Đang nằm viện, cô giáo bất ngờ bị huyện chuyển trường

Thứ sáu - 18/10/2024 16:39
Đang nằm viện, cô giáo Thiều Thị Lợi bị UBND huyện Nghi Xuân ra quyết định chuyển đến trường mới cách nhà hơn 20km.
d2024101801 1
Trường Tiểu học Xuân Hồng (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), nơi cô Thiều Thị Lợi có nhiều năm công tác tại đây. Ảnh: Quang Đại

Bất ngờ bị chuyển trường cách nhà 20km
 
d2024101801 2
Đang điều trị tại bệnh viện, cô giáo Thiều Thị Lợi nhận được quyết định chuyển trường cách xa nhà 20km. Ảnh: Quang Đại
 
Ngày 18.10, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, cô Thiều Thị Lợi - Giáo viên tiểu học tại huyện Nghi Xuân cho biết, đã gửi kiến nghị về việc cô bị chuyển trường cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đến nay đã gần 1 tháng, nhưng chưa có hồi âm.

Cô Thiều Thị Lợi năm nay 48 tuổi, giáo viên môn Tiếng Anh đã có nhiều năm gắn bó với Trường Tiểu học Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân.

Vào ngày 21.8.2024, nhà trường họp, tổ chức lập danh sách giáo viên dôi dư. Hôm đó cô Lợi đang điều trị tại bệnh viện Cửa Đông (TP Vinh), nhưng nhà trường vẫn tiến hành họp và lập danh sách cô Lợi là giáo viên dôi dư.

“Tôi cũng không biết nhà trường dựa vào công văn nào, tiêu chí nào để xét tôi là giáo viên dôi dư để gửi lên huyện” - cô Lợi nói.

Mấy hôm sau khi cô Lợi vẫn đang ở bệnh viện thì nhận được quyết định điều động về trường tiểu học Cổ Đạm (cách nơi cô cư trú 20 km), trong điều kiện sức khỏe còn yếu.

Cô Lợi đã kiến nghị lên UBND huyện Nghi Xuân đề nghị xem xét cho cô ở lại trường cũ hoặc chuyển đến một trường khác cách nhà trên dưới 10km để phù hợp với điều kiện sức khỏe, nhưng không được chấp nhận.

Không có tiêu chí “giáo viên dôi dư”
 
d2024101801 3
Quyết định điều động, chuyển trường đối với cô giáo Thiều Thị Lợi. Ảnh: Quang Đại
 
“Theo như tôi được biết thì quyết định thuyên chuyển của tôi là sai luật. Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về các nội dung “điều động, luân chuyển” đối với viên chức.

Theo quy định hiện hành, không có đối tượng viên chức “dôi dư”. Việc trường tiểu học Xuân Hồng tự tổ chức bình xét đối tượng giáo viên dôi dư đối với tôi để lập danh sách gửi lên huyện là lạm quyền, trái pháp luật” - cô Lợi trình bày.

Phóng viên đã làm việc với cô Phan Thị Minh Huy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Hồng. Cô Huy cho biết, do nhà trường đang thừa 1 giáo viên Tiếng Anh, nên vào đầu năm học 2024 - 2025 đã lập danh sách giáo viên dôi dư gửi lên huyện, sau đó huyện ra quyết định điều động cô Lợi về Trường Tiểu học Cổ Đạm.

Cô Huy cho biết, cô Lợi sức khỏe yếu, thời điểm nhà trường họp cô Lợi đang ở bệnh viện nhưng nhà trường đã kết nối qua Zalo để trao đổi và cô Lợi đã đồng ý cô là giáo viên dôi dư.

Về tiêu chí như thế nào là giáo viên dôi dư, cô Huy cho biết, do nhà trường tự đề ra trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện.

Ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, việc điều động, sắp xếp giáo viên nhằm cân đối biên chế từ nơi thừa sang nơi thiếu, thực hiện theo Quyết định 55/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Phóng viên trao đổi nội dung Quyết định 55/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện có quyền điều động, luân chuyển viên chức là trái luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; ông Dũng nói “không bình luận” về nội dung này.

Về tiêu chí đối tượng “giáo viên dôi dư”, ông Lê Anh Dũng khẳng định, do luật không cấm nên nhà trường có quyền làm.

Tuy nhiên, ông Hoàng Sỹ Vinh - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Nghi Xuân thừa nhận, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiêu chí bình xét đối tượng cụ thể “giáo viên dôi dư”.

Về kiến nghị của cô Thiều Thị Lợi được trở lại trường cũ hoặc đến một trường khác gần nhà hơn, ông Hoàng Sỹ Vinh cho biết, rất khó giải quyết vì phải bố trí ở trường thiếu giáo viên, còn việc điều động theo phương án tịnh tiến rất phức tạp vì liên quan đến nhiều người.

Vào đầu năm học 2024-2025, UBND huyện Nghi Xuân điều động, chuyển trường khoảng 5-6 giáo viên; trong đó đã có 2 đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét lại. Đến nay, huyện Nghi Xuân đã phải thu hồi quyết định đối với một trường hợp.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Lê Đình Việt - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành không có nội dung “điều động, luân chuyển” viên chức, do đó, trường hợp các cơ quan quản lý đơn phương điều động, luân chuyển viên chức là trái luật.

Về Quyết định 55/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh có nội dung giao quyền “điều động, luân chuyển” viên chức cho các cơ quan quản lý, luật sư Việt khẳng định, nội dung này cần được rà soát, bãi bỏ hoặc điều chỉnh để bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Theo Quang Đại Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây