Nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu
Trung tuần tháng Giêng, những hạt mưa tí tách kéo dài xen lẫn những cánh rừng đang đâm chồi nảy lộc trên Đồn Biên phòng Hương Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Đón chúng tôi tại bến đò để bắt đầu chuyến hành trình là Thượng tá Đinh Văn Minh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Quang trên cung đường 27 km đường sông và 10 km đường bộ từ bến đò lên doanh trại đồn.
Ngồi trên chiếc thuyền máy 40 người, do Đại uý Trần Văn Hải cầm lái băng băng lướt nhanh rẽ những con nước trên khu vực lòng hồ thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang, nơi đồn đang đứng chân, chúng tôi có thể thỏa sức đắm mình giữa cảnh sắc núi rừng hùng vĩ dọc hai bên bìa rừng ở miền biên viễn.
Hết con đường sông, tạm dừng chân nơi trạm đơn vị đóng quân, uống vội một bát chè xanh, chúng tôi lại tiếp tục vác ba lô cùng các chiến sĩ hành quân dọc theo đường mòn nhỏ, cây cối um tùm, hoa lau nở trắng ngàn vươn mình trong gió sớm.
Cùng đi với chúng tôi còn có Trung tá Nguyễn Văn Lương, Trưởng ban Tuyên huấn BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, người đã có nhiều năm gắn bó với đồn. Vừa đi anh vừa giới thiệu “Hương Quang là đồn biên phòng có nhiều khó khăn nhất trong hệ thống đồn, trạm biên phòng ở Hà Tĩnh. Các anh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới có chiều dài 46,6 km đường biên với 14 cột mốc (từ 484 đến 497) trên tuyến biên giới tiếp giáp huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhamxay (Lào). Khó khăn lớn nhất đối với Đồn Biên phòng Hương Quang đó là địa bàn biên giới dài, rộng nhưng đường giao thông và phương tiện thông tin hết sức khó khăn, khu vực biên giới lại có mỏ vàng nên thu hút nhiều tội phạm lén lút hoạt động. Để đến được cột mốc quốc gia, cán bộ, chiến sĩ phải mất nhiều thời gian trèo đèo, lội suối, ăn ở trong rừng sâu, núi thẳm.
Để phục vụ dự án thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang, người dân 2 xã Hương Quang và Hương Điền phải di dời tới khu tái định cư.
Đồn Biên phòng Hương Quang cũng phải di dời ra sát biên giới, đóng quân ở vị trí mới đặc biệt khó khăn với biệt danh “4 không”: không dân, không điện lưới, không sống điện thoại, không đường giao thông.
Có đến đây để tận mắt chứng kiến nỗi gian lao của các anh, chúng tôi vô cùng cảm phục và hiểu hơn giá trị của hòa bình, hạnh phúc mình đang được hưởng. Các anh là niềm tin, là điểm tựa lòng dân nơi biên giới.
Những ý thức về nhiệm vụ vinh quang và tinh thần xả thân vì Tổ quốc đã trở thành máu thịt của mỗi người lính nơi đây.
Các anh thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng.
100% cán bộ, chiến sỹ đều xác định tốt trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đội quân chiến đấu và đội quân công tác
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm chế độ sẵn sang chiến đấu, bảo vệ an toàn đường biên, cột mốc; cán bộ, chiến sĩ Đồn Hương Quang còn là một đơn vị hoàn thành xuất sắc chức năng của một đội quân công tác.
Chính trị viên Đinh Văn Minh nói với chúng tôi khi ngồi trên thuyền máy chạy luồn lách giữa lòng hồ Ngàn Trươi và Vườn Quốc gia Vũ Quang: “Chỉ tính riêng năm 2018, ngoài việc tham gia hàng chục đợt tuần tra bảo vệ rừng, đơn vị đã góp phần ngăn chặn, xử lý hàng trăm vụ vi phạm lâm luật, khai thác vàng, đánh bắt cá trái phép…. Ngoài ra còn tích cực đồng hành cùng xã Hương Quang cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới”
“Hiện tại Đồn có 45 người, đơn vị đã cắm 6 đồng chí tại xã địa bàn Hương Quang nhằm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như giúp đỡ chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế xã hội”, Đồn trưởng Đoàn Đức Long cho biết thêm.
Dạo quanh trại tăng gia của đồn, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là ở địa bàn đồn đóng chân này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thổ nhưỡng pha cát, đá sỏi nhiều, khí hậu khắc nghiệt bởi ảnh hưởng của gió Lào nên hanh khô.
Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ đều khắc phục khó khăn, cải tạo đất trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống bộ đội.
Bắt chuyện với một đồng chí đang vội vã cùng các chiến sỹ khác đang mang dụng cụ lao động đi qua. Hỏi chuyện, mới biết đó là Trung uý Trần Văn Hà, Đội trưởng tham mưu hành chính kiêm kế hoạch tổng hợp.
Đội trưởng Hà tâm sự: “Giờ tăng gia sản xuất không những là quy định, mà còn là thói quen của chúng tôi. Bước vào khu tăng gia rau xanh, nhìn thấy thành quả do mình làm nên, ai cũng thấy phấn khởi, quên hết mệt mỏi của một ngày”.
Trong điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, nắng lên thì hạn, mưa xuống thì ngập, để đảm bảo đầy đủ, kịp thời và giảm thiểu được lương thực đưa từ ngoài vào, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nghiên cứu các tài liệu, áp dụng trồng và chăn nuôi thử nghiệm để đúc rút kinh nghiệm từ thực tế phù hợp điều kiện khí hậu.
Nói về những khó khăn khi tìm mô hình phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, Thiếu tá Đồn trưởng Đoàn Đức Long cho chúng tôi biết, để cải tạo đất đai, thay đổi thổ nhưỡng vùng này, cán bộ, chiến sĩ phải khoanh vùng, tăng gia chở đất phù sa ở những nơi khác đổ vào vườn.
Trồng cây phải kịp thời vụ, có những loại cây phải xuống giống sớm hơn so với thời vụ để tránh mùa nắng nóng lên, nuôi gia súc, gia cầm cũng vậy, phải biết “né tránh” thiên nhiên, khí hậu thất thường nơi đây mới mang lại hiệu quả tốt.
Thiếu tá Long cho biết thêm, quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi phù hợp, đa dạng hóa cây trồng và vật nuôi, hiện nay, đơn vị có khu tăng gia tập trung được cán bộ, chiến sĩ sửa sang lại chuồng chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò, lợn, trên 200 con ngan, gà, vịt…; xây dựng vườn rau tại đơn vị; tiến hành trồng mới các loại cây ăn quả như 50 gốc chuối, 100 gốc ổi đài loan…
Triển khai thay phiên, đổi hạt tại vườn rau; trồng sắn, ngô, khoai lang, đậu tại khu tăng gia tập trung mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng định lượng bữa ăn của bộ đội, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì, quản lý tốt lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão.
Không khí đầu xuân đang rộn ràng trên mọi nẻo đường, vùng quê và trong từng ngôi nhà. Với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Hương Quang, mùa xuân cũng đang hiện diện trong niềm tin, ánh mắt, nụ cười, vì mục tiêu cao cả bảo vệ bình yên biên giới.
Cũng giống như núi rừng sừng sững nơi đây, các anh luôn can trường trong mưa gió, nắng gắt, vững tay súng canh giữ biên cương cho quê hương rộn rã vào xuân.
Tạm biệt những người lính biên phòng, chúng tôi lên đường trở về nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt, mang theo những xúc cảm dâng trào.
Trên con đường từ đồn trở về xuôi, rời xa địa thế hiểm trở tôi càng thấy tự hào vì có các anh - những chiến sĩ “thép” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ một vùng biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Trần Phong