Nam giới bị bạo lực gia đình như thế nào?
Trước thông tin Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình năm 2023 có dấu hiệu gia tăng, nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội, gia đình và giới đã lên tiếng.
Minh họa một người đàn ông bị bạo hành. Ảnh: iStock
Trao đổi với PV Dân Việt, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, bạo lực gia đình đối với nam giới là có tồn tại nhưng là con số rất nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta nên bỏ qua.
Theo một số nghiên cứu, nam giới bị vợ bạo hành có thể bị trầm cảm, tăng huyết áp, tự ti, mất ngủ, chấn thương, căng thẳng sau sang chấn, thậm chí nghĩ đến việc tự sát.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội. Ảnh: NVCC
"Theo nghiên cứu của tôi về nam giới, họ nói bị một số dạng bạo hành như vợ kiểm soát chuyện đi về, điện thoại, hình thức bạo lực tinh thần như chửi bới, đay nghiến, cấm vận… Đó là một trong những vấn đề còn tồn tại ở một bộ phận gia đình. Vẫn còn một số nhỏ nam giới bị bạo lực gia đình là sự thật, chứ không có gì mới nhưng để nói tăng lên con số phải thuyết phục, nghiên cứu rất chi tiết.
Tôi chia sẻ như vậy có nghĩa năm 2022 có bao nhiêu trường hợp là nạn nhân bạo lực gia đình, những năm trước nữa là bao nhiêu, có xu hướng tăng dần đều theo thời gian, đột ngột tăng vọt hay mức độ tăng đáng kể bao nhiêu thì mới nên đặt ra vấn đề này. Chúng ta đã biết đại đa số nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ", bà Hồng chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới cho hay, tỉ lệ nam giới là nạn nhân bạo lực gia đình tăng lên cụ thể bao nhiêu, dựa trên tỉ lệ nam giới trong độ tuổi trưởng thành.
Ông Thịnh cũng đưa ra một số nguyên nhân bạo lực gia đình như khác biệt vùng miền. Chẳng hạn như nông thôn, miền núi, nơi còn một bộ phận dân số thiếu hiểu biết, học vấn thấp, ảnh hưởng phong tục tập quán, gia trưởng…
"Những vấn đề liên quan đến bạo lực giới trong gia đình có nhiều yếu tố như tác động đến đời sống kinh tế. Có thể khó khăn trong kinh tế, công ăn việc làm, một trong hai người gặp phải không biết giải quyết vấn đề đó, đem khó khăn áp lực ấy về nhà, vợ chồng không hiểu nhau, không chia sẻ để tìm tiếng nói chung. Khó khăn đối mặt con học hành, thu nhập hạn chế sẽ tạo áp lực, cũng có thể do việc tiêu pha không hợp lý...", ông Thịnh nói.
Làm gì để hạn chế bạo lực gia đình với nam giới?
Ông Thịnh cho biết đã từng trực tiếp khảo sát vào năm 2006 tại 8 tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu cho Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội để thông qua Luật phòng chống bạo lực gia đình. Theo đó, tỉ lệ 10% nam giới trong tuổi hôn nhân là nạn nhân bạo lực gia đình. Ông cũng căn cứ trên một số nghiên cứu của đồng nghiệp khác cho con số tương tự như trên.
GS.TS Hoàng Bá Thịnh, Chuyên gia nghiên cứu Gia đình và Giới. Ảnh: NVCC
"Có những chuyện 'ông ăn chả, bà ăn nem' (ngoại tình) dẫn đến mâu thuẫn bạo lực trong gia đình mà chuyện này nam giới dễ vướng vào hơn phụ nữ. Thứ nữa, áp lực về sự thành đạt trong phấn đấu, bạn bè đồng nghiệp, một bộ phận vợ so sánh chồng mình kém chồng người... Câu chuyện tưởng chừng vu vơ nhưng khiến cho người chồng tổn thương. Hay mối quan hệ nội ngoại không giải quyết được lại đem rác về nhà, bức xúc ngày càng lớn", ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, biện pháp hạn chế bạo lực gia đình cần phải từ giáo dục pháp luật, có như vậy sẽ hạn chế được hành vi vi phạm pháp luật trong mối quan hệ vợ chồng. Phải có những kỹ năng trong đời sống gia đình, biết kiềm chế cảm xúc nóng giận, phải có nghệ thuật hoà giải. Việc này quan trọng không kém giáo dục tuyên truyền.
"Nhiều người hiểu biết pháp luật nhưng vẫn vi phạm cho thấy hiểu biết không có nghĩa thay đổi hành vi. Quan trọng đời sống vợ chồng ứng xử, nghệ thuật đời sống quan trọng không kém so với hiểu biết pháp luật. Phải xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ, chia sẻ cùng nhau trong đời sống gia đình, để mái nhà là mái ấm chứ không phải mái lạnh.
Ngoài ra, giáo dục tiền hôn nhân cho vợ chồng trẻ rất quan trọng, không chỉ liên quan đến sức khoẻ tình cảm, tình dục mà cả những nghệ thuật làm vợ, làm chồng, kiến thức làm cha mẹ… rất tốt cho hạnh phúc gia đình, như vậy mới bền vững được", ông Thịnh chia sẻ.
Tiếp lời ông Thịnh, bà Hồng cho rằng, từ vấn đề trên, cơ quan có thẩm quyền nên chú ý đến và theo dõi theo thời gian nắm rõ sự tăng giảm nam giới bị bạo lực gia đình như thế nào. Ngoài ra cũng nên có những dịch vụ hỗ trợ cho nam giới, đã là nạn nhân của bạo lực thì ai cũng đáng được hỗ trợ.
Ngày 22/5, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Báo cáo cho thấy, năm 2023 có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.
Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nữ là 2.600, nam 565. So với 2022, số vụ và số nạn nhân của bạo lực gia đình đều giảm, tuy nhiên tỷ lệ nạn nhân là nam giới có dấu hiệu tăng so với năm trước. Việc tỉ lệ nam giới là nạn nhân bạo lực gia đình gia tăng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo Gia Khiêm Dân Việt
Link gốc:
Nam giới bị bạo lực gia đình có thể bị trầm cảm và hơn thế nữa... (danviet.vn)