Ông già “quạt mo, chân đất” bảo tồn dân ca ví, giặm

Thứ hai - 10/06/2024 14:19
Hàng chục năm qua, hình ảnh ông già “cầm quạt mo, chân đất” - Nghệ nhân nhân dân (NNND) Trần Khánh Cẩm say sưa biểu diễn trên sân khấu truyền thống, thả hồn cùng làn điệu cổ đã trở nên thật gần gũi, thân thương trong lòng những người yêu mến dân ca ví, giặm.
Duyên nghề từ cha mẹ

Ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp khoảng 50m2 của NNND Trần Khánh Cẩm (85 tuổi, ở thôn Hợp Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống, gồm vợ chồng ông, các con và cháu. Trong nhà treo kín các loại bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương, kỷ niệm chương... Ngoài ra, ông còn dành một góc phòng nhỏ làm nơi lưu giữ, bảo tồn di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mà cả đời ông đã dày công, tâm huyết.

Ông Cẩm sinh ra tại xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), năm lên 6 tuổi thì chuyển vào sống tại xã Kỳ Bắc. Gia đình biểu diễn dân ca nên từ nhỏ ông thường được cha mẹ dẫn đi cùng biểu diễn chèo cổ. Từ đó, dân ca ví, giặm càng thấm sâu vào tâm hồn, máu thịt và trở thành duyên nghiệp của ông. Năm 17 tuổi, ông được tuyển vào Đội tuyên truyền văn hóa lưu động của tỉnh Hà Tĩnh và tại đây ông cùng đội tuyên truyền văn hóa góp phần quan trọng tạo nên phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, biểu diễn phục vụ các đơn vị chiến đấu, người dân và tham gia giao lưu ở nước bạn Lào.
 
D2024061005
Nghệ nhân nhân dân Trần Khánh Cẩm bên hình ảnh kỷ niệm đi biểu diễn, sưu tầm, bảo tồn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Năm 23 tuổi, ông đi Hà Nội học kịch và thanh nhạc rồi về công tác tại Đoàn Văn công nhân dân Hà Tĩnh. Năm 28 tuổi, do hoàn cảnh gia đình, ông trở về địa phương, tham gia thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Kỳ Bắc, duy trì hoạt động đều đặn cho tới nay và có nhiều đóng góp phát triển phong trào hát dân ca, ví giặm trên địa bàn. “Hữu xạ tự nhiên hương”, ông Cẩm được nhiều đội văn nghệ, cơ quan, trường học, hợp tác xã ở Hà Tĩnh mời đến dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình.

Ăn cơm nhà, đi làm văn nghệ dân gian

Hơn 50 năm qua, ông Cẩm tự nguyện bỏ công sức, tiền túi rồi một mình với chiếc xe đạp rong ruổi đến tận các vùng quê xa xôi, hẻo lánh ở Hà Tĩnh để tìm kiếm, sưu tầm, bảo tồn những lời cổ, làn điệu cổ, câu ví cổ lưu truyền trong nhân dân. Trong số hàng ngàn lời cổ, làn điệu cổ, câu ví cổ được ông Cẩm sưu tầm, sáng tác, bảo tồn, nổi bật nhất là làn điệu “Giặm xay lúa” chỉ duy nhất có ở địa bàn Kỳ Anh.

Ông Cẩm cũng là người dày công nghiên cứu và xây dựng thành công làn điệu “Sắc bùa”, hội hát “Sắc bùa” ngày xuân tại nhiều địa phương. Ngoài ra, hàng trăm vở diễn, vai diễn, ca khúc, hoạt cảnh, kịch, tấu, hò, thơ, ca… do ông trực tiếp sáng tác, biểu diễn đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý từ Trung ương tới địa phương. Ông còn đóng góp nhiều công sức, tâm huyết cho các hội diễn lớn nhỏ khắp trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh.

Hiện nay, do tuổi đã cao nên ông ít đạp xe đi như trước, song cứ nghe ở đâu đó có lời cổ, làn điệu cổ, câu ví cổ là ngọn lửa nhiệt huyết với nghề trong ông lại như thổi bùng lên, ông nhờ người thân chở mình đến tận nơi để được sưu tầm. Bên cạnh tập trung xây dựng, duy trì, phát triển câu lạc bộ dân ca ví, giặm xã Kỳ Bắc, ông Cẩm còn dành nhiều thời gian tập luyện, truyền dạy hát dân ca ví, giặm cho các lứa tuổi học sinh, nhiều địa phương, cơ quan, đội văn nghệ, câu lạc bộ ở Hà Tĩnh.

“Dân ca ví, giặm không chỉ là tâm huyết, đam mê mà đã trở thành duyên nghiệp gắn bó như máu thịt của tôi. Chừng nào còn sức khỏe là tôi vẫn tiếp tục đi sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, giữ gìn, bảo tồn và truyền dạy dân ca ví, giặm cho các thế hệ hôm nay và mai sau”, ông Cẩm chia sẻ. Ông cũng lo lắng, tương lai, lời cổ dân ca ví, giặm nguy cơ sẽ bị mai một, bởi hiện nay có tình trạng nhiều diễn viên hát sai, biến tấu, cải biên lời mới, làn điệu mới. Ngoài ra, việc thay đổi màu sắc trang phục và hình ảnh lộn xộn trong biểu diễn cũng không phù hợp… “Rất mong dân ca ví, giặm được đưa vào giảng dạy trong trường học để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bản sắc của quê hương”, ông Cẩm trăn trở.

Ông Trần Khánh Cẩm được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân vào năm 2019; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương vì Thế hệ trẻ; Bộ VH-TT-DL tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng và Bằng khen vì có nhiều đóng góp xây dựng hồ sơ “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh”, được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014…

DƯƠNG QUANG
Theo SGGP.ORG.VN

Link gốc: https://www.sggp.org.vn/ong-gia-quat-mo-chan-dat-bao-ton-dan-ca-vi-giam-post743887.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây