Huyện Lộc Hà là địa phương ven biển nên hệ thống đê chắn sóng biển và đê sông rất nhiều, tuy nhiên nhiều tuyến đê đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn cho nhiều vùng quê.
Một trong những tuyến đê xung yếu nhất ở huyện Lộc Hà đoạn ở xã Thạch Châu được xây dựng từ lâu, nhưng do cơn bão số 10 năm (2017) và triều cường đã làm vỡ. Hệ thống đê này vỡ đã mang theo hàng ngàn khối đất, cát làm bồi lắng hàng trăm héc ta đất sản xuất muối ở thôn Châu Hạ xã Thạch Châu bị bồi lắng. Vỡ đê hàng chục hécta nuôi trồng thủy sản xã Thạch Châu, Thạch Bằng bị hư hỏng và uy hiếp trực tiếp đến đời sống nhân dân trong vùng.
Sau mưa bão, nhân dân xã Thạch Châu, Thạch Bằng đã huy động cán bộ, nhân dân tự hàn gắn lại tuyến đê bằng đất và từng bước khôi phục sản xuất, thau chua, rửa mặn hồ nuôi trồng thủy sản và san đất cát trong đồng muối để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vừa qua cơn bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh gây mưa to diện rộng, lo sợ tuyến đê xung yếu này vừa đắp tạm sẽ vỡ nên chính quyền huyện Lộc Hà đã huy động lực lượng chức năng cùng với nhân dân chở đất, cát đóng bao tải đến kè ở thân đê nhằm bảo vệ tuyến đê xung yếu này.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch xã Thạch Châu huyện Lộc Hà cho biết, tuyến đê đoạn qua thôn Châu Hạ là tuyến đê chắn sóng đã làm từ lâu nay đã xuống cấp, năm ngoái bị vỡ một đoạn trên 10m đã ảnh hưởng đến đời sống sản xuất người dân trong vùng, địa phương đã huy động nhân dân cho hàn lại nhưng đó là giải pháp tạm thời. Địa phương mong muốn sớm có nguồn vốn hỗ trợ xây dựng kiên cố tuyến đê này cho nhân dân yên tâm lúc mưa, lũ đến.
Xã Thạch Kim huyện Lộc Hà là địa phương vùng biển có hệ thống kè biển dài hơn 10km chưa được xây dựng kiên cố. Mỗi lần mưa bão đến, triều cường với từng cơn sóng biển dâng cao tràn qua kè vào nhà dân ở nhiều thôn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt nhân dân trong vùng. Tuyến kè biển này nhiều năm liền chưa được trùng tu, nâng cấp sửa chữa và đang xuống cấp trầm trọng.
Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch xã Thạch Kim nói: "Do tuyến kè biển đoạn qua địa bàn xã đã xuống cấp và không chịu được những trận sóng khi mưa, bão về. Chúng tôi đã đề xuất lên huyện và tỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn vốn nào để nâng cấp, sửa chữa, nhân dân luôn trong tâm trạng lo lắng khi có mưa, bão."
Tuyến đê Hữu Phủ đoạn qua địa phận xã Tượng Sơn huyện Thạch Hà cũng đã vỡ trong cơn bảo số 10 (năm 2017) và đến nay tuyến đê này cũng mới chỉ hàn tạm lại để nhân dân trong vùng yên tâm canh tác. Tại xã Xuân Hộ,i huyện Nghi Xuân tuyến kè biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng chưa được sữa chữa. Các tuyến đê, kè ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên xuống cấp nghiêm trọng nhưng do thiếu vốn không được nâng cấp nên khi có mưa, lũ về sẽ uy hiếp trực tiếp đến đời sống nhân dân ở các huyện này.
Tỉnh Hà Tĩnh có 32 tuyến đê với chiều dài gần 319 km chủ yếu nằm ở các địa phương vùng ven sông, ven biển. Từ năm 2009 đến nay Hà Tĩnh đã phê duyệt được 5 dự án nâng cấp hệ thống đê sông, các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài 65,5km. Từ năm 2007 đến nay Hà Tĩnh đã đầu tư, nâng cấp được 172 km đê biển, đê cửa sông xung yếu, kinh phí ước tính thực hiện là 1.751 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, hiện tại có 16 trọng điểm xung yếu ở các tuyến đê, kè cần thiết có phương án bảo vệ khẩn cấp khi có mưa, lũ. Trong đó, thị xã Kỳ Anh có các điểm xung yếu trên các tuyến đê Khang Ninh, Kỳ Hà, Hòa Lộc, Minh Đức và Hoàng Đình.
Ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Tĩnh cho hay, Hà Tĩnh hiện có 13 dự án nâng cấp công trình kè sông, biển đang thi công dang dở với chiều dài 97km, tổng mức đầu tư được duyệt 1.485 tỷ đồng nay đã hoàn thành được 74km/97km. Đối với các điểm xung yếu ở các tuyến đê, kè, thì các huyện, thị xã có phương án bố trí lực lượng, phương tiện và tập kết hàng ngàn khối đất đá, bao tải triển khai ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Nguồn tin: Tường Vũ (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn