Nam là gần 2% (1976) tăng lên 31% (2014). Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của các trường đại học tăng dần theo thời gian với việc tăng lương, đầu tư mới trang thiết bị, công nghệ, và tăng đầu tư cho nghiên cứu khiến chi phí bình quân của một sinh viên ngày càng tăng. Rất ít trường đại học nào trên thế giới có thể cân đối được tài chính từ nguồn thu từ sinh viên, vì vậy áp lực tổng chi phí cho sinh viên ngày càng lớn. Nguồn ngân sách cho đại học ngày càng giảm: ngân sách chi cho giáo dục đại học có thể tăng về số tuyệt đối, nhưng về tỷ lệ thì có xu hướng giảm so với các khoản chi ngân sách khác. Nguyên nhân là vì nguồn lực ngân sách của các quốc gia có hạn, nhiều nguồn chi khác cấp thiết hơn như hạ tầng, y tế, giáo dục bậc phổ thông, an sinh xã hội, quốc phòng... được ưu tiên hơn. Bên cạnh đó, xu hướng khuyến khích tự chủ của các trường đại học, trong đó có tự chủ tài chính, buộc các trường phải linh hoạt hơn trong việc tìm nguồn tài chính, tăng dần các nguồn tài chính ngoài ngân sách. Toàn cầu hóa và kinh tế tri thức: giáo dục đại học được nhiều nước coi là một thị trường trong việc thu hút sinh viên quốc tế, vì vậy việc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt. Các trường dành một phần lớn chi phí cho việc nâng thứ hạng của trường trong các bảng xếp hạng, tăng đầu tư cơ sở vật chất, tuyển giảng viên và nhà nghiên cứu giỏi để thu hút sinh viên từ các nước khác đến. Trong khi đó, nỗ lực này ở nhiều nước là nhằm giảm bớt lượng sinh viên xuất ngoại. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các ngành nghề yêu cầu hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao hơn khiến các trường phải dần thay đổi chương trình học, kể cả thêm các môn học mới để thích ứng. Việc thay đổi này đòi hỏi tăng đầu tư vào trang thiết bị, phần mềm, nhân lực. Không những thế, sự phát triển của các chương trình học trên Internet, các khóa học MOOCs khiến áp lực cạnh tranh đối với các trường ngày càng tăng. Xu hướng phi tập trung hóa - quản trị theo mô hình doanh nghiệp: việc phi tập trung hóa trong giáo dục đại học không chỉ phân quyền quản lý giám sát mà còn cả về quản lý tài chính. Các trường trong bối cảnh mới được linh hoạt hơn nhưng phải chủ động trong việc quản lý tài chính, từ tìm nguồn thu (financing, gồm cả đi vay) đến phân bổ nguồn lực (budgeting). Cách quản lý tài chính hiệu quả là các trường phải theo mô hình doanh nghiệp, phải đặt hiệu quả là một chỉ tiêu quan trọng và tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán tài chính của thị trường (ví dụ hệ thống kế toán dồn tích - accrual accounting đối với các trường công). Tuy nhiên, tuyệt đối hóa quản trị trường đại học như doanh nghiệp cũng bị nhiều chỉ trích. Người quản lý, theo lý thuyết đại diện (agency theory), sẽ vì lợi ích của mình hơn là của tổ chức, các mục tiêu hiệu quả thường đặt ra trong ngắn hạn. Trong khi đó, mục tiêu và sứ mệnh của một trường đại học thường được xác định trong một thời gian rất dài. Vì áp lực các chỉ số đánh giá (KPI), một bộ phận những người làm nghiên cứu thuần túy sẽ cảm thấy không thoải mái, giảm hiệu quả làm việc, thậm chí bỏ qua các chuẩn mực trong nghiên cứu (trên thế giới đã có nhiều trường hợp giả mạo nghiên cứu vì áp lực công bố công trình khoa học). |
(*) Tiến sĩ, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, giảng viên IPAG Business School (Paris), Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE)
Theo Thesaigontimes.vn
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn