Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh có 476.985 ha đất nông nghiệp, chiếm 79,53%; đất phi nông nghiệp là 105.446 ha, chiếm 17,58%; đất đô thị 38.099 ha, chiếm 4,12%.
Một góc thành phố Hà Tĩnh |
Đối với các khu chức năng, đến năm 2020, khu sản xuất nông nghiệp có 67.520 ha; khu lâm nghiệp 306.903 ha; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 74.510 ha; khu phát triển công nghiệp 5.769 ha; khu đô thị có 1.828 ha; khu thương mại - dịch vụ 706 ha; khu dân cư nông thôn có 56.975 ha.
Cũng theo quy hoạch, từ năm 2016-2020, 17.750 ha đất nông nghiệp được chuyển sang phi nông nghiệp; 6.198 ha chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 60 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Hà Tĩnh đã được Chính phủ xét duyệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát, hoàn thiện Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh theo diện tích, cơ cấu các loại đất được phê duyệt, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa bản đồ, bảng biểu và báo cáo thuyết minh tổng hợp theo các quy định hiện hành.
Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020), trong đó rà soát điều chỉnh quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh có sử dụng đất cho thống nhất với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh; việc tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt; điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các khu vực có điều kiện phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ với các khu vực bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật đất đai để người sử dụng đất nắm vững các quy định của pháp luật, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nguồn tin: Thời báo Ngân hàng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn