Tỉnh Hà Tĩnh là địa phương dồi dào về nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, trong đó chủ yếu là keo, tràm. Hằng năm, địa phương này có hơn 100.000ha đến thời kỳ khai thác, khối lượng thu hoạch lớn song toàn tỉnh mới chỉ có nhà máy của Công ty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt (huyện Vũ Quang) và một số nhà máy tại Khu kinh tế Vũng Áng tiêu thụ nguồn nguyên liệu gỗ keo cho nhân dân trên địa bàn.
Xuất phát từ thực tế đó, tại nhiều địa phương như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc và Thạch Hà, nhiều cá nhân, tổ chức mặc dù chưa được cấp phép, chưa đầy đủ thủ tục nhưng đã tự ý xây dựng nhà máy, lắp đặt hệ thống máy móc, dây chuyền để thu mua sản phẩm, hoạt động băm dăm trái phép.
Loạt cơ sở băm dăm trái phép hoạt động
Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, qua kiểm tra, rà soát thì trên địa bàn huyện có 4 cơ sở hoạt động băm dăm từ gỗ rừng trồng (gỗ keo) và 1 cơ sở đang triển khai xây dựng từ tháng 9/2024. Tuy nhiên, về hồ sơ, thủ tục hoạt động của các cơ sở chưa đảm bảo quy định, các cơ sở băm dăm phần lớn được xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình, cá nhân nhưng đã được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động từ nhiều năm.
Cụ thể, Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại cụm công nghiệp (CCN) Gia Phố của ông Trần Viết Hùng có hoạt động thu mua, cưa xẻ gỗ và ván bóc từ năm 2021, đến năm 2023 có thêm băm dăm nhưng không đúng mục tiêu dự án được duyệt. Qua kiểm tra, bên trong công ty hiện có đầy đủ các máy bóc ván, máy băm dăm, máy xay vỏ và các máy gắp, máy nâng. Công ty TNHH TM và DV Trà My của ông Phạm Thanh Long tại thôn Bình Thành, xã Hương Bình hoạt động cưa xẻ gỗ và thu mua vỏ keo từ năm 2020, đến đầu năm 2023 cũng phát sinh thêm hoạt động băm dăm. Tháng 3/2024, UBND huyện Hương Khê đã xử phạt doanh nghiệp này vi phạm hành chính số tiền 8 triệu đồng trên lĩnh vực môi trường.
Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải của ông Nguyễn Thái Nam tại thôn 9, xã Hương Long hoạt động thu mua, cưa xẻ, ván bốc gỗ keo tràm từ năm 2016, đến năm 2018 có thêm hoạt động băm dăm. Hộ kinh doanh Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch liên kết hoạt động với Công ty TNHH Nam Long thuộc tập đoàn Hà Hưng (TP Hải Phòng) hoạt động băm dăm từ đầu năm 2024. Ngoài ra, tại cơ sở thu mua, chế biến gỗ tại thôn 10, xã Hà Linh của ông Hoàng Duy Viết, qua kiểm tra vào ngày 11/10 phát hiện ông này đã đầu tư xây dựng nhà xưởng kiên cố với 23 trụ bê tông cột thép, lợp mái bằng tôn và 1 trạm điện trên diện tích đất trồng cây lâu năm để mở rộng điểm thu mua gỗ keo và thực hiện băm dăm nên đã yêu cầu dừng thi công, tháo dỡ.
Tại huyện Hương Sơn, tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn có dấu hiệu hoạt động băm dăm, trong đó một số cơ sở xây dựng và hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm các quy định về phòng, chống cháy nổ, nguồn gốc lâm sản, ô nhiễm môi trường; gây mất ANTT, an toàn lao động. Đơn cử, trên địa bàn xã Sơn Tây có cơ sở chế biến gỗ băm dăm của Công ty TNHH MTV Thương Mại và Dịch vụ Hoài Luyến hoạt động băm dăm keo từ đầu năm 2023. Ngày 26/11/2023, UBND xã Sơn Tây lập biên bản đình chỉ hoạt động của cơ sở này, yêu cầu HTX điện Sơn Tây ngừng cung cấp điện. Ngày 14/4/2024, phát hiện cơ sở băm dăm Hoài Luyến tập kết keo, có dấu hiệu băm dăm trở lại, chính quyền xã Sơn Tây đã lập biên bản đình chỉ lần 2 đối với cơ sở.
Trên địa bàn xã Sơn Lễ có cơ sở Nhà máy chế biến gỗ VBE Hà Tĩnh, đóng tại KCN Khe Cò. Theo báo cáo của UBND xã Sơn Lễ, từ năm 2022 Nhà máy chế biến gỗ VBE Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động ổn định, tuy nhiên trong thời gian qua, sau khi nhà máy bổ sung dây chuyền hoạt động băm dăm thêm ngoài trời thì tạo ra tiếng ồn quá lớn, hoạt động cả ngày đêm, lượng khói bụi thải ra môi trường bay vào nhà ở của nhân dân.
Người dân thôn Khe Cò và các thôn lân cận đã phản ánh nhiều và đã có văn bản của thôn gửi UBND xã Sơn Lễ. Ngày 10/10/2024, huyện Hương Sơn lập đoàn kiểm tra dự án này, phát hiện ngoài hiện trạng nhà máy đã hoạt động từ năm 2022, còn phát sinh thêm một dây chuyền gỗ băm dăm trong khuôn viên nhà máy. Tại thời điểm kiểm tra, dây chuyền băm dăm đang hoạt động.
Quy trình băm dăm trong khuôn viên Nhà máy chế biến gỗ VBE Hà Tĩnh.
Núp bóng thu mua vỏ cây keo, tràm để hoạt động băm dăm
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Hương Sơn còn có cơ sở băm dăm nằm trong xưởng chế biến lâm sản của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tại khối 4 thị trấn Tây Sơn. Qua kiểm tra, Công ty có mở rộng sản xuất băm dăm gỗ khi chưa đảm bảo các thủ tục theo quy định nên UBND huyện đã chỉ đạo đình chỉ hoạt động sản xuất băm dăm và giám sát hoạt động của công ty.
Tại thôn Sông Con, xã Quang Diệm từ đầu năm 2024 phát hiện trên phần đất của hộ ông Nguyễn Thành Đức đã cho bà Nguyễn Thị Mai Hà, trú tại TP Vinh (Nghệ An) thuê để xây dựng nhà xưởng thu mua và bóc gỗ keo nguyên liệu trái phép. UBND xã Quang Diệm đã lập biên bản đình chỉ. Tuy nhiên, chủ cơ sở này không chấp hành nên đến tháng 5/2024 chính quyền tiếp tục có văn bản yêu cầu điện lực Hương Sơn ngừng cấp điện. Theo phản ánh của người dân địa phương, cơ sở này đến nay vẫn đang lén lút hoạt động.
Tại các địa phương khác cũng có nhiều cơ sở băm dăm có quy mô lớn, tự ý mọc lên khi chưa có đầy đủ hồ sơ theo quy định như xưởng băm dăm nằm trong khuôn viên đất của Công ty TNHH Sơn Vĩnh tại xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà; cơ sở băm dăm của ông Trần Quốc Dũng tại xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc; Xưởng băm dăm tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ; Xưởng băm dăm tại xóm 2, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang...
Cùng với đó, hàng trăm điểm tập kết, thu mua keo tràm mọc lên tại nhiều địa phương, trong đó tập trung nhiều tại huyện Hương Khê và dọc đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Vũ Quang. Phần lớn các cơ sở băm dăm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều núp bóng là thu mua vỏ cây keo, gỗ tạp về xay làm viên nén, song thực tế đây chỉ là vỏ bọc, thực chất hoạt động băm dăm trái phép. Nguyên nhân là hoạt động băm dăm lợi nhuận cao, gần như tận thu được cả phần ngọn lẫn thân gỗ bị dập, vỡ không thể bóc ván hay xẻ thanh được.
Cùng với đó, phần lớn các xưởng gỗ băm trên được xây dựng và hoạt động trên đất chưa được quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất, nằm trong khu dân cư, không đảm bảo về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Hoạt động băm dăm trái phép này đã kéo theo nhiều hệ lụy như gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn và bụi ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Việc các cơ sở này nằm ở các vị trí không đúng quy hoạch kéo theo hệ thống hạ tầng giao thông bị xuống cấp, hư hỏng nặng do xe chở nguyên liệu quá khổ, quá tải thường xuyên lưu thông.
Thực tế cho thấy, tại các địa điểm đặt xưởng băm dăm trái phép, đường giao thông gần như bị “cày nát”, lầy lội khi trời mưa và bụi bẩn vào ngày nắng. Hoạt động của các xưởng gỗ dăm trái phép còn gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương.
Xử lý không nhất quán
Liên quan đến hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các Sở, ngành gồm: TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT Công an tỉnh cùng UBND các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang và Đức Thọ, thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở băm dăm hoạt động không phép theo đúng quy định; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT đã có 2 văn bản, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành 3 công văn yêu cầu các huyện rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm các cơ sở băm dăm hoạt động không phép trên địa bàn. Tinh thần chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh là yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh nhằm thắt chặt quản lý trong sản xuất gỗ dăm. Trong đó, phải làm rõ quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước của địa phương, trách nhiệm các bên liên quan; căn cứ quy định của pháp luật, chủ động xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp quản lý nhà nước theo đúng quy định, đúng thẩm quyền.
Chỉ đạo quyết liệt là vậy, song khi vào cuộc xử lý, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh chưa thực sự quyết liệt, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời. Là địa phương có các cơ sở băm dăm trái phép nhiều nhất tỉnh, huyện Hương Khê từng được đánh giá là mạnh tay trong việc “trảm” các doanh nghiệp không đủ điều kiện, khi vào ngày 4/10/2024, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê ban hành Văn bản số 2532 về việc chấm dứt các hoạt động đối với 4 cơ sở chế biến gỗ băm dăm trên địa bàn huyện, bao gồm: Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố, Công ty TNHH TM và Dịch vụ Trà My, Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải và hộ ông Nguyễn Đức Thiện.
Cùng với đó, yêu cầu lập biên bản đình chỉ và buộc tháo dỡ vi phạm đối với nhà xưởng băm dăm tại xóm 10, xã Hà Linh của hộ ông Hoàng Duy Viết. “Trường hợp các cơ sở không chấp hành lập hồ sơ xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu địa phương nào để tái diễn tình trạng tự phát xây dựng các cơ sở nhà, xưởng chế biến trái phép trên địa bàn thì Chủ tịch UBND địa phương đó chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND huyện và pháp luật”, công văn của huyện Hương Khê thể hiện sự kiên quyết.
Tuy nhiên, sau khi ông Ngô Xuân Ninh chuyển công tác, ngày 15/10/2024, ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã ký văn bản đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan xem xét tạm thời cho các cơ sở băm dăm đã hoạt động nhiều năm nay tiếp tục hoạt động trở lại (nhưng có kiểm soát), vì nếu đình chỉ hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của một bộ phận người dân lao động. Hiện nay, tất cả các cơ sở này đang đình chỉ hoạt động nhưng huyện Hương Khê cho giữ nguyên các công trình, máy móc và đây cũng là một kẽ hở trong khâu quản lý, khi người dân cho biết, một số cơ sở có dấu hiệu lén lút hoạt động băm dăm vào ban đêm hoặc ngoài giờ hành chính.
Cảnh nhếch nhác bên trong cơ sở băm dăm của Công ty Dịch vụ thương mại Ngàn Phố tại cụm công nghiệp Gia Phố.
Sớm lập lại trật tự
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, thời gian vừa qua, hoạt động trong lĩnh vực gỗ dăm trên địa bàn có dấu hiệu ảnh hưởng đến ANTT. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ dăm chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định khi phần lớn chỉ mới có Giấy đăng ký kinh doanh, hồ sơ phòng cháy chữa cháy, hồ sơ theo dõi nhập - xuất lâm sản và được xây dựng trên đất ở, đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình. Khi chính quyền và ngành chức năng quyết liệt vào cuộc để xử lý, các doanh nghiệp này đã có động thái phản ứng.
Đơn cử như tại huyện Hương Khê, ngày 4/10/2024, huyện này phát đi văn bản đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện thì 2 ngày sau đó, các doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động chế biến băm dăm gỗ đã ký đơn tập thể, bày tỏ không đồng tình gửi UBND tỉnh và Sở TN&MT, đề nghị cho các cơ sở băm dăm này được hoạt động trở lại.
Tiếp nhận phản ánh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ kiểm tra, soát xét cụ thể nội dung phản ánh. Qua đó, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở băm dăm hoạt động không phép theo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay xuất phát từ việc cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường; thiếu kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời dẫn đến các cơ sở băm dăm trái phép vẫn mặc nhiên tồn tại.
Trong thời gian tới, thiết nghĩ UBND tỉnh Hà Tĩnh cần chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn nữa trong khâu quản lý về mặt nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ dăm, kiên quyết loại bỏ những doanh nghiệp không đủ điều kiện để hướng tới một nền sản xuất lành mạnh, an toàn, đúng pháp luật. Đồng thời, qua đó cũng giảm thiểu được những hệ lụy có thể xảy ra như nguy cơ mất ANTT và vệ sinh an toàn lao động. Rà soát, làm thủ tục cấp phép đối với những cơ sở băm dăm đủ điều kiện theo quy định.