Những ngày qua, trên mạng xã hội, phụ huynh liên tục chia sẻ clip trẻ tập đọc với phương pháp mới, đọc thơ qua các hình tam giác, ô vuông mà không đánh vần chữ.
Trong clip người cha dạy con mình học câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” trong cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Trang sách in sẵn hai dòng ô vuông, trên 6 ô, dưới 8 ô có màu sắc khác nhau. Trẻ chỉ thứ tự từng ô vuông và đọc vanh vách hai câu thơ trên. Tuy nhiên, khi chỉ vào từng từ trong câu thơ, cậu bé lại không nhận diện được chữ.
Sau khi xuất hiện, những clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người tỏ ra hoang mang trước phương pháp dạy học này.
Nhiều người cho rằng phương pháp học này phản khoa học, khó hiểu, học vẹt. Có phụ huynh còn cho biết, họ đã mắng con khi thấy con vẽ những ô vuông vào vở rồi ngồi đọc vì phụ huynh tưởng con vẽ bậy.
Liên quan đến cách đọc này, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã lên tiếng.
Theo đó, cách đọc được chia sẻ trên mạng xã hội đó là phương pháp đánh vần theo tài liệu Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay.
Một bài tập của học sinh lớp 1 được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo PGS. Phạm Văn Tình, dạy đánh vần, dạy chữ có nhiều cách chứ không phải chỉ có một. Vấn đề là dạy sao cho phù hợp với năng lực nhận thức của trẻ, đơn giản và hiệu quả. Chọn giải pháp thích hợp là yêu cầu quan trọng của nguyên tắc sư phạm "lấy học sinh là trung tâm”.
Ngoài ra, mục tiêu của việc dạy đánh vần là học trò phải nhận được mặt chữ và phải đọc được, sau đó là viết thành thạo.
Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích, trước kia nước Mỹ cũng dạy học chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm giống như phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại, tức là học từ nhưng cái cụ thể đến khái quát, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm.
Tuy nhiên, sau đó họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp tương tự phương pháp truyền thống như của ta hiện nay. Đó là đọc từ trước, thuộc đã, đi từ khái quát đến cụ thể. Và bây giờ, Mỹ đã tận dụng, kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ bất kỳ phương pháp nào.
“Mỗi phương pháp đều có ưu thế và hạn chế riêng. Chúng ta có thể không đồng tình nhưng không nên vội vã chê bai, không nên vừa thấy phương pháp dạy và học có sự khác thì lập tức phản bác”, PGS.Phạm Văn Tình chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, đối với phương pháp dạy đọc của GS Hồ Ngọc Đại thì những học sinh còn nhỏ khó tiếp nhận để phân biệt âm vị, âm tố hay là ngữ âm...
Bên cạnh đó, giáo viên cũng vất vả để truyền đạt cho học trò. Tuy vậy, đây cũng là một phương pháp dạy tiếng Việt, mọi người nên tìm hiểu xem phương pháp này được áp dụng ra sao, hiệu quả của nó thế nào, phụ huynh cũng không nên lo lắng.
Cô giáo hướng dẫn cách đọc bằng ô vuông, tam giác (ảnh cắt từ clip)
Trong khi đó, GS. Nguyễn Lân Dũng, nguyên ĐBQH cho rằng, nhiều phụ huynh không hiểu biết đầy đủ và đang nói không đúng về phương pháp này.
Phương pháp học tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại rất khoa học, hợp lý, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, tư duy logic, tìm thấy sự vui thích trong học tập.
Bằng chứng là đã có khoảng 800.000 người học (thống kê chưa đầy đủ) theo phương pháp này và nhiều người rất thành công.
Trong sách, cách đọc chữ "ô vuông, tam giác" rất khoa học nhưng lại làm nhiều phụ huynh hoang mang vì hiểu chưa đúng. Học sinh không học đánh vần từng từ mà học cách đọc âm trước, rồi đến chữ, rồi mới ghép vần.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Quốc gia Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục) khẳng định, sách dạy ở giai đoạn đầu của quá trình học đánh vần. Các hình tròn, vuông... bước đầu giúp học sinh nhận biết được các âm tiết trong chuỗi lời nói Tiếng Việt, chứ không phải để đọc. |
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn