Bố chồng rơi nước mắt làm chủ hôn cho con dâu

Thứ sáu - 10/08/2018 14:22
Bão Chanchu năm 2006 cướp đi mạng sống gần 100 người đàn ông xã Bình Minh, để lại cảnh góa phụ cho nhiều người vợ khi vừa bước qua tuổi 20. Thương con dâu cảnh “đơn chiếc”, nhiều gia đình chồng tìm người mai mối, đứng ra tổ chức lễ cưới cho con dâu.

Đó là câu chuyện đang diễn ra tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).

Trước đó vào tháng 5/2006, cơn bão Chanchu đổ bộ và cướp đi sinh mạng của gần 200 ngư dân. Tỉnh Quảng Nam có gần 160 người, riêng xã Bình Minh 86 ngư dân mất tích trong bão.

Nhiều phụ nữ vừa bước qua tuổi 20 đã phải chịu cảnh góa phụ. Nhưng họ quyết định ở vậy để phụng dưỡng cha mẹ già.

12 năm trôi qua, người dân Bình Minh chứng kiến nhiều cảnh cảm động khi các gia đình chồng đứng ra tổ chức lễ cưới cho con dâu.

Nhớ lại cảnh dắt con dâu lên xe hoa để về nhà chồng mới, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tới (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) không cầm được nước mắt.

Theo ông Nghĩa, sau ngày mất chồng, con dâu ông sống rất tử tế, biết kính trên nhường dưới, luôn hiếu thảo với bố mẹ chồng.

Bố chồng rơi nước mắt làm chủ hôn cho con dâu
 
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nghĩa.

Thắp nén hương cho con trai, ông Nghĩa kể, năm 2004, con trai ông là anh Nguyễn Văn Tứ kết hôn với chị Nguyễn Thị Vi. Họ sinh cho vợ chồng ông đứa cháu nội sau đó 2 năm. Chưa kịp vui mừng, tai họa ập đến, ông nhận được tin 2 người con trai mất tích trong bão Chanchu.

Nén niềm đau, vợ chồng ông Nghĩa cố gắng làm ăn để nuôi con cháu, cũng là chỗ dựa tinh thần cho con dâu. Dành dụm được ít tiền, cộng với tiền hỗ trợ của xã hội, ông xây cho con dâu ngôi nhà mới.

4 năm sau, dần nguôi ngoai nỗi đau mất con trai, nhưng vợ chồng ông Nghĩa luôn đau đáu trước cảnh “cô đơn” của con dâu. Ông Nghĩa bàn bạc với vợ nhằm tác động, khuyên nhủ con dâu “bước thêm bước nữa”.

“Mất chồng khi mới qua tuổi 20, tương lai còn quá dài, ở với chúng tôi thì quá tội cho con dâu. Ngày đó, hôm nào vợ tôi cũng tác động, giải thích cho nó hiểu. Chúng tôi cũng nhờ bạn bè, hàng xóm khuyên nhủ con hãy mở lòng thêm lần nữa”, ông Nghĩa nhớ lại.

Sau nhiều lần tác động, chị Vi tìm hiểu rồi quen một người đàn ông ở xã bên. Biết được con dâu có người thương nhưng không dám nói, vợ chồng ông Nghĩa mở chuyện, ngỏ ý để đứng ra tổ chức cưới hỏi cho con.

Nhận được cái gật đầu của chị Vi, vợ chồng ông Nghĩa đi xem ngày cưới, chuẩn bị lễ cưới, bàn tiệc để cưới chồng cho con dâu. Cuối cùng, ngày cưới lần hai của chị Vi cũng được tổ chức tại nhà ông Nghĩa.

“Tuy lễ cưới không lớn nhưng đông đủ họ hàng nội, ngoại đến chúc mừng cho con dâu. Tôi đứng ra làm chủ hôn, vừa vui cũng vừa buồn khi con không còn là con dâu của mình. Nhưng làm được việc này, vợ chồng tôi và có lẽ con trai tôi ở dưới suối vàng cũng mãn nguyện”, ông Nghĩa chia sẻ.

Đáp lại tình cảm của vợ chồng ông Nghĩa, “chàng rể” mới xin được gọi vợ chồng ông Nghĩa là bố mẹ vợ, thay lời cảm ơn.

Cũng gặp hoàn cảnh tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nãi và bà Lê Thị Bảy (cùng SN 1947, thôn Hà Bình) có con trai là anh Nguyễn Văn Thành mất tích trong bão Chanchu. 

Lúc này vợ anh Thành là chị Trương Thị Tiện vừa bước qua tuổi 21 và đứa con chưa đầy 1 tuổi.

Bố chồng rơi nước mắt làm chủ hôn cho con dâu
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nãi.

Thương con dâu, vợ chồng ông Nãi khuyên chị Tiện đi lấy chồng mới. Vợ chồng ông cũng đứng ra mai mối, nhờ người khuyên nhủ chị Tiện nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của con dâu.

Đúng 12 năm phụng dưỡng bố mẹ chồng, từ ngày chồng chị Tiện mất, duyên phận mới cũng mỉm cười với chị khi anh Nguyễn Viết H. (SN 1981, trú huyện Núi Thành, Quảng Nam) đến thưa chuyện, xin cưới. Trước sự việc này, vợ chồng ông Nãi hết sức vui mừng.

“Con dâu nhận được lời ngỏ ý của anh H., tôi chưa đồng ý ngay. Theo đó, tôi phải đi tìm hiểu gia đình, tính cách của anh này, để yên tâm khi gả con dâu đi”, ông Nãi cho hay.

Sau 2 tháng xem xét cẩn thận, vợ chồng ông Nãi mới an tâm để con dâu đi bước nữa. Thế rồi đầu năm 2018, hôn lễ được tổ chức tại gia đình ông Nãi cùng sự hiện diện của 3 bên gia đình, cùng bạn bè gần xa.

“Vì không có con gái, tôi xem con dâu như con gái ruột của mình. Tất cả các thủ tục cưới hỏi không thiếu phần nào. Ngày đưa con dâu về nhà chồng ở Núi Thành, tôi đại diện nhà gái, đứng ra gửi gắm con lại cho gia đình thông gia, để họ chăm sóc, yêu thương con”, ông Nãi nhớ lại.

Tiếp câu chuyện bà Bảy kể: “Mới đây, khi nghe tin con dâu có bầu với chồng mới tôi vui mừng lắm, vì tâm nguyện lâu nay của vợ chồng tôi cũng được thực hiện. Con tôi ở dưới suối vàng cũng được yên tâm”.

Tác giả bài viết: Lê Bằng

Nguồn tin: Vietnanet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây