Bữa trưa chỉ có 1 miếng cá và rau muống: "Nhà trường đã thiếu thận trọng"

Thứ tư - 02/05/2018 04:19
Theo ý kiến của một số giáo viên, việc bố trí suất cơm trưa cho trẻ tiểu học chỉ có 1 miếng cá thu nhỏ và ít rau muống là thiếu cẩn trọng và chưa biết cân đối thu chi.

Nhà trường đã 'thiếu thận trọng'

Liên quan đến việc hôm 4/10, suất ăn trưa của các em học sinh tại Trường Tiểu học Điện Biên 2 (TP Thanh Hóa) chỉ vỏn vẹn có một ít rau muống và một miếng cá thu nhỏ cùng nước luộc rau trong veo, nhiều giáo viên đã bày tỏ ý kiến của mình xung quanh câu chuyện này.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - Giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (TP HCM). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ quan điểm với chúng tôi, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - Giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (TP HCM) cho biết: "Tôi cảm thấy khá bất ngờ về hình ảnh được cho là suất ăn trưa của trẻ em thành phố lại chỉ có vậy. Ăn như vậy thì không đủ chất và trẻ cũng không thể đủ no được.

Ở trường chúng tôi đã đặt suất ăn công nghiệp cho học sinh từ nhiều năm nay. Mỗi bữa ăn của trẻ thường sẽ có đủ 3 món: canh, mặn, xào và cuối cùng là món tráng miệng. Em nào cần ăn thêm thì bảo mẫu sẽ múc thêm cho các em".

Cũng theo thầy giáo Vũ Hoàng Sơn, nếu theo như lời chia sẻ của đồng chí Hiệu trưởng cho rằng, bữa ăn sau phải ăn món khác thì mới bù lại số tiền bị âm trong ngày 4/10, đây là một phát biểu mang tính “thiển cận”. Nếu khả năng của nhà trường không biết cân đối tài chính trong chi tiêu thì nên hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp.

Việc đặt suất ăn công nghiệp có nhiều lợi ích cho cả nhà trường và học sinh như: Tránh được nguy cơ cháy nổ nếu nấu tại trường. Nếu chẳng may xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhà trường không đủ khả năng để cấp cứu cho các em. Bên đơn vị cung cấp thức ăn sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, bên cung cấp suất ăn có bộ phận chuyên môn để lên thực đơn trong 1 tuần, phụ huynh có thể biết ngày hôm nay trẻ ăn món gì.

Nếu không đủ điều kiện, trường đừng tổ chức bán trú

Còn theo TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Nếu nhà trường chỉ đưa ra hai món ăn như thế, tôi nghĩ các em học sinh ăn sẽ rất khó khăn. Bởi, mỗi một người lại có một khẩu vị khác nhau. Một trường học mà đưa ra một thực đơn như vậy thì khó có thể đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

TS Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Ảnh tư liệu.

Tùy vào điều kiện của mỗi đơn vị, có những trường họ làm tới 6 - 7 món ăn để cho trẻ lựa chọn. Mỗi người sẽ có những món thích ăn và món không thích ăn. Tôi quan điểm nếu trường học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh thì bếp ăn phải là ở dưới dạng thức ăn tự chọn món (hay còn gọi là buffet) như vậy.

Một ngôi trường nếu không đủ điều kiện thì tốt nhất không nên tổ chức bán trú cho học sinh. Thực tế nhiều nơi cho thấy, chúng ta vẫn chưa thực sự coi trọng trẻ em trong chương trình bán trú, chủ yếu là coi trọng sự tiện lợi và thoải mái của phụ huynh. Đã ai tìm hiểu xem ở lớp trẻ muốn ăn gì và không muốn ăn gì hay chưa?".

Ngoài ra, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, dù điều kiện vật chất hay đóng góp có như thế nào thì suất ăn của trẻ cũng nên có từ 3 - 4 món chứ chỉ 2 món là chưa đủ. Vì nếu trẻ không ăn món này thì có thể lựa chọn món khác. Có trẻ không thể ăn được cá thì không lẽ bắt trẻ ăn cơm với rau thôi. Nếu phải học sinh nào bị dị ứng với cá (biển) thì nếu bắt ăn có thể sẽ có phản ứng ngộ độc, ai sẽ chịu trách nhiệm?

"Phần lớn trẻ em đều thích ăn thịt hơn là ăn cá. Trẻ bị ngộ độc từ cá nhiều hơn từ thịt. Dù biết cá rất tốt cho sức khỏe nhưng rất ít trường làm bán trú cho trẻ là dùng cá, chủ yếu do gia đình tự chế biến cho trẻ ăn ở nhà.

Nếu trẻ không thích ăn cá thì cũng không thể cố 'nhồi nhét' bắt trẻ ăn cá được. Mà giá cá cũng không rẻ, nhất là cá biển. Cách chế biến mỗi loại cá cũng khác nhau. Còn nếu là thịt thì có thể tìm ra 'mẫu số chung' rất nhanh. Trẻ rất thích ăn thịt băm, cà chua vì mềm, dễ ăn.

Vì thế, nếu đủ điều kiện thì các trường hẵng tổ chức bán trú cho học sinh. Khi làm thì có thể hợp đồng với bên suất ăn công nghiệp để đảm bảo các điều khoản liên quan về An toàn thực phẩm, nguồn gốc thức ăn...", TS Hương nói thêm.

Trao đổi với chúng tôi trong sáng nay (6/10), bà Phạm Thị Việt Nga - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho hay, hiện đơn vị này cũng đã nắm bắt được thông tin về bữa ăn trưa ngày 4/10 tại Trường Tiểu học Điện Biên 2.

Bà Nga khẳng định: "Lãnh đạo thành phố cũng đã thường xuyên có chỉ đạo tới các trường tổ chức bán trú cho học sinh trên địa bàn. Điều đầu tiên là phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hai là chế độ dinh dưỡng phải phù hợp với lứa tuổi học trò. Nếu chỉ nhìn thực đơn một bữa thì cũng chưa thể đánh giá được tổng thể. Việc lên thực đơn ở các trường thường sẽ có một vị hiệu phó phụ trách dinh dưỡng và tiến hành hàng ngày".

Cũng theo vị lãnh đạo TP Thanh Hóa, để đánh giá chế độ dinh dưỡng của học trò mầm non hay tiểu học thì cần căn cứ vào chiều cao, cân nặng và theo quá trình theo dõi cả y tế của học trò cả năm. Việc này cần phải xem xét kỹ trước khi đưa ra kết luận, không nên quy chụp hoặc có những bình luận một chiều.


Theo Việt Nam mới

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây