Phan Đình Phùng ( 1847-1895)
Cụ Phan Đình Phùng tên hiệu là Châu Phong, sinh ngày 24 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6-6-1847, tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Đức Phong 2, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Là một nhà Nho yêu nước nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lâm nguy, năm 1885, Cụ đã tập hợp nghĩa quân phất cao cờ khởi nghĩa chống đánh thực dân xâm lược Pháp.
Lực lượng nghĩa quân do Cụ cầm đầu bước lên con đường chiến đấu cứu nước trong điều kiện và hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Triều đình Huế với bù nhìn Đồng Khánh đã trở thành tay sai của giặc, thực dân Pháp câu kết với bọn phong kiến phản quốc đã đặt được bộ máy đô hộ của chúng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chúng tập trung binh lực và dùng mọi thủ đoạn hiểm độc dã man nhất để tiêu diệt phong trào khởi nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta, trong đó có cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng.
Dựa vào nhân dân địa phương, lực lượng nghĩa quân Phan Đình phùng có một sức sống tiềm tàng và có một sức chiến đấu vô cùng mãnh liệt, dẻo dai. Từ một lực lượng như một đốm lửa nhỏ bé xuất hiện buổi đầu của làng Đông Thái, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, trong vòng mấy năm lực lượng đó đã vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển thành một lực lượng mạnh mẽ bao gồm mấy nghìn tướng sỹ, phân chia thành 15 quân thứ hoạt động trên khắp miền núi rừng bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa và trang bị bằng nhiều súng do nghĩa quân tự chế tạo.
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng, bọn thực dân Pháp đã phải xây dựng cả một hệ thống đồn bốt như một tấm lưới thép bao vây hòng triệt đường tiếp tế liên lạc, ngăn chặn nghĩa quân phát triển xuống đồng bằng. Đồng thời chúng ra sức thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt và lệnh cho phong kiến Nam triều huy động một lực lượng lớn lính bao vây, sục sạo, chia cắt, tấn công nghĩa quân.
Nhưng nghĩa quân Phan Đình Phùng như một cánh chim đại bàng vượt lên muôn trùng bão tố để chống lại mọi cuộc tấn công của quân thù và đã giáng vào kẻ địch nhiều đòn quyết liệt. Trong những năm 1885-1890, nghĩa quân đã nhiều lần chống càn thắng lợi và tấn công vào các đồn bốt giặc ở Hà Tĩnh, Nghệ An. Những trận tấn công đồn Dương Liễu, đồn Trường Lưu, đồn Quỳnh Lưu, đồn Linh Cảm; những trận phục kích ở làng Hốt, trại Tháp và nghĩa quân đã đánh cả xuống đồng bằng Nghệ An, phá vỡ kế hoạch tấn công của giặc.
Những năm 1891-1892 đã chứng kiến những trận phục kích thắng lợi của nghĩa quân ở đồn Quỳ Hợp, Hương Khê ở Truông Vắt, những cuộc tiễu trừ bọn việt gian đầu sỏ theo giặc đàn áp nghĩa quân, phá vỡ hai trận càn lớn của giặc ở vùng Ngàn Phố, Sông Cả, Tràng Sim vào đại bản doanh của nghĩa quân ở Hội Trung và đã tập kích sát tỉnh lị Hà Tĩnh, đồng thời tấn công giặc liên tiếp ở Kỳ Anh, Nam Huân. Vào đêm 23 rạng ngày 24-8-1892, một đơn vị nghĩa quân đột nhập tỉnh lị Hà Tĩnh tấn công trại lính tập và nhà lao, giải phóng tất cả tù nhân, trong đó có 70 nghĩa quân bị giam giữ. Năm 1893 đánh dấu những trận chống càn oanh liệt của nghĩa quân ở khu Truông Vắt, Ngàn Trươi, những trận tấn công liên tục vào các đồn Trung Lương, Kim Chúc, Hương Khê. Cuối năm, nghĩa quân đã thực hiện một kế hoạch táo bạo nhằm giải phóng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhưng thất bại kể từ khi vị tướng quân anh hùng Cao Thắng hy sinh trên đường tiến quân.
Những năm 1894-1895 là giai đoạn chiến đấu cuối cùng của nghĩa quân. Giai đoạn này thực dân xâm lược Pháp đã tạm thời dập tắt ngọn lửa khởi nghĩa ở các nơi khác nên rảnh tay đối phó với lực lượng nghĩa quân Phan Đình Phùng. Chúng huy động bọn phong kiến phản quốc trong chính phủ Nam triều, tập trung 3.000 quân chia làm nhiều đạo, lập hệ thống đồn bốt bao vây nghĩa quân, khủng bố nhân dân và mở những cuộc tấn công càn quét quy mô liên tục. Tháng 7-1895, chúng lại phái tên việt gian Nguyễn Thân thay mặt Nam triều kéo thêm quân đi đàn áp nghĩa quân. Tuy vậy, kẻ thù vẫn không khuất phục được tinh thần chiến đấu kiên cường của nghĩa quân anh hùng. Ngay trong những năm nguy khốn nhất, nghĩa quân vẫn chiến thắng kẻ thù: oanh liệt nhất là trận chiến đấu phòng ngự nửa tháng ròng rã ở Đại Hàm vào cuối năm 1894, ở Cây Khế tháng 3-1895, tiêu diệt tên giám binh Samaran và cuối cùng là trận Vụ Quang nổi tiếng (tiêu diệt trên 100 quân địch với ba sĩ quan Pháp) vào tháng 7-1895.
Cuộc chiến đấu oanh liệt còn đang tiếp diễn thì vị anh hùng dân tộc Phan Đình Phùng bị ốm nặng và từ giã cõi trần vào ngày 28-12-1895 tại sơn trại Núi Quạt.
Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng là một bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vào thời kỳ đầu xâm lược của thực dân Pháp.
Vinh quang của cuộc khởi nghĩa đó thuộc về các tướng sĩ yêu nước tài giỏi anh hùng Cao Thắng, Nguyễn Trạch (tức Nguyễn Khương), Nguyễn Chanh (tức Nguyễn Dật), Cao Đạt, Nguyễn Mục, Đề Vinh, Đề Đạt, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Cam, Phan Đình Trình, Hiệp Tuấn, Lãnh Ngợi... Vinh quang đó thuộc về nhân dân đầy tình yêu nước của bốn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa đã hăng hái tham gia nghĩa quân và đóng góp tiền bạc, tiếp tế binh lương, mật báo tin địch... Chỉ riêng hai làng Trung Lương và Vân Chàng đã có mấy trăm thợ rèn tham gia hàng ngũ nghĩa quân để chế tạo vũ khí kiểu mới.
Vinh quang đó thuộc về chủ tướng Phan Đình Phùng; ông không những là một tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước nồng nàn mà còn nêu cao một đạo đức, tác phong gương mẫu có tác dụng cổ vũ và cảm hóa rất lớn đối với các tướng sĩ nghĩa quân và nhân dân địa phương.
Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn thâm độc, từ việc đàn áp bằng vũ khí đến việc dụ dỗ Cụ đầu hàng, thậm chí bắn giết người thân, đào mả tổ tiên Cụ, tinh thần của cụ Phan Đình Phùng vẫn đứng vững như núi Giăng Màn, khí tiết của Cụ vẫn trong sáng tựa trăng rằm.
Cụ là điển hình của câu châm ngôn “Giàu sang không quyến rũ được, nghèo nàn không làm dời đổi được, uy vũ không thể khuất phục được”
Cụ Phan Đình Phùng đã ngã xuống chiến trường, hiến dâng đời mình cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý, sống vì Tổ quốc, chết cũng vì Tổ quốc.
Cụ Phan Đình Phùng và các tướng sĩ nghĩa quân vẫn sống mãi trong lòng nhân dân. Ngày nay trong cuộc chiến tranh vũ trang chống quân xâm lược của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, miền Nam nước ta đang sôi nổi cao trào cách mạng, những anh hùng dân tộc như cụ Phan Đình Phùng sẽ trở nên bất diệt cùng với non sông đất nước.
Theo Trần Huy Liệu - Giáo sư, Viện sĩ, Viện trưởng Viện Sử học.
Link gốc: https://vuquang.hatinh.gov.vn/portal/pages/2017/TUONG-NHO-NHA-DAI-AI-QUOC-PHAN-DINH-PHUNG-7377.aspx?fbclid=IwAR0P2WcRyrtNyYra_L9htHH43znuuoMkUKCUavNU5Pgaicb-CnSvt4XKEsE