Đội xung kích 'ép' nước về đồng

Thứ tư - 13/06/2018 16:02
Để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho người dân sản xuất vụ HT 2018, đặc biệt là các địa phương cuối kênh, vùng đất cao cưỡng, các cán bộ thủy nông ở Hà Tĩnh phải túc trực 24/24h để vận hành hồ chứa, trạm bơm và hệ thống kênh đưa nước đến chân ruộng.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, lượng mưa trên địa bàn trong năm 2017 và đầu năm 2018 nhiều nên hiện tại mực nước tại các hồ đập lớn trên địa bàn tỉnh đều đang có dung tích phổ biến từ 70 - 95% so với thiết kế, cơ bản đủ nước tưới cho sản xuất vụ HT 2018.

15-47-36_1 15-47-36_2
Mực nước tại các hồ đập lớn đang dồi dào, đủ để tưới vụ HT (Ảnh: NN)

Cụ thể, hồ Kẻ Gỗ mực nước đang ở cao trình 29,35/32,5m, so với thiết kế đạt 74%; hồ Sông Rác ở cao trình 22,16/23,2m, đạt 87,3%; hồ Thượng Tuy 23,3/24,5m, đạt 95%... Những hồ chứa vừa và nhỏ có dung tích đạt phổ biến từ 70 - 85% so với dung tích thiết kế.

Vụ HT năm nay có nhiều thuận lợi về nước tưới; nắng nóng, hạn hán được dự báo không gay gắt kéo dài. Tuy nhiên để hỗ trợ nông dân SX đạt hiệu quả cao nhất các Cty thủy lợi vẫn phải chủ động các phương án chống hạn cụ thể cho các vùng tưới.

Cty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phụ trách 32 hồ chứa và 4 đập dâng, thực hiện nhiệm vụ điều tiết, tưới tiêu cho 21.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện, thành phố, thị xã. Những năm trước vì lý do một số hệ thống kênh do địa phương quản lý không nạo vét; xây dựng đầu kênh thấp, cuối kênh cao dẫn đến tình trạng “thượng điền tích thủy, hạ điền khan” nên không ít người dân phàn nàn việc thiếu nước sản xuất.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Cty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh thừa nhận là có tình trạng một số diện tích cuối kênh của xã Thạch Trị, Thạch Lâm, Thạch Tiến (huyện Thạch Hà); Cẩm Dương, Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên); Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hạ, Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh)... khó khăn trong vấn đề nước tưới vụ HT.

Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm, nguyên nhân chủ yếu là do thời vụ sản xuất ở các địa phương đó không đồng bộ, nơi gieo cấy sớm, nơi gieo cấy muộn dẫn đến việc điều tiết khó khăn. Thời vụ SX HT ở Hà Tĩnh ngắn, áp lực lớn, trong khi nhiệt độ cao, nước tưới bốc hơi nhanh nên để vận hành đổ nước một lần là rất khó.

Ngoài ra, ý thức của người sản xuất có phần hạn chế, đầu kênh không nhường cuối kênh; không đắp bờ giữ nước; tình trạng vứt rác trên kênh gây ách tắc dòng chảy về cuối kênh...

“Thực ra một số diện tích cuối kênh, cao cưỡng nên chuyển sang trồng các cây trồng khác nhưng vì người dân không mặn mà làm nông nghiệp nên vẫn gieo cấy lúa. Chúng tôi mong chính quyền các địa phương tuyên truyền, định hướng người dân lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết từng vùng, từng vụ SX cụ thể để đảm bảo công sức dân bỏ ra không bị lãng phí”, ông Sơn nói.

15-47-36_3
Hệ thống máy bơm sẽ hỗ trợ nước tưới tại một số diện tích cuối kênh, cao cưỡng  (Ảnh: NN)

Trao đổi với PV NNVN về giải pháp khắc phục thực trạng trên, ông Sơn cho biết, ngay từ đầu năm 2018 Cty đã xây dựng nhiều phương án để điều tiết nước tưới vừa đảm bảo hiệu quả vừa tiết kiệm. Cụ thể, tổ chức lực lượng ra quân nạo vét kênh mương; sửa chữa, nâng cấp một số tuyến kênh hư hỏng, xuống cấp; đồng thời, thành lập đội xung kích “ép” nước đến vùng khô hạn, bổ sung cho diện tích thiếu nước.

Ví dụ, khi nguồn nước hồ Thượng Tuy tưới cho vùng Cẩm Thịnh, Cẩm Hà, Cẩm Sơn - huyện Cẩm Xuyên bị hạn, Cty sẽ vận hành “ép” nước của Sông Rác và một phần hồ Kẻ Gỗ tưới chống hạn cho vùng này.

Giải pháp thứ 2 là dùng nước hồ Kẻ Gỗ tưới cho diện tích do các hồ nhỏ cấp xã quản lý; chuyển nước từ hồ Đá Bạc, Đá Hàn bổ sung cho đuôi kênh sông Tiêm; hồ Nước Đỏ bổ sung cho kênh sông Tiêm, Khe Táy...

Đảm bảo nước tưới cho 44.000ha lúa hè thu

Ông Trần Duy Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho rằng, để đảm bảo đủ nước tưới cho hơn 44.000ha lúa HT, trước hết, các Cty, địa phương cần tổ chức rà soát, đánh giá, cân đối nguồn nước thực tế ở các hồ đập, sông suối của từng vùng, từng khu vực để xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Đồng thời, xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, diện tích vùng không chủ động nước thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ngoài việc tổ chức nạo vét, sửa chữa kênh mương thì các Cty cũng cần xây dựng kế hoạch lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm tận dụng nguồn nước hồi quy và nguồn nước từ các kênh, lạch, ao hồ như trục tiêu Xô Viết, trục tiêu Cẩm Huy (Cẩm Xuyên)... khi cần thiết để chống hạn. Đối với những hạng mục công trình phải thi công trong thời gian mở nước tưới, cần có biện pháp phù hợp vừa đảm bảo tải nước phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo tiến độ...

 
 

Tác giả bài viết: NGUYỄN NGA - VĂN DŨNG

Nguồn tin: Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây