Thông tin này được bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh đưa ra tại buổi họp báo thông tin tình hình mưa lũ ở địa phương ngày 24/10.
Theo bà Thủy, đơn vị đã lập Ban cứu trợ, đầu mối tiếp nhận hàng cứu trợ, tổ chức các tổ công tác về tận các địa phương để nắm bắt nhu cầu người dân. Các nguồn cứu trợ nhận được sử dụng công khai, minh bạch và hiệu quả.
Cũng theo bà Thủy, tiếp xúc khoảng 100 đoàn đến Hà Tĩnh cứu trợ vừa qua chỉ có 2 đoàn hiểu được người dân họ cần gì, còn lại chủ yếu hỗ trợ nhu yếu phẩm như mì tôm, nước ngọt.
Qua khảo sát, ngoài nhu yếu phẩm như lương thực cơ bản đến với người dân. Về lâu dài người dân cần có sinh kế để vực lại cuộc sống; nhu cầu cấp thiết của người dân bây giờ là giống, cây con và sửa chữa lại các đồ đạc thiết yếu.
Lũ khiến nhiều căn nhà ở Hà Tĩnh chìm trong nước (Ảnh minh họa).
“Cơn lũ vừa qua đã tàn phá nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, với tình hình này những hộ thoát nghèo có thể tái nghèo trở lại, do vậy việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu là rất quan trọng với người dân” – bà Thủy nói.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, bà Hồ Thị Thu Nhường - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa - Quảng Trị cho biết, trong những ngày qua có nhiều đoàn từ thiện đến địa phương phát đồ cứu trợ cho người dân vùng lũ.
"Người dân vùng lũ rất khó khăn, khi thiên tai xảy ra luôn cần sự vào cuộc hỗ trợ từ đồng bào trên cả nước. Sau khi lũ rút, người dân cần nhất là quần áo, sách vở cho học sinh, các loại thuốc chữa các bệnh thiết yếu như cảm sốt, tiêu chảy, gạo và đồ ăn khô" - bà Nhường cho biết.
"Người dân vùng lũ rất khó khăn, khi thiên tai xảy ra luôn cần sự vào cuộc hỗ trợ từ đồng bào trên cả nước. Sau khi lũ rút, người dân cần nhất là quần áo, sách vở cho học sinh, các loại thuốc chữa các bệnh thiết yếu như cảm sốt, tiêu chảy, gạo và đồ ăn khô".
Lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng thông tin, sau lũ cuộc sống của người dân rất khó khăn, thiếu nhiều các nhu yếu phẩm thiết thực như chăn màn, quàn áo, bàn ghế, sách vở và đặc biệt là thuốc phòng các bệnh tiêu chảy, cảm sốt, chống ruồi, muỗi...
"Nhiều đoàn cứu trợ mang theo lương thực, thực phẩm vào phát cho người dân trong thời gian qua, đó là tình cảm mà người dân vùng lũ rất cảm động.
Nhưng mong các đoàn cứu trợ hãy lưu ý, không phải đồ cứu trợ nào cũng thiết thực, mọi người hãy nghiên cứu kỹ trước khi cứu trợ để tránh lãng phí công sức và tiền bạc" - vị lãnh đạo cho hay.
Vị này cho biết, nhiều đợt hàng bánh chưng cứu trợ được chuyển đến huyện Lệ Thủy trong thời gian qua nhưng bị hỏng rất nhiều. Theo tính toán, bánh chưng từ khi gói tới lúc đến tay người dân cũng phải mất khoảng 10 ngày.
Trong điều kiện thời tiết mưa bão, đi lại khó khăn thì số bánh chưng này dễ hỏng hơn khi bảo quản ở nhà thông thường.
Ngọc Mai (Tổng hợp)
Theo baodatviet.vn
Link gốc: https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/2-doan-cuu-tro-o-ha-tinh-hieu-nguoi-dan-can-gi-3421292/