Nhà phao tránh lũ của gia đình anh Lê Văn Đề, thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ (Hương Khê).
Xã Điền Mỹ (Hương Khê) nằm ở khu vực cuối lòng chảo của thung lũng Hương Khê có sông Ngàn Sâu chạy qua, địa hình một nửa là đồi, một nửa là núi thấp. Khi mưa lớn xảy ra ở khu vực phía tây Hà Tĩnh, tất cả sông suối đều dồn nước về sông Ngàn Sâu và đổ dồn về lòng chảo Điền Mỹ khiến khu vực này ngập sâu và ngập lâu hơn so các địa phương khác.
Sống trong vùng lũ nên người dân nơi đây đã trang bị cho mình những phương thức ứng phó lâu dài với lũ. Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Điền Nguyễn Văn Khánh cho biết, từ lâu việc xây dựng nhà ở kiên cố có chạn (gác) cao để tránh lũ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất. Ngoài việc bảo đảm sinh hoạt cho gia đình mình trong một vài tuần, có thể tiếp nhận, giúp đỡ một số hộ dân chung quanh lên nhà tránh lũ.
Hiện nay, toàn xã có hơn 140 nhà tránh lũ được xây dựng kiên cố, riêng 1.250 hộ dân còn lại bà con đều chuẩn bị cho mình những nhà phao tránh lũ phù hợp điều kiện kinh tế và địa hình của mỗi gia đình.
Có hai dạng nhà phao tránh lũ phổ biến nhất hiện nay là nhà phao di động và nhà phao cố định. Đơn cử, do điều kiện địa hình nên gia đình anh Khánh chọn phương án xây dựng nhà phao di động. Với kiểu nhà này, gia đình anh chỉ đầu tư khoảng 20 triệu đồng thiết kế một khung bằng sắt hoặc gỗ có diện tích 20m2, vách được làm bằng mái tôn có kết cấu nhẹ, dưới là 12 thùng phuy nhựa đựng nước. Nước dâng đến đâu nhà phao nổi đến đó.
Đối với loại nhà phao kiểu này, khi hết lũ, bà con có thể tháo rời từng bộ phận, cất gọn vào vị trí thuận lợi, không chiếm diện tích đất vườn và có thể lắp ghép dễ dàng.
Đồng quan điểm trên, anh Lê Văn Đề, xóm Trung Tiến cho biết, sau trận lũ năm 2018, gia đình anh đã lắp ráp một nhà phao cố định có chi phí đầu tư hơn 40 triệu đồng.
Tương tự nhà phao di động, nhà phao tránh lũ kiểu cố định của gia đình anh được thiết kế bằng khung làm bằng sắt và thùng phuy nhựa. Tuy nhiên, anh Đề dùng nhiều phuy nước hơn để tăng sức đẩy bởi phía trên khung sắt anh còn thiết kế một khung nhà cố định, vách làm bằng tôn, mái nhà được lợp bằng tôn chống nóng.
Để cố định ngôi nhà, anh dùng bốn cột sắt có chiều cao mỗi cột hơn 5m cố định ở bốn góc nhà để khi nước chảy ngôi nhà không bị xô lệch hoặc cuốn trôi. Với trọng tải thiết kế hơn 6 tấn, chiều rộng hơn 40m2, ngoài việc bảo đảm an toàn cho các thành viên trong gia đình thì có thể chứa được đồ đạc vật dụng trong nhà, từ bàn ghế, lúa gạo cho tới giường chiếu... như một căn nhà thu nhỏ và ở được tất cả các mùa trong năm.
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ được xây dựng tại thôn Trung Tiến (Hương Mỹ).
Chủ tịch MTTQ xã Mỹ Điền Nguyễn Văn Khánh cho rằng, nhà phao chống lũ là sáng kiến hữu hiệu, vừa bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân vừa giúp bà con sớm ổn định đời sống, sản xuất sau lũ. Với chi phí xây dựng không quá lớn, thời gian tới địa phương dành thêm nguồn lực hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà phao tránh lũ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ, cùng việc tích cực động viên, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình nhà phao tránh lũ, thực hiện chủ trương của tỉnh xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, huyện Hương Khê đang chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai nhà văn hóa kết hợp với nhà tránh lũ ở thôn 2 (Hà Lĩnh) và thôn Trung Tiến (Điền Mỹ) và các nhà tránh lũ cho các hộ dân đã được phê duyệt; đồng thời tiếp tục kêu gọi các nguồn lực xã hội hỗ trợ người dân vùng lũ xây dựng các công trình tránh lũ hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, với nhiều trận lũ lịch sử đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho người dân.
Từ thực tiễn công tác ứng phó với thiên tai và hiệu quả của các mô hình nhà tránh lũ, vượt lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với nhà tránh lũ và xây dựng nhà ở kiên cố (có tính đến phương án tránh lũ) cho các gia đình chính sách, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Qua khảo sát, mỗi nhà văn hóa kết hợp với nhà tránh lũ được thiết kế với quy mô hai tầng, diện tích sàn 400m2, với cơ cấu tầng 1 để trống phục vụ nhu cầu vui chơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên; tầng 2 gồm phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng tránh trú bão lũ, sân khấu, bếp, kho và khu vệ sinh chung, với tổng mức đầu tư hai tỷ đồng.
Hiệu quả mô hình nhà tránh lũ ở Hà Tĩnh -0
Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp nhà tránh lũ thôn Hương Thọ, xã Thọ Điền (Vũ Quang).
Theo số liệu từ Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh, sau gần 5 tháng phát động, thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở, đến thời điểm hiện nay các địa phương đã rà soát, thẩm định hồ sơ xây dựng 152 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, trong đó đã xây dụng 25 nhà với tổng mức kinh phí 50 tỷ đồng; rà soát, phê duyệt, khởi công xây dựng hơn 2.700 nhà ở kiên cố cho các gia đình chính sách, hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ông Hà Văn Thiệu, Bí thư Chi bộ thôn Trung Nam, Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên) vui mừng cho biết, vậy là từ nay bà con không cần phải lo lắng tìm nơi tránh lũ nữa. Cuối tháng 7 này, khi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với nhà tránh lũ được xây dựng hoàn thành, người dân sẽ có điểm sinh hoạt văn hóa khang trang và nơi tránh trú thiên tai, lụt bão an toàn.
“Trước đây mỗi khi lụt về, người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ chúng tôi lo lắng dắt díu nhau đi sơ tán, nay được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, cao ráo, chúng tôi rất yên tâm ứng phó với thiên tai", ông Hồ Xuân Viêm, xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà) chia sẻ.
Link gốc: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/hieu-qua-mo-hinh-nha-tranh-lu-o-ha-tinh-647052/