Hà Giang là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 20.300 ha, đứng thứ 3 sau Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh; diện tích chè Shan tuyết cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng trên 55.000 tấn.
Hà Giang có nhiều đặc trưng về khí hậu để cây trà phát triển cả về sản lượng và chất lượng như độ cao tương đối lớn, nhiệt độ thấp, sinh thái trong lành và nguồn nước dồi dào. Ngoài ra sự phân hóa về địa lý còn làm cho cây trà Hà Giang có nhiều khác biệt so với các vùng khác. Với địa hình đồi núi, rừng sâu phức tạp và sự khác biệt về ngôn ngữ, muốn đến thăm các vùng trà cổ tại Hà Giang cũng như các khu vực tại Tây và Đông Bắc Việt Nam.
Chè Shan tuyết sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên, dọc theo dãy núi Tây Côn Lĩnh và phân bố tập trung ở 5 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng mang đặc điểm của khí hậu á nhiệt đới, mùa đông lạnh kéo dài và sinh trưởng ở độ cao từ 600 đến trên 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ đã tạo nên sản phẩm chè Shan tuyết độc đáo với chất lượng tốt, hương vị đặc trưng và mang tính đặc thù (thơm, ngon, sạch).
Đặc biệt, Hà Giang còn có đến 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ trên 100 năm tuổi, tiêu biểu như: Quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), xã Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), xã Lũng Phìn (Đồng Văn)... Đây chính là lợi thế của chè Shan tuyết Hà Giang so với các địa phương khác trong cả nước, được các nhà khoa học đánh giá không chỉ là nguồn nguyên liệu tuyệt vời, cho ra đời những ấm chè đặc sản mà còn là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm.
Chè Shan tuyết Hà Giang có đường kính từ 20 – 80 cm, thường mọc xen lẫn với cây rừng, ở độ cao trên 1300m so với mực nước biển. Cây chè lấy dinh dưỡng từ nguồn nước trong suối nhiều khoáng chất tích tụ, thấm sương sớm, mây mù bao phủ quan năm, hương gió ngàn, chắt lọc tinh túy của đất trời lắng đọng tạo nên những búp chè to, trắng như tuyết.
Sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao chất lượng. Ngoài tiêu thụ trong nước, chè Shan tuyết Hà Giang đã có mặt tại 20 quốc gia ở 3 châu lục: Âu, Á và Mỹ. Cây chè được xác định là một trong 5 loại cây, con chủ lực trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Hà Giang đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho chè Shan tuyết Hà Giang.
Để tạo nên những búp trà đậm hương tròn vị, người dân Hà Giang đã cực kì cận thận trong khâu thu hái chè. Ngay từ khi trời còn mây mù, sương giắng lạnh ngắt bàn tay, người dân đã trèo lên cây chè hàng trăm tuổi với một chiếc gùi to sau lưng. Chè ở đây không được hái đồng loạt mà phân loại tùy theo sự phát triển của lá trà. Một năm Shan tuyết cho thu hoạch 4 vụ, trong đó, vụ đầu tiên rơi vào mùa xuân đạt chất lượng cao nhất. Thời vụ thu hái ảnh hưởng lớn đến chất lượng mỗi mẻ chè. Tùy theo cách thu hoạch, trà được phân chia thành các loại cơ bản sau: trà một tôm một lá, trà một tôm hai lá, trà vàng (búp trà với lá to hơn). Tùy theo cách chế biến, chè lại được phân tiếp ra làm hai loại riêng biệt: chè Lam ống đơn và chè Lam ống kép.
Chén nước chè Shan Tuyết có màu vàng như mật ong. Nhấp một ngụm trà sẽ cảm nhận được hương thơm dìu dịu rồi đến vị hơi đắng nơi đầu lưỡi. Nhưng vị ngọt thanh ngay sau đó sẽ đến với người thưởng trà. Không chỉ nằm ở hương thơm hay mùi vị, nước trà cũng là một chất xúc tác để tạo nên cảm xúc cho câu chuyện, có thể ngâm thơ, hoặc cùng nhau hàn huyên tâm sự với gia đình hay những người bạn lâu năm.
Để tạo nên những búp trà Shan tuyết sạch đế tay người tiêu dùng, ngoài sử dụng những bí quyết gia truyền riêng, người dân xứ rẻo cao còn tuyệt đối chú trọng đến vấn đề an toàn trong quá trình chế biến. Chính vì trà ngon, lại đảm bảo sức khỏe đến vậy, shan tuyết luôn là một trong những cái tên được nhắc đến đầu tiên trong danh sách của những người sành trà.
Trà Shan tuyết không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển trong thời gian tới, đồng thời góp phần vào sự bền vững của nền kinh tế và văn hóa của Hà Giang.