Theo phản ánh của người dân, tại khu vực bãi bồi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt, nhiều tàu công suất lớn hút cát xuyên đêm. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, người dân đã “kêu cứu” nhiều lần lên chính quyền địa phương nhưng rồi xã cũng bất lực trước nạn “cát tặc” hoành hành.
Xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) nằm ở hữu ngạn sông Lam, không chỉ được biết đến là nơi hội tụ của địa danh Lam Hồng hùng vĩ, mà còn được biết đến với sản vật dưa hấu ngon, nổi tiếng khắp vùng. Nhờ phù sa sông Lam bồi đắp, các bãi cát vốn cằn cỗi trước đây đã trở thành những cánh đồng dưa trù phú, màu mỡ. Dưa hấu mang lại cho người nông dân những đổi thay trong cả cách nghĩ và cách làm, nhờ đó đời sống của bà con ở nơi đây đỡ vất vả hơn so với thời kỳ độc canh cây lúa. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là nỗi lo lắng của những người trồng dưa Xuân Hồng khi những cánh đồng của họ đang từng ngày trôi theo dòng nước.
Chia sẻ với PV, chị Cao Thị Tâm ở xóm 7, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, thời gian gần đây, tối nào chị cũng ra ngoài cánh đồng ngủ để canh dưa hấu vào mùa thu hoạch, đều thấy các tàu hút cát trộm trên sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Hồng.
"Những chiếc tàu hút cát thường xuyên hoạt động về đêm, đặc biệt vào lúc 1 giờ đến 4 giờ sáng, tiếng máy nổ kêu ầm ĩ. Trên sông, có 5 – 7 tàu chụm lại vào nhau, rồi thò vòi xuống đáy sông để hút cát cho đến khi nào đầy tàu mới rời đi”, chị Tâm cho biết thêm.
Người dân lo lắng những đàn trâu của họ có thể bị cuốn xuống sông bởi những tảng đất bị lở ra khi nào không hay biết. Ảnh: PV
Men theo dòng sông Lam đoạn chảy qua địa phận xã Xuân Hồng, nạn khai thác cát quá mức làm lòng sông khu vực này bị khoét rỗng; bờ sông bị tụt xuống rất sâu; các hàm ếch cứ thế hình thành dọc khúc sông, chỉ cần một cơn mưa là hàng vạn m2 đất canh tác của bà con bị cuốn theo thủy thần.
“Chồng tôi ra đồng để cày đất làm dưa, vừa bước xuống xe để vào lán uống nước, đột nhiên cả mảng đất to tướng lở ra kéo chiếc xe cày đổ ập xuống nước. Tôi phải đi nhờ 3 người lặn sâu xuống nước, ngoắc cáp vào kéo xe lên bờ. Chiếc xe cày bị hư hỏng nặng, mất biết bao nhiêu tiền để sửa chữa”, Chị Tâm bức xúc.
Cũng theo chị Tâm, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng này vẫn cứ còn diễn ra: "Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn giúp người dân, nếu không diện tích đất canh tác của chúng tôi sẽ bị sạt lở hết''.
Diện tích đất canh tác của người dân cứ mất dần, mất mòn. Ảnh: PV
Không mấy khó khăn, chỉ cần đến khu vực này, vào lúc nửa đêm hoặc gần sáng, ta có thể nghe tiếng máy nổ xé toang khung cảnh tĩnh lặng cả một vùng, từng đám khói đen kìn kịt bốc lên trời. Trên sông, luôn có từ 8 đến 10 thuyền và xà lan buông vòi “bạch tuộc”, đường kính 10 -12 cm hút “máu” dòng sông. Trên mỗi chiếc tàu hay xà lan đều trang bị từ 4 - 6 máy 15-18 CV để hút cát, chỉ nhoáng một vài tiếng đồng hồ là đầy một xà lan cát 50 – 60 m3… Trước đây nông dân ở xóm 1, xã Xuân Hồng đã nhiều lần tập hợp nhau dông thuyền ba ván ra sông ngăn, giằng co, truy đuổi cát tặc nhưng rồi đành bất lực, chịu thua!
Khu vực đất canh tác ven sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: PV
Ông Trần Đình Văn – Bí thư thôn 1, xã Xuân Hồng cho biết, cách mấy năm trước, vào lúc đêm khuya, khi thấy tàu hút cát, bà con cũng đã tổ chức để đuổi bắt nhưng tàu hút cát có 6 – 8 cái máy lớn, hút rất nhanh. Khi tập hợp được bà con, thì chúng đã hút đầy cát và bỏ chạy”.
Cũng theo ông Văn, “do tần số khai thác cát quá mức, vùng bãi bồi đã vẹo vọ, nguếch ngoác và thấp trũng bởi các vết nứt lở đã ăn sâu vào bờ sông. Từ chỗ này đến vùng phía trong của bãi bồi (vốn đã sâu do trước đây đã cho phép khai thác đất) khoảng 30m. Nếu nạn hút trộm cát diễn ra với tốc độ này, đồng thời mưa lũ nước to kéo về chỉ một thời gian ngắn nữa, bãi bồi này sẽ bị cắt làm đôi và vùng phía dưới sẽ thành một “ốc đảo”, Ông Văn lo lắng.
Chính quyền bất lực?
Ông Nguyễn Xuân Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng xác nhận, tình trạng khai thác cát trộm xảy ra từ hàng chục năm nay và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
“Trước đây, chúng tôi đã nhiều lần họp bàn và phối hợp giữa công an, dân quân cùng các thôn để ra đẩy đuổi, ngăn chặn, có khi còn có cả lực lượng chức năng của huyện bắt giữ và xử lý. Nhưng cứ được vài ngày, khi quân ta rút về thì đâu lại vào đấy”, Ông Tuyên tỏ ra bất lực.
Người dân lắc đầu ngao ngán vì chưa tìm ra cách ngăn chặn tình trạng khai thác cát trộm. Ảnh: PV
Nói về địa điểm khai thác cát trộm như người dân phản ánh, ông Tuyên cho biết, từ vùng giáp dân cư ở thôn 1 đến khu bãi bồi dọc sông Lam có chiều dài gần 2km, hàng năm khu vực bãi bồi bị sạt lở, ăn sâu vào gần 20 m đất sản xuất của người dân.
Ông Tuyên còn cho biết thêm, khi chúng tôi xuống kiểm tra, người dân đánh chài lưới ban đêm nơi đây cung cấp thêm: “Mỗi tàu của “cát tặc” gồm 5 máy chĩa những vòi lớn xuống hút 400 khối cát trong thời gian 30 phút. Manh động hơn, sau khi hút trộm xong, chúng nhảy lên bờ di dời các cột mốc biển báo thủy văn cắm dọc sông Lam theo dõi mực nước trong mùa mưa lũ cắm lại vào sâu phía trong...".
Các cột mốc biển báo thủy văn cắm dọc sông Lam theo dõi mực nước trong mùa mưa lũ có nguy cơ sập xuống nước do “cát tặc” lộng hành nhiều năm. Ảnh: PV
Trao đổi với PV Congluan.vn, Ông Phạm Tiến Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi xuân cho biết: UBND huyện cũng đã nắm được thông tin về tình trạng sạt lở nhiều đất sản xuất của bà con và cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh Hà Tĩnh để có biện pháp giải quyết triệt để. Hai năm nay, lực lượng Công an huyện cũng đã tích cực bắt và xử phạt nhưng đâu vẫn hoàn đấy”. Ông Hưng nói.
Ban đêm sau khi hút trộm xong, chúng nhảy lên bờ di dời các cột mốc này cắm lại sâu vào phía trong bờ thế này để đánh lạc hướng việc bờ sông bị sạt lở, lấn sâu đất vùng bãi bồi. Ảnh: PV
Nạn khai thác cát trái phép bừa bãi đục khoét dòng sông Lam - huyện Nghi Xuân khiến con sông vốn hiền hòa, thơ mộng đang ngày một cơi nới dòng chảy, trở nên hung dữ và khó lường hơn. Hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ sông này cũng hết sức hoang mang trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trong khi chính quyền còn chưa tìm ra một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, mọi hệ lụy dân đều... gánh đủ.
Thiết nghĩ , để chấm dứt tình trạng khai thác cát bừa bài trên địa bàn, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Cùng với việc tăng cường các hoạt động phổ biến tác hại của việc khai thác cát bừa bãi trong mọi tầng lớp nhân dân, cần phải có biện pháp mạnh với những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả bài viết: Trần Phong
Nguồn tin: Công luận
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn