Đây là ý kiến đóng góp của ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam.
Từ chối kết nạp người khiếm thị vì “không đủ sức khỏe”
Theo ông Phạm Viết Thu, khi tham gia công tác tại Hội Người mù, nhất là trong quá trình triển khai tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 và 5 năm sơ kết Chỉ thị 17 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các tổ chức quần chúng, ông nhận thấy tại một số địa phương có tình trạng từ chối kết nạp người khiếm thị vào Đảng. “Tôi vào Đồng Nai thì thấy Ban Tổ chức Đồng Nai làm công văn không kết nạp Đảng viên mù”, ông Thu cho biết.
Cũng theo ông Phạm Viết Thu, ở Thái Bình có trường hợp Chủ tịch Hội Người mù tỉnh là người Công giáo, đã hoàn thành xuất sắc 2 nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo người khuyết tật và Hội được ban ngành các cấp và trung ương đánh giá là một trong những đơn vị lá cờ đầu, nhưng khi xét kết nạp Đảng thì lại bị đánh giá là “không đủ sức khỏe”.
Một trường hợp khác được ông Thu nêu ví dụ là ở Hải Dương, có một Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hướng nghiệp, phục hồi chức năng, được yêu cầu viết tay bằng chữ quốc ngữ đơn xin vào Đảng trong khi ông là người khiếm thị chỉ biết viết bằng chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị).
“Chữ Braille hiện nay cũng là một ngôn ngữ, mà ở Hải Dương hiện nay cũng không đồng ý kết nạp Đảng chỉ vì chữ Braille không phải là chữ viết tay, trong khi các các bộ chủ chốt ở Hội Người mù sử dụng ngôn ngữ này để viết rất nhiều văn bản, tài liệu có giá trị”, ông Thu nêu quan điểm.
Cũng theo ông Thu, Điều lệ Đảng chỉ quy định đơn xin vào Đảng “là đơn viết tay” chứ không có nội dung nào quy định phải là “chữ quốc ngữ”. Dù vậy, vẫn có nhiều địa phương thực hiện quy định này “một cách rất máy móc”.
“Tôi thấy như vậy là không thấu tình đạt lý”, ông Thu nói thêm và cho biết, ông đã báo cáo việc này bằng văn bản gửi tới bà Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Nhiều người khiếm thị đã nổ lực vươn lên trở thành tấm gương phấn đấu trong học tập và công việc. Trong ảnh là cô sinh viên khiếm thị Nguyễn Thị Hồng tại lễ vinh danh Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường Đại học, Học viện tại Hà Nội năm 2019.
Cần tạo điều kiện kết nạp bình đẳng hơn
Dù vậy, ông Phạm Viết Thu khẳng định, đại đa số các cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan tâm đến vấn đề tạo sự bình đẳng trong việc kết nạp đảng viên. Ông Thu đề nghị, tuy Đại hội XIII không đặt ra vấn đề sửa đổi Điều lệ Đảng nhưng cần có quy định linh hoạt, bổ sung giải quyết những khúc mắc hiện nay đối với người khiếm thị và khuyết tật muốn được kết nạp Đảng.
“Người dân tộc thiểu số muốn xin kết nạp Đảng chỉ cần viết đơn bằng tiếng của họ, rồi dịch ra tiếng Việt đi công chứng là được vậy còn người mù muốn viết đơn xin vào Đảng bằng chữ Braille thì sao? Tôi cũng từng tranh luận rằng, người mù là đảng viên, đem chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng tuyên truyền cho người mù thì tốt chứ có làm sao”, ông Thu nói thêm.
Cũng theo ông Thu, không phải cấp ủy địa phương nào cũng “cứng nhắc” trong việc kết nạp đảng viên là người khiếm thị hay người khuyết tật. Cụ thể, tại quê ông Hà Tĩnh, tất cả ủy viên Thường trực Hội người mù đều đã được kết nạp Đảng.
Cuối cùng, ông Thu khẳng định, những vấn đề ông nêu ra phản ánh đúng thực chất tình hình hiện nay của người khiếm thị và người khuyết tật khi muốn được kết nạp Đảng. Ông Thu bày tỏ tin tưởng, việc kết nạp Đảng phải đảm bảo tính công bằng cho mọi người. “Bất kể ai là công dân tán thành cương lĩnh, điều lệ của Đảng thì đều có thể được kết nạp Đảng”, ông Thu nói./.
Trần Khánh/VOV.VN
Link gốc: https://vov.vn/chinh-tri/can-tao-dieu-kien-cho-nguoi-khiem-thi-khuyet-tat-duoc-ket-nap-dang-812871.vov