5 nguyên tắc phòng ngừa ngộ độc rượu dịp Tết

Thứ tư - 02/02/2022 05:50
Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính;… là những nguyên tắc người dân cần thực hiện để phòng ngừa ngộ độc rượu.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của ngộ độc rượu thường do người dân lạm dụng rượu, uống vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị quy đổi như sau: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ, 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hoặc 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, tiêu chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần… Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia, người dân cần thực hiện các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

Thứ hai, không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Thứ ba, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Thứ tư, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Thứ năm, trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.
 
20220200203
Hình minh họa: medicalnewstoday.com

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp methanol.

Ngộ độc rượu thông thường (rượu nấu từ ngũ cốc) do uống quá nhiều rượu, khiến cơ thể thoát ức chế, mất kiểm soát. Rượu thông thường bản chất giống như thuốc ngủ. Ban đầu, người uống có cảm giác hưng phấn, kích thích nhẹ. Nếu uống quá nhiều, bệnh nhân sẽ bị ngộ độc nặng với các triệu chứng kích thích thần kinh, hạ đường huyết, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thậm chí suy hô hấp, hôn mê sâu.

Nặng nhất, người bệnh tử vong do không thể thở, hạ đường huyết, tổn thương não hoặc hít phải đờm rãi, chất nôn gây viêm phổi, sặc phổi. Một số trường hợp do di chứng hôn mê thời gian dài gây hỏng cơ, suy thận, mất nước cũng không thể cứu chữa.

Ngộ độc cồn công nghiệp methanol thường do người dân mua rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị pha methanol (mục đích kinh doanh phi pháp), hoặc nguồn gốc bị làm giả, không được cơ quan chức năng kiểm soát. Một số trường hợp, người dân mua cồn sát trùng (cồn y tế) về pha với nước thành rượu uống, tuy nhiên chai cồn sát trùng này vô tình bị pha trộn methanol.

Những giờ đầu sau khi uống phải cồn công nghiệp methanol, người bệnh chỉ có cảm giác say giống say rượu thông thường. Tuy nhiên, sau khoảng 1-2 ngày, chất độc bắt đầu chuyển hóa. Bệnh nhân xuất hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh do rối loạn axit máu, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp đã tổn thương não, mắt và tuần hoàn, ở trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyên cho biết, xét về tổng thể, các ca ngộ độc rượu thông thường chiếm số lượng lớn so với ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Tuy nhiên, khi đã ngộ độc methanol, bệnh nhân đều có di chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ khuyến cáo, khi ngộ độc rượu thông thường, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ban đầu như mặt tái lạnh, ôn ọe nhiều, đi không vững,…

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo (có thể nói được), nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi và giữ ấm cẩn thận. Sau đó, cho người bệnh ăn các thức ăn có chứa tinh bột như cơm, bún, miến phở, cháo và nước đường hoặc sữa có đường.

Việc này giúp bổ sung dinh dưỡng sau nôn, tránh hạ đường huyết. Cần để ý, theo dõi người bệnh cho tới khi các triệu chứng đỡ hẳn. Không được để bệnh nhân tự di chuyển, kể cả đi bộ.

Trong trường hợp người bệnh không thể ăn hoặc có tình trạng nặng hơn như da lạnh tái, run rẩy, co giật, thở khò khè, … cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Với ngộ độc methanol, bác sĩ Nguyên cho biết các triệu chứng khi phát tác đã rất nặng. Bởi vậy, nếu xuất hiện dấu hiệu như đã nêu, “không còn cách nào khác” là ngay lập tức chuyển bệnh nhân đi cấp cứu. Những người uống rượu cùng bệnh nhân ngộ độc methanol cũng cần tới bệnh viện kiểm tra ngay dù chưa có biểu hiện đặc biệt.
Nguyễn Liên
Theo vietnamnet.vn

Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/5-nguyen-ta-c-pho-ng-ngu-a-ngo-do-c-ruo-u-di-p-te-t-812377.html
 Từ khóa: ngộ độc rượu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây