Theo nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội, ở huyện Nghi Xuân có 4 xã, thị trấn sẽ sáp nhập, gồm: xã Tiên Điền và thị trấn Nghi Xuân sáp nhập, đổi tên thành thị trấn Tiên Điền; xã Xuân Đan và xã Xuân Trường sáp nhập và đổi tên thành xã Đan Trường.
Công chức xã xin nghỉ việc ở Hà Tĩnh được nhận 760 triệu đồng
Việc sáp nhập 4 xã, thị trấn thành 2 xã, thị trấn như trên sẽ khiến cán bộ, công chức bị thừa, khó khăn cho việc sắp xếp lại bộ máy. Bí thư Huyện ủy Phan Tấn Linh đã có nhiều cuộc gặp mặt, vận động cán bộ, công chức nghỉ việc.
Ông Phan Văn Thư, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, có tới 21 cán bộ xã xin nghỉ tự nguyện. Cán bộ nghỉ việc sẽ nhận được mức lương và hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất là khoảng 760 triệu đồng, thấp nhất 100 triệu.
Người được nhận khoảng 760 triệu đồng là ông Phạm Đức Trung (SN 1968), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tiên Điền.
“Đồng chí Trung là người có năng lực, còn khoảng 10 năm công tác với 2 nhiệm kỳ nữa. Nhưng vì cái chung trong sắp xếp tổ chức bộ máy, sau quá trình vận động nhận thấy việc nghỉ sẽ giúp huyện sắp xếp bộ máy gọn hơn nên anh Trung đã gương mẫu xin nghỉ”, ông Thư cho biết.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Xuân, việc ông Trung hưởng số tiền khoảng 760 triệu đồng khi viết đơn nghỉ việc là căn cứ nghị định 108, 113, theo nghị quyết HĐND tỉnh, nghị quyết HĐND huyện.
Ông Phạm Đức Trung cho biết, ông đã có 31 năm công tác, làm cán bộ xã. Hiện vẫn còn khoảng 11 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu.
Muốn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ
"Lý do xin nghỉ của tôi rất đơn giản. Huyện vận động, định hướng, cơ cấu để tôi làm Bí thư, Chủ tịch HĐND thị trấn Tiên Điền sau khi sáp nhập. Nhưng tôi nghĩ đến chính sách cơ cấu của nhà nước, chủ trương tinh giản biên chế.
Tôi muốn tạo điều kiện cho tổ chức, hơn nữa tôi muốn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển, nhường suất lại cho các em, các cháu phát triển...", ông Trung nói.
Ông Phạm Đức Trung
Cũng theo ông Trung, ông xin nghỉ việc với tinh thần thoải mái, vui vẻ và nghĩ đơn giản, thể hiện trách nhiệm của người đảng viên.
"Tôi cống hiến 31 năm, làm đến chức vụ cao nhất của xã như vậy cũng nhờ sự giúp đỡ của thế hệ cán bộ trước. Họ đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ tôi phát triển thì bây giờ tôi phải có trách nhiệm nhường vị trí cho lớp trẻ để các em cống hiến. Thế hệ 4.0 giỏi công nghệ hơn tôi nên để các em phát triển là hợp lý rồi", ông Trung nói thêm.
Được biết, trong số 8 tỉnh được UB Thường vụ Quốc hội biểu quyết phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã, Hà Tĩnh là địa phương có số lượng đơn vị cấp xã phải sắp xếp nhiều nhất.
Giai đoạn 2019-2021, tỉnh dự kiến giảm 46 xã, trong đó có một số huyện giảm nhiều như: Đức Thọ, Thạch Hà, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân.
Thiện Lương
Theo Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bi-thu-xa-o-ha-tinh-guong-mau-nghi-viec-duoc-nhan-760-trieu-604286.html?fbclid=IwAR3OMiqDxikrg0VJJrAzESBtwCSWEP5QhDR335ClvRqSexHCq-vYtQF6w-4