Bóng đá Việt Nam: Xây dựng một tầm nhìn không "người Thái"

Thứ bảy - 30/03/2019 15:51
Nếu bạn là một người ngoại quốc có mặt trên sân Mỹ Đình trong cái đêm U23 Việt Nam đại thắng U23 Thái Lan 4-0 - sự kiện thể thao Việt Nam đáng chú nhất tuần qua, hẳn bạn sẽ nghĩ Việt Nam vừa vô địch một giải bóng đá tầm cỡ nào đó.

Nếu bạn là một người ngoại quốc biết tiếng Việt, chịu khó lướt web Việt, đọc facebook Việt, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được phần đông người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã chếnh choáng tột độ sau chiến thắng này. Và nếu được phân bua rằng, đây là một chiến thắng ở vòng loại một giải bóng đá trẻ cấp châu lục có lẽ bạn sẽ giật thót mình, đặt ra câu hỏi: chỉ là một trận thắng bình thường, vì sao người Việt lại chếnh choáng, lại sung sương, lại hả hê đến thế?

Vì đơn giản, đấy là thắng Thái. Mà thắng đậm tới 4-0, có lẽ là một trong những trận thắng Thái đậm nhận mà bóng đá Việt Nam đã và sẽ có thể tạo nên. Với bóng đá Việt Nam, Thái Lan đúng là một nỗi ám. Thế hệ vàng của những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng, Công Minh...chỉ thắng được Thái một lần duy nhất ở Tiger Cup năm 1998, khi mà Thái chủ động tung ra một đội hình loại 2, để giữ đội hình loại 1 cho sân chơi Asiad trên sân nhà. Còn lại, cứ gặp Thái là vỡ. Cứ gặp Thái là sợ. Cứ gặp Thái là hãi như thể gặp ma.

Đến thế hệ bạc của những Văn Quyến, Quốc Vượng, Thanh Phương..., Việt Nam cũng từng có trận hoà 1-1 ở vòng bảng môn bóng đá SEA Games 22 trên sân nhà, trận hoà ở thế trên chân đích thực. Nhưng khi gặp lại nhau ở chung kết thì lại thua. Và sau đó thì tiếp tục để "con ma" Thái với cái bóng tẩm độc của nó cứ thế "đè" mình rồi "ngộ sát" mình ngay từ lúc còn chưa xỏ giày ra sân. Ngay cả thế hệ vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của những Công Vinh, Việt Thắng, Như Thành...- một thế hệ lên ngôi sau khi bất ngờ thắng Thái ngay trên sân của Thái thì sau đó tất cả đều hiểu rằng: chúng ta chỉ may mắn thắng trong một trận đánh cụ thể mà thôi!

Hai liều thuốc giải

Năm 2013 - 2014, khi lứa cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai của những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... trình làng và trở thành nòng cốt của các Đội tuyển trẻ Việt Nam thì đột nhiên bóng đá Việt Nam tìm ra liều trị "con ma" Thái. Từ giải U19 Đông Nam Á đến U22 Đông Nam Á, rồi đến cả giải U21 quốc tế báo Thanh Niên..., thế hệ này cứ gặp Thái là thắng. Đến nỗi có lần vô tình đụng nhau ở một khách sạn tại Brunei, ông HLV trưởng U22 Thái đã có thái độ cay cú ra mặt. Lúc này thì ai cũng bảo, lứa cầu thủ này chính thức giúp bóng đá Việt Nam "giải" Thái. Ấy thế mà đến SEA Games năm 2017 - sân chơi chiến lược mà bóng đá Việt Nam quyết tâm đoạt huy chương vàng thì thế hệ này lại gãy nặng 3 bàn trước Thái, để rồi về nước ngay sau vòng đấu bảng. Đến lúc này thì chúng ta vỡ lẽ: hoá ra thuốc giải chưa nhiệm màu!

Nhưng liều thuốc thứ nhất hỏng thì chỉ một năm sau có liều thuốc thứ hai. Liều thuốc này mang tên PARK HANG SEO (xin được viết hoa như thế), và đúng là với liều thuốc này "con ma" Thái vỡ từ sân nhà Rajamangala vỡ cả sang Mỹ Đình.

Giải bóng đá giao hữu M150 Cup 2018 tại Rajamangala, giải đấu đầu tiên Park Hang-seo làm nhiệm vụ, U22 Việt Nam bất ngờ hạ gục U22 Thái 2 bàn. Mặc dù đấy chỉ là chiến thắng ở một giải giao hữu nhưng với cá nhân Park và với chính nền bóng đá, lần đè "ma" Thái này giống như cái nút thắt quan trọng, mở ra cả một chân trời.

Với Park, một thành viên trong ban huấn luyện đội tuyển khi đó từng công khai thừa nhận khi Park đến đây, xoá đi cái hệ thống 4-4-2 quen thuộc của cựu HLV Nguyễn Hữu Thắng, xoá luôn cái hệ thống 4-2-3-1 yêu thích của quyền HLV Mai Đức Chung thì rất nhiều cầu thủ hồ nghi. Sự hồ nghi ấy là logic vì nó là điều tất phải diễn ra với bất cứ cái mới, bất cứ sự thay đổi nào. Nhưng sau lần đè "ma" Thái với cái sơ đồ mới toanh 3-4-3, Park đã được các cầu thủ nhìn bằng một con mắt hoàn toàn khác. Họ phục Park, nghe lời Park, và quan trọng nhất: đã sẵn sàng chiến đấu theo những mệnh lệnh rất mới của Park.

Còn với nền bóng đá nói chung, lần "ma" Thái ngay trên sân Thái giúp cả một thế hệ cầu thủ tin rằng: chẳng có điều gì là mình không làm được! Và chính bằng niềm tin ấy, sau đó không lâu họ đã viết nên cả một giấc mơ đẹp tại Thường Châu (Trung Quốc).

Và bây giờ lại với Park Hang-seo, U23 Việt Nam hạ U23 Thái tới 4 bàn. Sau chiến thắng này Park đã nói cái điều mà sau chiến thắng lần trước mình chưa từng nói (hoặc chưa dám nói), đó là: từ giờ bóng đá Việt Nam chẳng việc gì phải sợ Thái Lan!

Đúng, chúng ta cần một cái nhìn, một nếp nghĩ, một tầm tư duy như thế.  

Những ứng xử tiếp theo

Điều phải bàn bạc tiếp theo là ngay trong những giải đấu rất gần, trong 1,2 năm tới đây thôi, từ King's Cup (giải giao hữu quốc tế truyền thống của Thái Lan) đến SEA Games năm 2019, từ VCK U23 châu Á năm 2020 đến AFF Suzuki Cup năm 2020, rất có thể Thái Lan vẫn sẽ là đối trọng chính của chúng ta. Vậy thì xét ở khía cạnh tâm lý, chúng ta cần phải nhìn về Thái, ứng xử với Thái như thế nào?

Lần đầu thắng Thái 4 bàn vừa qua (dù chỉ thắng ở cấp độ trẻ và ở vòng loại một giải bóng đá châu lục mà Thái đã chắc suất tham gia nhờ tư cách chủ nhà), phần lớn chúng ta đều sung sướng hả hê cứ như thể đội nhà vừa lên ngôi vô địch. Sự hả hê đó là dễ hiểu vì chiến thắng này giống như một cái đinh đóng chết "con ma" Thái.

Nhưng nếu đụng nhau ở những trận đấu vòng bảng hoặc vòng loại kiểu này, và nếu lại đánh bại Thái như lần này thì có cần một trạng thái hả hê tối đa như vậy nữa không? Khi đó nếu chúng ta vẫn cứ hả hê thì xem ra "con ma" Thái vẫn cứ lờn vờn đâu đó trong đầu óc chúng ta. Phản ứng hợp lý nhất lúc đó là hãy cứ tận hưởng niềm vui của mình theo đúng tính chất của một trận đấu vòng bảng hay vòng loại, và hãy coi chuyện thắng Thái như thắng các đối thủ khác trong khu vực.

Ngược lại, nếu chúng ta thua Thái thì sao? Khi ấy cũng đừng trầm trọng hoá cái thua, vì thắng - thua xét cho cùng là bản chất của cuộc chơi này. Và một khi đã chính thức đoạn tuyệt được cái bóng đầy ám ảnh của "con ma" Thái thì hãy giữ một niềm tin vững chắc rằng: thua lần này sẽ thắng lần sau.

Bình thường như chuyện ăn cơm và uống nước!

Bài học của người Sing

Vòng bảng Tiger Cup năm 1998,  giới truyền thông Việt Nam cứ sốt xình xịch với việc có khả năng đội mình phải đụng Thái ở bán kết, và đã đem cơn sốt của mình hỏi HLV trưởng Đội tuyển Singapore- Barry Whibread, rằng: Nếu không phải Việt Nam, mà chính Singapore mới phải gặp Thái ở bán kết thì sau? Rất nhanh, Barry Whibread nhoẻn miệng cười, và bình tĩnh đáp: Cũng được thôi! Chẳng sao cả.

Sau này một HLV khác của Singapore là Avramovic cũng thường xuyên trả lời theo cách đó mỗi lần truyền thông khu vực chất vấn về khả năng gặp Thái. AFF Cup năm 2007, Avramovic từng bảo: chúng tôi coi Thái Lan như tất cả các đối thủ khác của mình. Và năm ấy Sing ăn Thái thuyết phục để lên ngôi vô địch.

Lịch sử các lần gặp gỡ Thái Lan, Sing có thắng, có thua, nhưng tuyệt đối Sing không sợ Thái. Và tuyệt đối không bao giờ coi Thái là "ma", ngay cả lúc mà sự chênh lệnh đẳng cấp giữa hai nền bóng đá là cực đại.   

Nói tất cả những điều trên đây để thấy rằng, bước đầu liều thuốc Park Hang-seo đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc trị "con ma" Thái. Nhưng để chính thức đoạn tuyệt với một căn bệnh tâm lý vốn đã trở thành một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của mình, kéo dài hàng chục năm, từ hết thế hệ này sang thế hệ khác thì sự hành động của một mình ông Park là chưa đủ. Vì Park đến thì cũng có ngày Park đi. Và vì một con người - một liều thuốc, dù có đặc hiệu đến bao nhiêu cũng không thể chữa triệt để một căn bệnh tâm lý kéo dài.

Thành thử, không chỉ Park, từ giờ người hâm mộ cũng phải biết cách hành động hợp lý. Giới truyền thông cũng phải biết cách hành động hợp lý. Từ đó chúng ta sẽ chính thức tạo ra một dư luận hợp lý, không quá tả, cũng không quá hữu, trong mỗi lần thắng - thua Thái sau này.

Đúng là chúng ta ở chung một khu vực bóng đá với người Thái, đúng là chúng ta đã có quá nhiều ân oán với người Thái, nhưng chúng ta cần xây dựng một tầm nhìn không người Thái - một chân trời không người Thái!

Và chúng ta phải xây dựng tầm nhìn đó vừa bằng sự tự tin của mình, vừa bằng sự tôn trọng đối với tất cả các đối thủ của mình, trong đó có Thái Lan!

Theo Dân Việt
  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây