Chém cô ruột vì không... đến thắp hương cho bố

Thứ tư - 15/08/2018 07:24
TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh vừa xét xử phúc thẩm hai vụ án “Giết người” rất đau lòng. Thật khó tin, hai bị cáo nông dân chưa có tiền án, tiền sự, chỉ vì lạm dụng bia rượu đã “lột xác” thành kẻ sát nhân chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt không thể ngờ.

Bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Lê Hoàng Phong (SN 1990, ngụ xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Người bị hại trong vụ án không phải người xa lạ đối với Phong, đó chính là bà Lê Thị Đằng (SN 1964), cô ruột của bị cáo.

Theo bản án sơ thẩm, chiều 6/3/2017, Lê Hoàng Phong tổ chức uống rượu, nhậu đến khoảng 17 giờ ngày Phong điều khiển vỏ máy đến nhà dì ruột là bà Lê Thanh Tuyết tại xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang chơi.

Khi đến nhà bà Tuyết, Phong thấy không có ai ở nhà nên bị cáo đi ra sân thấy cây dao yếm cán gỗ để dưới gốc cây vú sữa. Cơn say khiến Phong nghĩ đến việc cha ruột của bị cáo chết mà cô ruột là bà Lê Thị Đằng lại không đến thắp hương (nhang). Không còn tỉnh táo, Phong tức giận nảy sinh ý định nhặt lấy cây dao để chém bà Đằng. Nghĩ là làm, bị cáo liền xách dao, điều khiển vỏ máy đến cách nhà bà Đằng cách đó khoảng 50m.

Phong đậu vỏ máy lại và cầm cây dao đi bộ đến nhà bà Đằng. Lúc này, bị cáo thấy bà Đằng cùng một số người đang ngồi bên hông nhà ăn vú sữa. Gã liền cầm dao đi vào, chửi thề và quát: “Bố tao chết, mày không đến thắp nhang, tao chém chết mày!”. Sau đó, Phong dùng tay trái nắm tóc bị hại và chém tới tấp. Thấy Phong ra tay manh động, mọi người bỏ chạy ra sân kêu cứu thảm thiết.

Bà Đằng vùng vẫy chạy thoát vào đến cửa buồng thì bị té, Phong cầm dao đuổi theo truy sát. Gã chém thêm nhiều nhát vào người nạn nhân, thể hiện quyết tâm phạm tội đến cùng... Lúc này, ông Nguyễn Thanh Hùng, chồng bà Đằng cầm cây chạy đến giải cứu nên Phong cầm dao bỏ đi. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Riêng Phong cầm dao đi xuống vỏ máy chạy về nhà, trên đường về gã đã quăng bỏ cây dao gây án xuống sông.

Chém cô ruột vì không... đến thắp hương cho bố

“Ma men” Thạch Thương tại Tòa

Cũng bắt nguồn từ việc nhậu rồi gây án như Phong là bị cáo Thạch Thương (SN 1970, ngụ tỉnh Sóc Trăng), thảm kịch Thương gây ra khiến chị Sơn Thị Dung, vợ Thương vĩnh viễn ra đi trong nỗi tức tưởi. Theo hồ sơ vụ án, chập tối 20/12/2017, Thương tổ chức uống rượu cùng với một số người tại nhà của em ruột là bà Thạch Thị Sơ. Nhậu đến khoảng 22 giờ, Thương kêu chị Dung dọn dép chén đũa để đi ngủ. Thấy chồng nhậu nhẹt bê tha, chị Dung không dọn mà buông lời: Thằng nào nhậu thằng đó dọn”.

Thương sửng cồ, tuyên bố nếu không dọn thì sẽ đập bể hết. Nói xong, Thương liền lấy cái tô ném vào vách tường nhà. Thấy vậy, chị Dung nói để phụ đập và lấy cái chén ném xuống nền gạch. Khi rượu đã ngấm, Thương nổi nóng cãi nhau với vợ, gã dùng chiếc ca loại đựng đá làm bằng nhựa cứng bên trong có mút xốp ném mạnh từ phía sau trúng vào đầu vợ làm vỡ ca.

Chị Dung chửi Thương khiến gã nổi máu du côn lấy khúc cây dựng ở cửa nhà tấn công. Chị Dung bỏ chạy thì bị té xuống đường thoát nước, khi đứng lên chị  tiếp tục la mắng nên Thương tấn công vào vùng đầu rồi bỏ vào nhà ngủ. Đến sáng hôm sau, chị Dung được phát hiện cạnh nhà một người láng giềng trong tình trạng ngất xỉu. Tuy được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi do chấn thương sọ não.

Xuyên suốt hai phiên tòa là sự ăn năn hối hận của các bị cáo vì nhất thời uống rượu, không làm chủ được bản thân dẫn đến phạm tội. Đối với hành vi của bị cáo Lê Hoàng Phương, HĐXX nhận định là đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bị cáo lại sử dụng hung khí nguy hiểm là con dao chém cô ruột. Việc bị hại được đưa đi cấp cứu kịp thời, không chết là ngoài ý thức của bị cáo. Điều khiến Phong không khỏi xấu hổ vì sự nhỏ nhen của bản thân là tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đằng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ngoài ra, bà Đằng không yêu cầu xem xét tiếp trách nhiệm bồi thường dân sự đối với Phong. Theo HĐXX, việc bà Đằng vị tha sẽ đáng để cho bị cáo suy ngẫm trong thời gian thi hành án. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Phong 8 năm tù về tội “Giết người”.

Đối với “ma men” Thạch Thương, vị đại diện VKS nhận định: Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tuyên truyền và nghiêm cấm hành vi bạo lực trong gia đình. Thế nhưng, bị cáo chỉ vì lý do nhỏ nhặt là bị hại không dọn dẹp chén dĩa mà bị cáo đã nhậu để rồi có hành vi bạo lực, đánh bị hại bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Do đó, cần phải xử lý nghiêm, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định để cải tạo, giáo dục và răn đe bị cáo trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời răn đe phòng ngừa tội phạm.

Bên cạnh các tình tiết tăng nặng, HĐXX xem xét việc Thương là người dân tộc thiếu số, sống ở vùng nông thôn sâu; có người thân là người có công với nước nên được giảm nhẹ một phần hình phạt. Từ đó, HĐXX tuyên phạt Thương 9 năm tù về tội “Giết người”.

Hai vụ án đau lòng khép lại nhưng qua đó, những người lạm dụng bia rượu cần xem xét bản thân, không để “ma men” đưa lối, đẩy vào vòng lao lý để rồi hối không kịp...

 

Tác giả bài viết: An Dương

Nguồn tin: Công lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây