Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế nên rất cần sự hướng dẫn tránh, trú bão cụ thể của các lực lượng chức năng. Ảnh: TTXVN
Sáng 26/10, bão Molave đã đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020, dự báo có phạm vi ảnh hưởng tới 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Cơn bão số 9 được dự báo là mạnh tương đương bão số 12 (Damrey) năm 2017, từng gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận; đã làm 123 người chết, mất tích, 134.000 nhà, trên 73.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại cảng Quy Nhơn, tình Bình Định; thiệt hại vật chất trên 22.000 tỷ đồng.
Theo đó, nếu theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13 thì tổng số dân có thể phải sơ tán sẽ lên đến 1,3 triệu người.
Cùng với việc sơ tán dân, hiện nay tổng số tàu thuyền được thống kê tại khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa là 25.063 chiếc. Trong khi đó, tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế. Hiện các đơn vị Biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức kêu gọi, thông tin đến 59.477 tàu (tương đương 289.298 lao động) biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tổng số diện tích nuôi trồng thủy sản trong phạm vi khu vực bão ảnh hưởng là hơn 14.000 ha và gần 180.000 lồng, bè.
Theo dự báo, mưa lớn sẽ còn diễn ra tại Nghệ An - Quảng Bình ở mức trên 500mm/đợt, gây ngập lụt cho khu vực; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao đến rất cao ở vùng núi khu vực Trung Bộ. Trong khi đó, để ứng phó với bão số 9, có 21 hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh - Phú Yên đang xả đón lũ.
Các hồ chứa thủy lợi khu vực Nam Trung Bộ là 571 hồ, đã tích 30 - 90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công.
Từ Thừa Thiên-Huế - Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.
Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động di chuyển tránh trú an toàn hoặc không ra khơi. Từ đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai hướng dẫn sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, nhất là các bến cảng lớn, tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh để xảy ra các sự cố quá tải như trường hợp 8 tàu vận tải bị chìm tại phao số 0, cảng Quy Nhơn trong bão số 12 năm 2017.
Các địa phương cũng cần tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng hải sản; sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm vào đất liền, chỉ được quay trở lại khi có lệnh của chính quyền địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu nuôi trồng, khu sơ tán.
Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển.
Trên đất liền, các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở ngay trong thành phố. Chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày, các địa phương chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ”. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất... đến nơi an toàn.