Mới đây, trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương xin Thủ tướng phê duyệt quyết định cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo phương án 1 giá điện, áp dụng trên toàn quốc.
Theo phương án này, giá mua điện của các dự án mặt trời mặt đất là 1.620 đồng (tương đương 7,09 cent/ kWh); điện mặt trời nổi là 1.758 đồng (tương đương 7,69 cent/kWh). Còn giá mua của điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng một kWh (9,35 cent/ kWh).
Bộ Công Thương cho rằng phương án 1 giá có ưu điểm là chính sách giá FIT đơn giản, không cần phải hỗ trợ cho các vùng có tiềm năng bức xạ thấp.
Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Sở Công Thương, địa phương này có tổng mức bức xạ trung bình khoảng 1.562kWh/m2/năm, số giờ nắng trung bình trên 1.600 giờ/năm, được đánh giá có tiềm năng phát triển điện mặt trời.
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất khảo sát, nghiên cứu xây dựng nhà máy điện mặt trời ở một số địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép 8 nhà đầu tư khảo sát, đề xuất 11 địa điểm nghiên cứu xây dựng nhà máy điện mặt trời với tổng công suất dự kiến 1.082MWp.
Hiện đã có 7/11 dự án với tổng công suất 907MWp đã được UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực các cấp, 1 dự án là nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa của Tập đoàn Hoành Sơn đã phát điện thương mại vào 13/6/2019.
Với việc phát điện trước 30/6, nhà máy điện mặt trời tại Cẩm Hòa là dự án duy nhất đến thời điểm này tại Hà Tĩnh được áp mức giá ưu đãi là 9,35cent/kWh.
Tuy nhiên, việc Bộ Công thương đề xuất áp 1 mức giá cho toàn quốc đang khiến các doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời tại Hà Tĩnh đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Bùi Quang Cường – Giám đốc Công ty TNHH GA Power Solar Park (CHLB Đức) cho biết, hiện doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng 2 dự án điện mặt trời có công suất 58 MWp, tổng diện tích đất sử dụng 58ha tại huyện Cẩm Xuyên và huyện Hương Sơn.
Theo ông Cường, khi thực hiện dự án tại Hà Tĩnh, mức giá doanh nghiệp được hưởng ưu đãi ban đầu là 9,35cent/kWh. Đến nay do vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng và việc đấu nối truyền tải tại dự án ở huyện Hương Sơn nên doanh nghiệp không thể hoàn thành trước 30/6. Điều đó đồng nghĩa với việc mức áp giá cho dự án bị thay đổi.
“Chúng tôi đã thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường, tiến hành thi công và dự kiến cuối năm 2019 sẽ phát điện. Việc áp mức giá mới theo đề xuất của Bộ Công Thương sẽ khiến doanh nghiệp phá sản nếu tiếp tục đầu tư tại Hà Tĩnh. Với mức giá cũ, doanh nghiệp có cơ sở hạch toán đầu tư có lãi nên mới làm dự án”, ông Cường thông tin.
“Theo mức giá đề xuất mới thì rõ ràng doanh nghiệp sẽ lỗ nặng, phía nhà đầu tư CHLB Đức họ cũng đang tính toán cân nhắc có nên tiếp tục đầu tư hay không khi cơ chế chính sách đang làm khó cho doanh nghiệp”, ông Cường cho hay.
Một nhà đầu tư khác đang nghiên cứu, khảo sát dự án điện mặt trời tại đây cũng cho rằng, nếu áp mức giá mới cho các dự án tại đây thì doanh nghiệp phải nghiên cứu và cân đối lại chi phí.
“Nếu có lãi thì sẽ làm, còn lỗ thì chúng tôi xin rút vì khoản chi phí đầu tư vào dự án là rất lớn, mà lỗ không dại gì doanh nghiệp lao vào đầu tư cả”, nhà đầu tư này cho biết.
Đồng quan điểm với các nhà đầu tư, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng cũng cho rằng, đối với các dự án điện mặt trời mặt đất chỉ ở mức 7,09 cent/kWh, tức là giảm khoảng 32% so với giá cũ (được quy định tại Quyết định 11 của Chính phủ), đồng nghĩa lợi nhuận cũng giảm tương ứng.
“Tại Hà Tĩnh thì mức giá cho các dự án điện mặt trời phải ở mức 8,5 – 8,8 cent/kWh thì doanh nghiệp đầu tư mới có lãi. Mức giá mới chỉ phù hợp với các dự án đầu tư ở miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung là không khả thi”, ông Quảng nói.
Theo ông Quảng, việc áp 1 mức giá là không phù hợp với tính chất khí hậu, phân khu vùng miền, cường độ bức xạ phân bố trên từng lãnh thổ các địa phương khác nhau. Cần để nguyên phương án mức giá áp giá cho 4 vùng hoặc 2 vùng như trước đây.
“Việc phân bổ đầu tư ra tất cả các vùng, miền của cả nước sẽ giúp cho việc nâng cấp đầu tư lưới điện, đường cao áp không trở thành gánh nặng cho ngành điện và để hài hòa phát triển kinh tế của từng vùng, từng địa phương”, ông Quảng đề xuất.
Nguồn tin: Vietnamfinance.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn