Giấc mơ của người đàn bà kỳ lạ

Thứ bảy - 03/06/2017 16:00
(Hatinhnews)- Chẳng thể ngờ là “ở nơi không dành cho đàn bà” như đỉnh Pha Đin, Sơn La, lại có… phụ nữ. Chỉ có điều đó là một người phụ nữ hết sức kỳ lạ, quê gốc Hà Tĩnh.

Đổi tuổi xuân lấy màu xanh đỉnh đèo
 
Cuộc rượu thâu đêm với pho sử Dị trên đỉnh Pha Đin tôi được nghe kể về một người đàn bà kỳ lạ. Một người mà ông bảo ghê gớm lắm: “Không sợ trời, không sợ đất chỉ sợ Pha Đin không giữ được màu xanh. Ở độ cao ngút trời này mà nó lại dám “thân gái một mình” để trồng rừng”.

Nhưng đến lúc gặp, người phụ nữ ngồi trước mặt tôi chẳng có gì “ghê gớm” như ông Dị nói cả. Đó là một người phụ nữ 36 tuổi, xinh đẹp và có lối nói chuyện đâu ra đấy. “Tên Trần Thị Thanh, quê ở Hà Tĩnh lên đây vì tình yêu với Pha Đin”. Thanh bắt đầu câu chuyện một cách gọn gàng như thế.

Tôi xin phép được gọi chị là người phụ nữ gan lỳ. Chẳng gan sao được khi nghe chị kể rằng hơn chục năm về trước đỉnh Pha Đin hoang vu này chỉ có một mình chị và…sên. Ngày đó Thanh còn là một cô gái đầy sức sống, có trong tay nhiều điều bất cứ người phụ nữ nào cũng phải mơ ước. Tuổi trẻ, sắc đẹp, tiền bạc, gia đình… Quê chị ở Hà Tĩnh nhưng cả nhà chuyển ra TP Sơn La làm ăn. Đang yên vị ở một Cty kinh doanh thì đùng một cái Thanh báo tin cho gia đình là mình lên sống ở… đỉnh đèo. Bà Điểm, mẹ Thanh nghe xong như muốn quỵ. Còn cậu em trai đang học đại học ở Hà Nội vội vàng nhảy xe về nằng nặc bắt gia đình đưa bà chị của mình đi xem bói thử có bị ma làm không. Nhưng đã quá muộn. Khi Thanh thông báo với gia đình thì chị đã hoàn tất thủ tục mua lại đất trên đỉnh đèo của một cán bộ về hưu.

Chị Trần Thị Thanh

“Có hai lý do để tôi đến với đỉnh Pha Đin. Thứ nhất, con đèo này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nơi ngã xuống của nhiều bộ đội. Tôi yêu hình ảnh người bộ đội. Bố tôi cũng là bộ đội nên tôi xem nơi đẻ ra hình ảnh “anh gánh chị thồ” trong thơ Tố Hữu hết sức thiêng liêng. Muốn làm một cái gì đó cho con đèo lịch sử. Thứ hai là vì tôi lãng mạn. Thích cuộc sống giữa ngàn mây hư hư thực thực này”.

Ngày Thanh lên, gia tài là một túp lều cỏ tranh và vài con bò thả rong làm vốn. Sương muối, rét cắt cộng với lũ sên dày như tấm rải ở các cánh rừng khiến đàn bò của chị chỉ làm bạn với chủ được vài tháng rồi rủ nhau chết sạch. Chưa hết, mấy lần cuốc nương xong chị ngủ lại lều. Sáng ra hai bắp chân chi chít đám sên no máu không buồn nhả. Khóc chẳng ai nghe, la hét mãi cũng khản giọng. Thanh quệt nước mắt, tẩm nước bọt xoa lũ sên xong phải chạy xuống chân đèo mua thuốc uống. Gặp ông chủ tịch xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) khi ấy, chị còn được khuyên: “Mày về đi. Không thành công được đâu. Con gái có thì, mày sẽ chôn vùi hết ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy thôi con ạ”.

Cứ tưởng sau đận ấy, người phụ nữ có thân hình mảnh khảnh như chính cái tên của mình sẽ bỏ cuộc. Nhưng không, lũ sên không thể làm Thanh nhụt chí. Chị tin rằng đỉnh Pha Đin sẽ không bạc đãi với lòng thành. Và cái cách đối phó của Thanh với sên cũng lạ lắm. Lũ sên hút máu nên chị chuyển sang trồng cây với suy nghĩ “chỉ có cây mới không bị sên cắn, mới chống chịu nổi với thời tiết khắc nghiệt ở đỉnh đèo”. Thế mà thành công. Ban đầu là những cây ngắn ngày như ngô, sắn… Vừa giữ đất, vừa có tiền để tiếp tục giấc mơ. Khi ngô sắn đã đủ để duy trì cuộc sống, Thanh bắt đầu đi trồng thông. Một tay người phụ nữ ấy lật từng viên đá nhan nhản giữa rừng lau lách. Thỉnh thoảng Thanh còn nhặt được cả…vỏ đạn. Cây thông trồng trên đất đá đỉnh đèo mất gấp đôi thời gian bình thường để lớn. Đã có lúc chị nhìn cây thông còi cọc rồi rơi nước mắt thương cho thân gái. Nhưng hình ảnh người bộ đội, giấc mơ đỉnh Pha Đin lại thôi thúc vượt lên.
 
Đất không phụ lòng người. Cây èo uột mãi rồi cũng lớn. Trớ trêu khi cây thông vừa nhô lên khỏi những tảng đá thì một mối đe dọa khác lại ập đến. Cháy. “Xung quanh đỉnh đèo chủ hầu hết là người Mông. Họ thích sống cao và đốt nương làm rẫy. Không ít lần đám thông của Thanh họa lây từ những lần đốt nương của đồng bào. Lại phải đi vận động, xin dân bản đừng phát nương cạnh đỉnh đèo…”. Thanh lắc đầu nhớ lại.

Mảnh đất hoang sơ cứ thế xanh dần, đến lúc trong tay người phụ nữ này có vài chục ha rừng trồng thì mới ớ ra mình đã là…tỷ phú. “Phải. Tôi có tiền tỷ. Nhưng với điều kiện là bán hết khu rừng đỉnh đèo này cho một người khác. Còn hiện trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ. Bao nhiêu tiền của làm ra tôi đều đổ hết vào đỉnh Pha Đin này rồi. Có cả những ông chủ nước ngoài muốn mua lại khu này với giá gần 3 tỷ đồng. Nhưng nói thật, tôi chẳng bao giờ bán mảnh đất đã lấy đi của tôi tất cả. Tình yêu, tuổi trẻ, sắc đẹp và rất nhiều tiền bạc”.

Tình yêu Pha Đin

Truyền thuyết về đèo Pha Đin có một cuộc tranh giành giữa tỉnh Lai Châu cũ và Sơn La. Chẳng thể ngờ đến tận hôm nay cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Chẳng biết họ giành nhau khu đất tiền tỷ hay giành cô gái kỳ lạ tên Thanh. Chỉ biết rằng toàn bộ khu đất rừng rộng hơn 200 ha của Thanh một nửa thuộc Sơn La, một nửa thuộc Điện Biên. Mọi chuyện chưa rõ ràng, nhưng Thanh bảo với tôi rằng chị vẫn tiếp tục thực hiện giấc mơ. Giấc mơ về một Pha Đin không bê tông cốt thép. Giấc mơ biến đỉnh đèo thành một Sa Pa thứ hai. Tôi tỏ ý lo ngại về vấn đề kinh tế thời buổi bây giờ chỉ quyết tâm thì không đủ. Đến lúc này chị mới “khai” rằng mình đã từng phải giấu mẹ mang mấy chỉ vàng của gia đình đi bán. “Khó khăn? Tất nhiên. Nhưng tôi không chấp nhận những sự cộng tác chỉ vì tiền. Tôi muốn tìm một địa chỉ có chung tình yêu Pha Đin với mình. Tôi đối với nơi này chỉ có một thứ duy nhất: Đó là tình yêu”. Với một người đã bỏ phí cả tuổi xuân và hạnh phúc ở nơi này thì tôi tin rằng những lời ấy chắc chắn xuất phát tận đáy lòng.

 

Hơn chục năm lăn lộn ở đỉnh đèo Thanh phát hiện một thứ mà chị gọi là “kho báu”. Đó là những cây phong lá đỏ mọc ở ngọn núi trên đỉnh đèo. Loài cây quý là biểu tượng đất nước, quốc thụ của Canada. Chị tìm được chúng trong những lần đi rừng và hiện đang mơ ước nhân rộng để tạo thành “Rừng thu cấm” ngay trên đỉnh Pha Đin. “Các thế hệ cha ông đã làm nên một Pha Đin huyền thoại thì chẳng có lí do gì để mình không yêu nơi này”.

Thanh từng một lần thất bại trong tình yêu. Đó là khi gia đình anh chàng người yêu là một kỹ sư nông nghiệp chê nhà chị nghèo, là gia đình nông thôn. Nhưng chị cũng nói rằng chính vì được sinh ra ở nông thôn mới giúp chị đứng vững ở ngọn đèo khắc nghiệt này. Có lẽ đó cũng là một phần khiến người đàn bà có gia tài tiền tỷ này…sợ tiền. “Đồng tiền nhũng nhiễu ghê lắm. Tôi sợ nó và sợ luôn những người muốn hợp tác đầu tư. Sợ rằng một ngày họ sẽ vì lợi nhuận mà phá vỡ Pha Đin như tôi mơ ước”.

Hiện người đàn bà này đang trồng chè. Điều mà chưa một ai ở đỉnh đèo này nghĩ tới. Chị trồng đơn giản chỉ muốn người dân ở các bản xung quanh bắt tay cùng nhau xây dựng thương hiệu “chè Pha Đin”. Hóa ra trong sâu thẳm “người phụ nữ gan lỳ” này có nhiều dự định hơn tôi tưởng. Trồng chè chỉ là một phần nhỏ trong dự án quy hoạch Pha Đin màu xanh.

Dân bản cũng đã quá quen với người con gái mãi tận miền Trung xa xôi xuất hiện ở cái nơi “không dành cho đàn bà” này. Mỗi lần chị xuống bản họ quý như…cán bộ.

Chia tay tôi, Thanh rút từ đống giấy tờ cũ nát ra một bài thơ mà chị viết từ những đêm mòn mỏi một mình trong túp lều ở đỉnh đèo này. Bài thơ có tên “Tình yêu Pha Đin” với rất nhiều tâm sự:

Pha Đin ơi nơi gặp gỡ giao thoa giữa trời và đất

Nơi con người gặp gỡ cỏ cây

Gửi vào đây lòng người con gái trẻ

Sức vóc mình mang nặng gánh tương lai

Chị còn nói sẽ viết tiểu thuyết. Tôi chợt nghĩ, riêng đời người đàn bà cũng đã là một cuốn tiểu thuyết quá hay rồi.
 
Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây