Có thể kinh tế không giàu có, song tấm lòng đạo đức rất giàu có
Sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Nhà giáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, các chính sách trong dự thảo luật được thiết kế theo hướng, ngoài các điều, khoản chung, một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: Nhà giáo công lập; nhà giáo ngoài công lập; và nhà giáo người nước ngoài.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà giáo bao gồm tất cả các nội dung chính sách về nhà giáo, từ thời điểm được tuyển dụng vào ngành cho đến lúc nghỉ chế độ nhưng có sự tách biệt trong các nội dung quy định giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập tới một số hiện tượng “đau xót”, ảnh hưởng hình ảnh nhà giáo, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng vừa qua.
Điển hình trong đó là vụ việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính; hình ảnh cô giáo “thân mật” quá mức với học sinh ngay tại lớp học; hay vụ việc liên quan đến nhiều giáo viên, thủ quỹ có sai phạm trong thu tiền của học sinh…
"Tôi thấy rất đau xót! Từng là nhà giáo, ngày trước chúng tôi được học nghiệp vụ sư phạm, tâm lý trẻ em, được dạy rất nhiều kỹ năng, kể cả thầy cô giáo không nên mặc quần áo quá sặc sỡ khi lên lớp vì có thể gây ảnh hưởng đến sự chú ý của học sinh”, bà Hải bày tỏ.
Đối chiếu với các điều quy định về đạo đức nhà giáo, đại biểu tán thành với quy định, nhà giáo phải là chuẩn mực về nhận thức, thái độ, hành vi trong mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp và gia đình người học.
“Từ trước đến nay, các thầy cô giáo luôn là hình ảnh mẫu mực, chuẩn mực. Có ý kiến lý giải rằng, cô giáo huy động quyên góp, lạm thu trong nhà trường có thể do chế độ lương, đãi ngộ thấp...
Nhưng thực ra, từ trước đến nay thầy cô giáo có thể hoàn cảnh kinh tế không giàu có, song tấm lòng đạo đức rất giàu có. Tôi rất kỳ vọng vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo tại Điều 30 dự thảo luật được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn”, bà Hải cho hay.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải
Cần 9.200 tỷ đồng/năm, nguồn này ở đâu?
Về chính sách tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập, dự thảo luật quy định, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; với phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản đồng tình với quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo quy định tại Điều 25 của dự thảo luật.
Liên quan đến chính sách tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ đối với nhà giáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, đây là một trong những nội dung đột phá, đảm bảo thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, ông Tùng đề nghị lý giải đầy đủ hơn, lập luận cho thuyết phục.
"Dự thảo luật đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp, trong khi Nghị quyết số 27 của Trung ương về đổi mới, cải cách chính sách tiền lương đề nghị thu hẹp các chính sách phụ cấp. Cần phân tích, lý giải hết sức đầy đủ, xem nên giữ cái gì, không giữ cái gì”, ông Tùng góp ý.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ về một số chính sách cần làm rõ điều kiện cho các đối tượng là nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học; chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, chính sách hỗ trợ miễn học phí...
"Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ, nguồn hỗ trợ của Nhà nước với chính sách này tương đối lớn, cần khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Nguồn này ở đâu? Lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hàng năm?", Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải đánh giá kỹ lưỡng hơn, đảm tính khả thi, công bằng trong tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.
"Bây giờ ước tính kiểu gì, các đối tượng khác thì sao? Khi ban hành luật này ra có đảm bảo công bằng không? Luật này được ngành Giáo dục quan tâm nhưng là luật khó, phạm vi tác dụng lớn, có nhiều nội dung phức tạp, phải khẩn trương nhưng thận trọng, kỹ lưỡng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nguồn Luân Dũng Tiền phong
Link gốc: https://tienphong.vn/dau-xot-vu-co-giao-quyen-gop-tien-mua-may-tinh-post1680243.tpo