Trước đây, nhiều lần người dân địa phương đã san lấp mặt bằng nhưng riêng phần đất khu vực giếng thì cứ lấp lại sụt lún. Cũng vì sự đặc biệt mà theo thời gian xuất hiện khá nhiều câu chuyện đồn thổi.
Chữ cổ khắc trên thành giếng
Những lời đồn đoán kì bí
Về trung tâm xã Bá Hiến, hỏi giếng cổ, một cụ già khoảng 70 tuổi mách: “Các chú cứ đến nhà ông Bồng tìm hiểu. Giếng của nhà ông đó thiêng lắm”. Qua câu chuyện mở đầu, tỉ tê về sự kỳ bí của giếng vuông cổ, ông Nguyễn Viết Bồng, 65 tuổi, làng Bá Hương cho biết, thực ra chưa ai biết chắc chắn giếng cổ có từ khi nào. Chỉ biết là khi ông sinh ra, những chiếc giếng đã xuất hiện. Hỏi các thế hệ đi trước thì họ cũng lắc đầu không nhớ. Giếng quanh năm đầy nước, trong vắt nhìn thấy cả đáy. Khi chúng tôi hỏi về các tích chuyện kỳ bí liên quan đến những chiếc giếng của làng, ông ngập ngừng tiết lộ: “Nhiều lắm nhưng kể ra sợ các chú không tin thôi”.
Ông Bồng kể: “Năm 1951, khi đó tôi 4 tuổi, ra giếng câu cá. Do sơ ý nên trượt chân ngã nhào xuống giếng và ngâm mình dưới đó 2 tiếng đồng hồ. Không hiểu sao khi ngã xuống, đầu mình lại đè lên một phiến đá êm như một chiếc gối bông. Đúng lúc đang đối mặt với thần chết thì may mắn có một người phụ nữ đi qua. Cô ấy nhìn thấy tôi đang nằm dưới làn nước liền vớt lên. Có lẽ, không có người đó thì giờ đây tôi chẳng thể ngồi nói chuyện cùng các anh rồi. Khi tôi tỉnh lại, bố mẹ hỏi ai cứu lên tôi liền kể lại câu chuyện. Tuy nhiên không ai tin cả”.
Sau đó, gia đình ông Bồng đã dựng miếu thờ tại gần chiếc giếng thần này, tuy nhiên, ba năm trước, không hiểu trời xui đất khiến như thế nào mà em trai ông Bồng phá bỏ miếu. Mấy hôm sau, ông Bồng liên tục gặp ác mộng. Có hôm, ông đang ngủ, nghe thấy tiếng giọng phụ nữ gọi tên í ới ngoài cổng, khi ông ra cổng thì không thấy ai. Một ngày mùa hạ, ông Bồng tỉnh giấc, ra sân đứng hóng gió thì nhìn thấy bóng người con gái tóc dài, mặc áo trắng đứng ngay cạnh giếng. Ông lại gần thì cô gái đó bỗng biến mất?! “Thấy đây là giếng thiêng và điềm lành nên gia đình tôi phải dựng lại miếu thờ này trước cửa nhà”, ông Bồng nói.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thúy, thôn Bá Hương cho biết, cách đây khoảng 20 năm, ông phát hiện ở khu vực giếng có một đốm sáng loá phát ra từ đáy giếng. Khi ông cùng mọi người ra tận nơi thì vệt sáng đó tắt lịm, không còn một dấu tích. Sau đó, ông Thúy kể câu chuyện này với các cụ trong làng thì mọi người cho rằng đó chỉ là ảo giác.
Tuy nhiên, lúc đó, mọi trong làng truyền tai nhau câu chuyện vào nửa đêm thường thấy xuất hiện một người phụ nữ mặc quần áo trắng đi từ giếng ra. Nhiều người còn khẳng định đã tận mắt chứng kiến người phụ nữ lạ kỳ đó. “Có dạo, chúng tôi đi làm đồng vào lúc tờ mờ sáng. Từ đằng xa, xuất hiện thấp thoáng một bóng người mặc quần áo trắng, xõa tóc đi từ giếng ra bờ ao của làng. Sau lần ấy, chẳng ai còn dám đi qua khu vực giếng lúc mờ sáng”, chị Hương ở thôn Bá Hương kể với vẻ mặt thất thần.
Lần theo dấu vết của những câu chuyện kỳ bí đằng sau chiếc giếng thiêng đó, chúng tôi được biết, trước kia, khu vực này là một vùng đất hoang, cây cối rậm rạp. Việc đi lại của người dân ra khu vực này rất khó khăn. Dần dần, dân cư mở rộng, các khu vực quanh giếng đã thuộc đất đai các hộ dân trong làng. Tuy nhiên, theo lời kể của một vài người dân nơi đây, khi họ san lấp đất mặt bằng, làm đủ mọi cách nhưng vẫn không thể lấp giếng được. Có gia đình thuê người đổ đất lấp giếng, ngay ngày hôm sau, khu vực giếng lại sụt lún, tạo thành hố sâu hun hút. Sau đó, nhà này phải khơi lại giếng. Vừa khơi lên, nước giếng lại đầy và trong vắt.
Ông Bồng thoát chết trong cái giếng này khi lên 4 tuổi
Giếng cổ khai đào từ thời vua Hồng Đức
Các cụ cao niên nơi đây kể lại, thời phong kiến, xã Bá Hiến thuộc tổng Bá Hạ. Dân cư phân bố theo 7 làng tiếp giáp nhau nên còn gọi là 7 làng Kẻ Bả. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước cắt làng Bắc Kế (tổng Bắc Kế, xã Thiện Hiệp) và một số trại ấp của chủ Cự cùng với làng cũ Bá Hạ thành xã Bá Hiến bây giờ. Bá Hiến cũng được coi là vùng đất có lịch sử văn hóa đa dạng với nhiều đình, đền có giá trị lịch sử. Đặc biệt nhất, ở Bá Hiến còn lưu giữ hơn chục chiếc giếng đá cổ và đều là giếng vuông.
Người dân làng Thích Trung (xã Bá Hiến) truyền miệng nhau rằng, các giếng đều là những giếng do người Tàu để lại vì trên thành giếng có khắc chữ Tàu. Tuy nhiên, theo những nhà nghiên cứu thì giếng cổ Bá Hiến được đào từ thời thời vua Hồng Đức. Trong đó, chiếc nhiều tuổi nhất là là giếng chùa Giao San làng Thích Chung và làng Bá Hương. Chúng được khai đào năm Hồng Đức 1490 (Hồng Đức nhị thập thất niên) còn khá nguyên vẹn từ tang giếng đến lòng giếng.
Theo quan sát của PV, cấu trúc các giếng đá ở xã Bá Hiến đều tương tự nhau. Không giống như các vùng quê Bắc Bộ, giếng thiêng được thiết kế theo hình vuông, tang giếng (thành giếng) được ghép với nhau bằng bốn phiến đá sa thạch hình chữ nhật. Đá được xếp khít dựng đứng liên kết bằng các vết cắt vát và tạo lỗ mộng liên kết mà không cần đến vôi vữa. Trông xa, người ta tưởng như giếng đứng độc lập. Tuy nhiên, khi để ý kỹ, nó lại là một chỉnh thể hoàn chỉnh rất quen thuộc tại các làng quê Việt Nam. Đó là cây đa - giếng nước - sân đình.
Giếng chùa Giao San khắc dòng chữ Hồng Đức nhị thập thất niên - Canh Tuất thập nguyệt thập ngũ nhật (tức ngày 15 tháng 10 năm Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21). Trên các tấm đá thành giếng còn có nhiều vết lồi lõm. Theo một số chuyên gia về lịch sử, đó là vết tích của đoàn quân nước Nam mài dao, kiếm đánh giặc để giữ làng từ nhiều đời trước. Tại giếng Bá Hương, tang giếng ở phía Đông Bắc khắc dòng chữ Hồng Đức nhị thập thất niên Canh Tuất thập nguyệt tam thập nhật khởi tạo (tức ngày 30 tháng 10 năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21). Còn giếng nhà ông Nguyễn Viết Bồng (Bá Hương) có dòng chữ Bính Ngọ niên nhị nguyệt (tháng 2 năm Bính Ngọ).
Những chiếc giếng thiêng này sâu trung bình từ 3 - 4m, kè giếng bằng đá được xếp chồng lên nhau từ trên xuống dưới. Đáy giếng được chặn hai tấm gỗ lim dày 10cm, rộng 75cm, dài 1,5m. Một số giếng khác khi người dân dọn giếng còn thấy dưới lớp cát là lớp thân guột (họ dương xỉ) dày 10 cm. Vừa nói chuyện với PV, ông Bồng dùng chiếc gáo múc nước dưới giếng lên cho chúng tôi uống. Mặc dù giữa trưa hè, mực nước chỉ cách mặt đất hơn 1m nhưng chúng tôi cảm nhận được sự mát lạnh trong vắt của nó. Ông Bồng bảo: “Dù dùng nhiều hay ít, thậm chí cả khi mưa xuống, mực nước vẫn không thay đổi”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn