Đường đến trường sao mà gian nan quá!

Thứ tư - 30/01/2019 07:14
Hàng trăm chiếc bánh chưng của các thầy cô, những đồng lương ít ỏi mà thầy cô gom góp lại, dẫu đáng quý vô cùng nhưng cũng không thể giúp các em mãi.
Đường đến trường sao mà gian nan quá!

 

Bánh chưng là món bánh truyền thống không thể thiếu với mỗi gia đình người Việt vào dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, nhiều gia đình học sinh ở miền núi do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện làm bánh chưng vào ngày Tết.

Mong muốn các em có một cái Tết trọn vẹn, thầy cô nhà trường đã quyết định trích tiền lương, cùng tiền tiết kiệm của nhà trường để mua quà cùng thực phẩm về tự gói bánh chưng tặng các em.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Đình Chính, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Phong (xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) về nghĩa cử của những người “cõng chữ lên non” trong ngày cuối năm dường như khiến không khí Tết càng trở nên ấm áp, thân thương vô cùng.

Dù biết rằng vẫn còn nhiều tiếng thở dài quanh đồng lương nghề giáo, những tâm sự tủi buồn về thưởng tết giáo viên, thế nhưng, các thầy cô giáo ở miền núi, vùng sâu vùng xa vẫn hết lòng hết sức vì học trò, vẫn đau đáu lo lắng cho các em. Gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, lá dong… tất cả  đều do bàn tay các thầy cô sắm sửa, gói ghém với niềm vui và cả sự háo hức, mong các em có một cái Tết đủ đầy hơn.

Có điều, sau những bàn tay vun vén của các thầy cô, sau những ánh mắt thơ ngây lấp lánh của trẻ nhỏ… lại để lại rất nhiều trăn trở, suy nghĩ cho những người làm báo.

Mới cách đây không lâu, một bài viết của tác giả Dương Phong trên báo Dân trí kể lại rằng, sau khi chứng kiến cảnh học sinh bắt chuột đồng về làm thịt, bữa trưa chỉ có cơm trắng với muối ớt rừng, những thầy cô giáo của xã vùng cao Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long - Đắk Nông đã phải lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ cho học trò.

Có một thực tế mà chỉ các thầy cô mới cảm nhận rõ nhất về nỗi gian nan trên con đến trường của trẻ em ở nhiều địa phương nông thôn, miền núi xa xôi: Với không ít gia đình ở đây, việc để con cái đi học không những là gánh nặng về kinh tế mà còn mất đi một lao động trong nhà. Những đứa trẻ được đến trường phải lựa chọn cuộc sống tự lập, tá túc ở những căn nhà dựng tạm, tự nấu ăn và kiếm thức ăn trong suốt cả một tuần học.

Theo chia sẻ của cô Sầm Thị Dung, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bế Văn Đàn: “Các thầy cô giáo ở đây đều nhận thấy rằng, vận động các em đến trường thôi là chưa đủ, chỉ khi các em no bụng thì mới yên tâm đi học. Dù hiện tại chúng tôi chỉ đủ tiền giúp các em một bữa/tuần, nhưng đó là cách thực tế nhất để giữ chân các em ở lại trường”.

Thành ra, các thầy cô bên cạnh nhiệm vụ mang con chữ, kiến thức đến với học trò còn phải làm vô vàn những công tác khác của những nhà hoạt động xã hội, những cán bộ dân vận và cả làm từ thiện. 

Dẫu biết công cuộc xoá đói giảm nghèo không thể thực hiện ngày một ngày hai, và cũng chẳng thể đòi hỏi người người, nhà nhà phải chung tay làm từ thiện. Thế nhưng, thật khó cầm lòng trước những nỗi trở trăn về bữa cơm ngày Tết của các cháu nhỏ, trước nỗi lo cơm áo gạo tiền níu chân cơ hội đến trường của con em miền núi…

Hàng trăm chiếc bánh chưng của các thầy cô, những đồng lương ít ỏi mà thầy cô gom góp lại, dẫu đáng quý vô cùng nhưng cũng không thể giúp các em mãi. Sự đổi đời của các em phải đến từ sinh kế cho bố mẹ các em, là cơ sở vật chất cho các em học hành và là sự yên tâm của các thầy cô trên bục giảng…

Những điều đó, không thể làm được chỉ với trái tim các thầy cô giáo…

 

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin: Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây