Tại cuộc họp chiều 21/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, các chuyên gia đánh giá các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cơ bản đã khoanh vùng, cách ly được các trường hợp F1.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc ở 2 địa phương là điểm nóng của dịch đã giảm. Bên cạnh công tác phòng chống dịch trong các khu công nghiệp, các tỉnh này cũng đang tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn dịch lây ra cộng đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, ổ dịch Bắc Ninh đã kiểm soát được, những ngày tới vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới trong các khu cách ly. Tại Bắc Giang cũng đã kiểm soát được dịch, nhưng số các mắc mới có thể tăng do tốc độ xét nghiệm các F1 (đã cách ly) đang được đẩy mạnh… Ông Phu đề nghị các địa phương siết chặt công tác cách ly tập trung để tránh dịch bệnh lây nhiễm chéo.
Phòng dịch ở mức cao nhất trong doanh nghiệp
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận giải pháp để các nhà máy, doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng lớn trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang tiếp tục hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất nếu cam kết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất trong toàn bộ quy trình sản xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, những ngày qua một số hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cũng đã gửi văn bản đến Bộ đề nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đắc Phu đề nghị, các tỉnh không áp dụng các biện pháp chống dịch quá “máy móc” ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Trao đổi tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, “tìm mọi cách để đưa các nhà máy lớn trở lại hoạt động sớm nhất”.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản gỡ vướng cho sản xuất, lưu thông hàng hoá, theo hướng: “Nhà máy nào đảm bảo 4 tiêu chí sau sẽ được trở lại hoạt động. Thứ nhất, tất cả công nhân đều được quản lý chặt chẽ cả trong giờ và sau giờ làm việc. Thứ hai, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong nhà máy theo chu kỳ tối thiểu 3 ngày/1 lần hoặc tiến hành xét nghiệm nhanh hằng ngày. Thứ ba, trong nhà máy phải đảm bảo giãn cách ở mức cần thiết. Thứ tư, phương tiện vận chuyển hàng hoá phải được khử khuẩn, lái xe được xét nghiệm hàng ngày...”.
Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Công an, đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài phải có phương án quản lý chặt chuyên gia theo hướng các chuyên gia nước ngoài phải ở lại nhà máy (ký túc xá hoặc khu nhà ở cho chuyên gia), không đi lại giữa nhà máy và nơi cư trú…
Đối với Bắc Ninh, Bắc Giang, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh phải mạnh dạn thử nghiệm cách ly tại nhà; Bộ Y tế phối hợp với địa phương tính toán lại việc phân tuyến điều trị các bệnh nhân COVID-19 cho phù hợp với tình hình mới…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.
Bảo đảm bầu cử an toàn và tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân
Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Sĩ Hiệp đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đang bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt kịp thời, hiệu quả phòng, chống dịch.
Theo ông Hiệp, tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa có ổ dịch mới không rõ nguồn lây, đã có 3 tỉnh qua 14 ngày không phát hiện ca nhiễm mới. “Đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn khống chế được tình hình dịch bệnh, đảm bảo điều kiện an toàn để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Về Quỹ mua vaccine, nguyên tắc chung là Nhà nước đảm bảo tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ khuyến khích và ủng hộ chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp, người dân cùng chung sức với Chính phủ để bảo đảm vấn đề này. Việc sử dụng quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy chế, quy định pháp luật. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn các địa phương từ tỉnh, đến huyện, xã chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ các ổ dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang phải quản lý chặt công nhân làm trong khu công nghiệp, không để lan ra các tỉnh. Đồng thời, Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhanh chóng đưa các doanh nghiệp đủ điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ sớm trở lại hoạt động. Nhất là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn, từ hai địa phương này ra các tỉnh khác và toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng mô hình mẫu để ứng phó dịch ở những nơi tập trung đông người như các khu công nghiệp. Trong đó, với tình huống F1 quá nhiều thì phải thí điểm ngay việc cách ly tại nhà bảo đảm an toàn, “mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng”.
“Cần đổi mới sắp xếp bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, điều hành chuyển tuyến khi bệnh nhân có triệu chứng. Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch triệt để tại các ổ dịch mới, như ở Điện Biên. Các địa phương khác có công nhân trở về từ các khu công nghiệp có dịch phải sẵn sàng, nếu phát hiện phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Mầm bệnh đã ở trong cộng đồng, lúc nào cũng có thể bùng phát, chúng ta chỉ lơ là 2 ngày là hết 1 chu kỳ lây nhiễm, sau 5 ngày là 2 chu kỳ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tiếp tục đổi mới xét nghiệm, không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở tất cả các tỉnh. Theo đó, khuyến khích tập huấn, yêu cầu các tỉnh phải kết hợp các loại xét nghiệm, tăng cường công suất bằng cách xét nghiệm mẫu gộp, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và trả kết quả. Bộ Y tế cần tổ chức tiếp các đội lấy mẫu sẵn sàng trợ giúp các tỉnh.
“Bộ Y tế chỉ đạo sớm có hướng dẫn để trong trường hợp cần thiết, như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, công nhân khu công nghiệp có thể tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát, hỗ trợ của nhân viên y tế. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu, sẵn sàng bỏ kinh phí, mua bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để xét nghiệm sàng lọc cho công nhân với tần suất cao hơn, bảo đảm an toàn cho sản xuất” - ý kiến các chuyên gia và các thành viên Ban chỉ đạo nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế đã làm rõ hai loại xét nghiệm là xét nghiệm sàng lọc và xét nghiệm tự nguyện. Theo đó, người dân nằm trong đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc, truy vết theo yêu cầu, chỉ định của cơ quan y tế hoặc một số đối tượng như người đi nước ngoài, người đến bệnh viện… thì tích cực, chủ động tham gia để hỗ trợ cơ quan y tế đánh giá tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, Bộ Y tế không khuyến khích người dân “tự bỏ tiền túi” để xét nghiệm dịch vụ, không chỉ gây tốn kém mà còn gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch./.